BẮC GIANG – Ký ức của tôi về thôn Đồng Riễu, xã Dương Hưu (Sơn Động) là những con đường đất gập ghềnh, nhiều nhà tranh, vách đất và cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Sau gần chục năm tôi trở lại, mảnh đất này đã “thay da đổi thịt” với những ngôi nhà kiên cố ẩn mình dưới khu vườn xanh tốt, đường đi được cứng hóa, mở rộng.
Có nhà, có xe nhờ phủ xanh đất trống
Theo con đường bê tông từ trụ sở UBND xã Dương Hưu, chúng tôi tới thôn Đồng Riễu. Thỉnh thoảng bắt gặp xe tải chở gỗ rừng trồng mới khai thác. Mùi thơm của gỗ mới cùng tiếng cười giòn tan của người dân báo hiệu vụ trồng rừng thắng lợi.Trên đường đi, tôi được anh Nguyễn Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hưu kể về sự thay đổi của thôn từng là nơi nghèo nhất của xã đặc biệt khó khăn này.
Thôn Đồng Riễu có 450 ha rừng kinh tế mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. |
Gần 20 năm trước, Đồng Riễu nghèo, nghèo lắm. Đường về thôn chỉ là đường đất, nhỏ, hẹp, nhiều đoạn xe máy phải chật vật mới có thể di chuyển. Thôn không có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, mỗi khi tổ chức hội họp phải mượn tạm nhà dân. Giờ đây, ở Đồng Riễu xuất hiện ngày càng nhiều nhà mới khang trang, nhiều gia đình sắm được ô tô, có của ăn của để.
Lời của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã quả không sai. Tới thôn Đồng Riễu, tôi không khỏi choáng ngợp bởi nơi đây như phố thị. Sự hiện diện của những ngôi nhà mái Thái khang trang, hiện đại phần nào cho thấy cuộc sống khá giả của chủ nhân. Trong ngôi nhà hai tầng nằm ven trục đường chính của thôn, ông Trắng Đình Xường (80 tuổi) đang thư thái ngồi xem ti vi. Ông kể, trước đây, cuộc sống của gia đình cũng như các hộ dân trong thôn rất khó khăn, gần 100% hộ thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống dần thay đổi vào giai đoạn năm 1995 – 2000 khi Nhà nước thực hiện giao đất, giao rừng, cán bộ kiểm lâm về tận thôn tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng kinh tế.
Để đồng bào tin, làm theo, năm 2000, lực lượng kiểm lâm triển khai mô hình trồng rừng kinh tế. Sau vài năm, rừng cho khai thác với giá trị cao hơn nhiều lần so với trồng ngô, sắn. Nhận ra lợi thế đó, người dân bắt đầu khai hoang, cải tạo đất để trồng rừng. “Trồng ngô, trồng sắn, không đủ ăn nên năm nào Nhà nước cũng phải hỗ trợ gạo. Từ khi cán bộ kiểm lâm đưa cây keo, bạch đàn về khuyến khích bà con trồng, cuộc sống mới khấm khá lên. Với 8 ha rừng, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Ngôi nhà trị giá hơn 1,4 tỷ đồng cũng từ rừng mà có”, ông Xường chia sẻ.
Những ngôi nhà khang trang ở thôn Đồng Riễu. |
Rời nhà ông Xường, chúng tôi được anh Hoàng Văn Tuyên, trưởng thôn Đồng Riễu dẫn vào sâu trong thôn. Men theo cánh đồng lúa đang ngả vàng, ngôi nhà kiên cố của gia đình ông Vi Xuân Thành (SN 1957), dân tộc Tày hiện ra trước mắt. Vừa rót nước mời khách, ông vừa nói: “Cuối năm 2021, tôi khai thác gần 3 ha keo, bán được gần 500 triệu đồng nên dựng ngôi nhà này. Nhờ có cây keo, bạch đàn, đời sống ấm no, hạnh phúc hơn trước rất nhiều”. Quay trở lại chuyện trồng rừng, ông Thành kể, ngày cán bộ kiểm lâm đưa cây keo, bạch đàn về trồng, người dân trong thôn cũng hoài nghi, phần vì chưa biết chăm sóc cây thế nào, tiêu thụ ở đâu, phần vì phải chờ sau 4-5 năm mới cho thu hoạch, người dân lấy gì để ăn trong thời gian đó.
