BẮC GIANG- Việc xây dựng “chính quyền thân thiện” ở tỉnh Bắc Giang góp phần giúp trụ sở UBND cấp xã khang trang hơn, tạo chuyển biến căn bản về tư duy, nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, hướng đến sự hài lòng của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, bất cập đòi hỏi những giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy hơn nữa vai trò, ý nghĩa từ mô hình này.
Do tận dụng từ 2 phòng làm việc xây dựng từ nhiều năm trước nên bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) có không gian nhỏ hẹp, chưa đáp ứng tốt yêu cầu đề ra. |
Những bất cập nảy sinh
Từ việc “mềm hóa” hoạt động của chính quyền cơ sở (như trao tặng giấy đăng ký kết hôn, thư xin lỗi, cảm ơn….) đã tạo hiệu ứng tích cực. Người dân, DN đồng tình, đánh giá cao, dần xóa bỏ khoảng cách giữa người dân với cán bộ. Thế nhưng “chính quyền thân thiện” là mô hình mới được triển khai trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những thuận lợi, việc nhân rộng mô hình này ở các địa phương còn gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Trước hết, yêu cầu về kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất rất lớn, nhất là đầu tư xây dựng trụ sở mới; lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh tại tất cả các thôn, bản, tổ dân phố. Đồng chí Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Châu (Tân Yên) chia sẻ: “Việc truyền tải nhanh, kịp thời những chủ trương, chính sách của địa phương tới người dân là rất cần thiết. Song hiện xã đang gặp khó làm sao bao phủ đến tất cả 12 thôn, với 18 cụm loa truyền thanh thông minh. Số tiền bỏ ra là hơn 1 tỷ đồng, đây là nguồn kinh phí lớn đối với UBND cấp xã”.
Thực tế cho thấy, điều kiện làm việc và phục vụ nhân dân ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp xã ở nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu. Nhất là những xã trụ sở xây dựng từ nhiều năm trước, không gian dành cho khu vực tiếp nhận, trả kết quả chật hẹp, thiếu phòng chờ bên ngoài cho công dân. Trang thiết bị như máy tính, máy photocopy cũ, chưa đáp ứng yêu cầu xử lý dữ liệu lớn và liên thông với cấp trên. Bàn ghế làm việc, tủ đựng tài liệu, ghế ngồi đều đã cũ, không đồng bộ. Nhiều nơi phòng làm việc chưa sắp xếp gọn gàng, khoa học, kính bàn quầy lễ tân còn để quá cao, tạo sự ngăn cách, không thân thiện…
Đơn cử, trụ sở UBND xã Lương Phong (Hiệp Hòa) xây dựng từ năm 1987, vì thế bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC không thể phá thông để mở rộng vì ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu của công trình. Do vậy, trước mắt xã vẫn phải tận dụng cơ sở vật chất cũ để triển khai mô hình. Hay như bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) chỉ rộng khoảng 40 m2 do tận dụng từ 2 phòng làm việc của trụ sở cũ được xây dựng từ năm 1996. Nếu hôm nào có đông công dân đến liên hệ giải quyết TTHC thì một số người phải đứng chờ ngoài hành lang.
Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện Yên Thế có lắp đặt thiết bị điện tử đánh giá sự hài lòng của công dân khi đến liên hệ giải quyết TTHC. |
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ tỉnh, việc triển khai xây dựng, ra mắt chính quyền thân thiện mới đạt được kết quả bước đầu, chủ yếu ở những đơn vị làm điểm và những nơi có sự quan tâm cao của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đầu tư, điều kiện về cơ sở vật chất chưa bảo đảm. Còn hiện tượng một bộ phận công chức ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND các cấp có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu người dân trong giải quyết TTHC; chưa thực sự thân thiện, cởi mở, tận tình, chu đáo trong giao tiếp, ứng xử và xử lý công việc; chưa biết cách khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu.
Gần đây phát sinh tình trạng một số cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng. Mặt khác, việc biên chế công chức theo khung đã có nên các xã, phường, thị trấn không có nhiều lựa chọn về nhân sự. Đặc biệt, một bộ phận người dân, DN vẫn ngại thay đổi theo hướng tiếp cận mới, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC… Đây là những lực cản không nhỏ trong việc xây dựng “chính quyền thân thiện” ở cấp cơ sở.
