Khoảng 5-7% người bệnh ung thư vú ở Việt Nam dưới 40 tuổi, trong khi hầu hết phụ nữ các nước Âu, Mỹ mắc bệnh này sau mãn kinh, tức từ 50 tuổi. Ngày 25/10, thạc sĩ, bác sĩ (ThS.BS) Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh (HCM) cho biết thông tin trên.
Bác sĩ Bá Tấn khám cho người bệnh. |
Phụ nữ ở châu Á được chẩn đoán ung thư vú thường ở độ tuổi trẻ hơn. Độ tuổi trung bình bệnh nhân ung thư vú ở Đông Nam Á là 27,2 tuổi, ở các nước phát triển Âu, Mỹ là 43,2 tuổi.
“Độ tuổi bệnh nhân ung thư vú ở Việt Nam đang ngày càng trẻ nhưng hiện chưa xác định nguyên nhân khiến xu hướng trẻ hóa”, bác sĩ Tấn nói.
Như ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nhiều bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư vú khi mới 27, 28 tuổi, không có yếu tố nguy cơ.
Đơn cử, chị Tiền, 28 tuổi, có khối u ở ngực trái, kết quả siêu âm, chụp nhũ ảnh, sinh thiết cho thấy tế bào ác tính. Bác sĩ chẩn đoán ung thư vú giai đoạn một. Người bệnh được phẫu thuật cắt bỏ ngực trái, cắt tuyến vú bên ngực phải (đoạn nhũ) phòng ngừa. Sau đó, tái tạo bằng túi ngực và sinh thiết hạch gác cửa bên trái để hạn chế rủi ro phù tay.
Trường hợp khác, chị Vy được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn ba lúc 29 tuổi, khi đang cho con bú. Người bệnh được hóa trị trước khi phẫu thuật ung thư vú trái, nạo hạch nách trái, sử dụng phần cơ lưng rộng để tái tạo hình dạng tuyến vú (tái tạo bằng vạt lưng rộng). Sau phẫu thuật, người bệnh tiếp tục xạ trị và uống thuốc kháng nội tiết trong 10 năm.
Chị Tiền và chị Vy đều không có yếu tố nguy cơ như di truyền, chưa từng mắc bệnh liên quan đến ngực, nhũ hoa. Khác với hai trường hợp trên, chị Thảo, 33 tuổi, có mẹ mắc ung thư vú nên thường xuyên tự kiểm tra ngực, chủ động tầm soát hằng năm. Trong lần khám sức khỏe định kỳ cách đây 5 tháng, chị nhận kết quả chẩn đoán ung thư vú giai đoạn một.
Ung thư vú là ung thư hàng đầu ở nữ giới. Ước tính mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 2,3 triệu ca mới mắc ung thư vú. Tại Việt Nam, tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) thống kê có 21.555 ca mắc mới ung thư vú, chiếm 25,8% tổng số bệnh nhân ung thư, tử vong là 9.345 người.
Theo bác sĩ Tấn, phụ nữ châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng có cấu tạo mô vú dày đặc hơn phụ nữ phương Tây, sự khác biệt về cấu tạo mô vú và đặc điểm di truyền làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú sớm.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú như di truyền (tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú), giới tính (phụ nữ nguy cơ cao hơn nam giới), tuổi tác (trên 50 tuổi). Người có lối sống ít vận động, uống rượu bia, ăn uống không lành mạnh, thừa cân béo phì, dậy thì sớm, mãn kinh muộn, không nuôi con bằng sữa mẹ… cũng thuộc nhóm nguy cơ. Dùng nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn… cũng khiến ung thư vú có xu hướng gia tăng, nhất là ở phụ nữ trẻ.
Sự phát triển của y học hiện đại và nhận thức của người dân về khám sức khỏe định kỳ được nâng cao. Do đó, nhiều người trẻ tình cờ phát hiện ung thư khi tầm soát.
Theo bác sĩ Tấn, tại Việt Nam, nhóm phụ nữ dưới 40 tuổi chưa có trong chương trình tầm soát, đa số đến khám khi đã có biểu hiện lâm sàng nên tỷ lệ bệnh nhân ở giai đoạn trễ nhiều hơn.
Ung thư vú có thể kiểm soát tốt, điều trị khỏi ở giai đoạn sớm. Điều trị ung thư vú ở người trẻ cân nhắc đến các yếu tố đặc thù như vấn đề tái tạo vú, bảo tồn chức năng sinh sản, tư vấn tâm lý…
Hiện điều trị ung thư vú kết hợp giữa kiểm soát bệnh và bảo đảm thẩm mỹ, giúp phụ nữ tự tin về ngoại hình và đời sống vợ chồng. Tùy từng trường hợp, bác sĩ đưa ra lời khuyên, kế hoạch điều trị cụ thể.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên khám vú định kỳ, tầm soát phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm. Phụ nữ sau 40 tuổi cần chụp nhũ ảnh hằng năm. Phụ nữ trẻ dù không có tiền sử gia đình và các yếu tố nguy cơ cũng nên đi khám thường xuyên. Người có u bất thường ở ngực cần đi khám để bác sĩ xác định loại u, tư vấn hướng điều trị phù hợp, kịp thời.
Bộ Y tế tiếp tục gia hạn thêm hơn 600 loại thuốc
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết vừa công bố quyết định gia hạn giấy đăng ký lưu hành hơn 600 loại thuốc sản xuất trong nước và thuốc nước ngoài để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và phòng, chống dịch.
Theo VnExpress