Kinh nghiệm từ thực tiễn
Xác định xây dựng “chính quyền thân thiện” là việc làm xuyên suốt trong nhiều năm, tỉnh Bắc Giang tiếp tục hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng mô hình này nhằm hướng tới ngày càng thực chất hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị ở cơ sở. Theo đó, Ban cán sự đảng UBND tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch xây dựng “chính quyền thân thiện” xã, phường, thị trấn giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu phấn đấu năm 2023 có 30% đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn; đến năm 2025 có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn “chính quyền thân thiện”.
Yêu cầu chính quyền cơ sở chú trọng hơn tới cảnh quan, môi trường công sở nơi tiếp đón người dân văn minh, lịch sự; bảo đảm các nhu cầu thiết yếu. Bố trí bộ phận tiếp nhận và trả kết quả khoa học, gọn gàng, bảo đảm tổ chức và công dân đến giao dịch thuận tiện, đáp ứng 4 tiêu chí “nhanh hơn, tiết kiệm hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn”; có sự gần gũi, thân thiện hơn giữa cán bộ, công chức khi làm việc với dân.
Theo đồng chí Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ tỉnh, cốt lõi của mô hình “chính quyền thân thiện” là thực hiện cải cách TTHC hướng đến phục vụ nhân dân, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Vì thế, kinh nghiệm cho thấy, việc triển khai mô hình “chính quyền thân thiện” trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, trước tiên là do nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trực tiếp, thường xuyên là Thường trực Tỉnh ủy. Sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền các cấp, đặc biệt là UBND tỉnh và sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cơ sở ngay từ khi mới bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm việc xây dựng “chính quyền thân thiện”.
Cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang kiểm tra bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC huyện Lục Nam. |
Bên cạnh đó là vai trò của Ban Dân vận Tỉnh ủy – Cơ quan Thường trực, tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, gỡ bỏ rào cản, mục tiêu nhằm xây dựng chính quyền thân thiện bảo đảm thực chất, phù hợp với xu thế phát triển của tỉnh. Trong đó, chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm phát huy sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong xây dựng “chính quyền thân thiện”. Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong giám sát, phản biện xây dựng “chính quyền thân thiện”. Hằng năm, hệ thống dân vận chủ trì, phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức khảo sát, lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp cơ sở.
Ngoài ra, góp phần tạo nên sự thành công trong triển khai thực hiện mô hình “chính quyền thân thiện” còn do đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát, khảo sát, nắm tình hình nhân dân; thành lập nhóm ứng dụng Zalo nắm tình hình nhân dân trên địa bàn tỉnh; xây dựng và đưa vào hoạt động giải pháp “Ứng dụng chuyển đổi số, phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân”.
Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả từ mô hình “chính quyền thân thiện”, thiết nghĩ các cấp ủy đảng, chính quyền, ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp tăng cường kiểm tra hoạt động công vụ; xử lý nghiêm minh, kịp thời tổ chức, cá nhân, trong đó có người đứng đầu khi né tránh, đùn đẩy công việc thuộc thẩm quyền. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, bảo đảm có được không gian làm việc thân thiện, gần gũi với người dân.
Công dân khi đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) được đọc sách, báo và tìm hiểu các quy định của pháp luật. |
Quan tâm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC nói riêng. Hình thức đào tạo cần đa dạng, vừa cử cán bộ, công chức đi đào tạo tập trung, vừa tổ chức những khóa bồi dưỡng theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, bảo đảm đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức công vụ.
Tăng cường vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội đối với việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức; sự tham gia của cơ quan truyền thông, báo chí trong việc thông tin, phản ánh về tình hình thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, phản ánh các biểu hiện tiêu cực trong thực thi công vụ.
Đặc biệt, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong xử lý công việc. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 2/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”. Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm, tích cực, chủ động quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ được giao, với phương châm “3 dám” (dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhiệm vụ chung), “3 hơn” (quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn) và “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả).
Bài, ảnh: Thành Nam- Vân Anh
Xây dựng “chính quyền thân thiện” ở Bắc Giang – Chủ trương đúng, hiệu quả cao: Bài 1 – Hình thành mô hình điểm
BẮC GIANG – Những năm gần đây, Bắc Giang được đánh giá là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) trong, ngoài nước tìm đến đầu tư. Điều này đặt ra vấn đề cần nâng cao khả năng xử lý, giải quyết những công việc của người dân, DN một cách nhanh chóng. Từ thực tế trên đã thôi thúc tỉnh Bắc Giang xây dựng mô hình điểm “chính quyền thân thiện” nhằm đem lại sự hài lòng cho người dân, DN khi đến các cơ quan nhà nước.
tin tức bắc giang, cải cách hành chính, chính quyền thân thiện, dân vận, gần dân, một cửa