– Vậy điều gì đã làm bà con thay đổi? – tôi hỏi.
– Khoảng năm 2005, khi lứa keo đầu tiên của mô hình do lực lượng kiểm lâm triển khai được thu hoạch, chúng tôi được mời đến tận nơi chứng kiến. Dù thời điểm đó, mỗi ha keo chỉ được 30-40 triệu đồng sau 5 năm song với bà con đó là khoản tiền lớn. Thế là mọi người cùng hưởng ứng, tham gia trồng, người ít trồng 0,5 ha, người nhiều trồng 8-10 ha. Đến nay, toàn bộ 215 hộ dân trong thôn đều có rừng kinh tế với tổng diện tích khoảng 450 ha. Mỗi năm, rừng trồng mang lại số thu gần 20 tỷ đồng cho các hộ trong thôn. Điều đáng mừng là nhiều gia đình xây được nhà to, mua ô tô, có tiền gửi ngân hàng – ông Thành đáp.
Nâng giá trị “của để dành”
Sinh ra và lớn lên ở Đồng Riễu, ông Hoàng Quốc Hiệp (SN 1947), nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Dương Hưu (giai đoạn 1975 – 1983) luôn nhớ về thời kỳ gian khó của địa phương. Lúc đó, đất rừng nơi đây chủ yếu là những dãy đồi trọc, chuyện làm giàu từ rừng không ai nghĩ tới. “Khi còn công tác, tôi và tập thể Đảng ủy, UBND xã luôn đau đáu tìm hướng thoát nghèo cho đồng bào. Nhiều giải pháp được đưa ra song đều không thành. Chỉ đến khi cây keo, bạch đàn bén rễ ở đây, mọi chuyện mới thay đổi. Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ sẽ có ngày Đồng Riễu trù phú như hôm nay”, ông Hiệp cho biết.
Toàn xã Dương Hưu có 11 cơ sở chế biến gỗ, tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương, trong đó có nhiều lao động của thôn Đồng Riễu. |
Ở Đồng Riễu, rừng như là “của để dành” bởi sau khi thu hoạch, hầu hết các hộ đều gửi tiền tiết kiệm, chỉ đến khi làm việc lớn như xây nhà, mua xe, làm đám cưới cho con hay con vào đại học mới rút về. Không chỉ trồng rừng mà người dân thôn Đồng Riễu còn có nghề khai thác gỗ. Hiện trong số 400 người trong độ tuổi lao động có đến 300 người chuyên đi khai thác gỗ thuê, nhà ít cũng có 1 người, nhà nhiều từ 3 – 4 người. Nếu chịu khó, mỗi lao động thu nhập 400 – 500 nghìn đồng/ngày. Ví như gia đình trưởng thôn Hoàng Văn Tuyên cũng có 4 lao động thường xuyên đi khai thác keo thuê (bố đẻ, em trai và hai vợ chồng anh Tuyên – PV).
Mỗi năm từ đi khai thác gỗ, gia đình anh có thu nhập gần 300 triệu đồng. Tương tự, dù có đến 8 ha rừng song vợ chồng anh Trắng Văn Bình (SN 1980), dân tộc Hoa vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi khai thác keo thuê, vừa có thu nhập, vừa có thêm đầu mối tiêu thụ lâm sản. Hay như vợ chồng anh Hoàng Văn Nhượng (SN 1980), dân tộc Tày xây được nhà đẹp từ trồng rừng và khai thác keo thuê…
“Ba năm trước, vợ chồng tôi đã dựng được nhà, ra khỏi diện nghèo, hiện đã có một khoản gửi tiết kiệm. Cuộc sống ổn định, tôi bắt đầu tính đến việc phát triển rừng gỗ lớn để nâng giá trị. Hiện tôi đã chuyển 1 ha trồng keo sang trồng 3 nghìn cây quế. Theo tính toán, một cây quế 7-10 năm tuổi bán được 150-200 nghìn đồng/cây; nếu cây có tuổi từ 15-20 năm sẽ bán được hơn 2 triệu đồng/cây”, anh Nhượng cho biết.
Chia tay các hộ dân, tôi cùng trưởng thôn Hoàng Văn Tuyên đi một vòng thăm rừng kinh tế của thôn. Từ đỉnh đèo Kiếm – khu vực tiếp giáp với xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), nhìn ra xa ngút tầm mắt là những vườn keo, bạch đàn, quế đang lên xanh tốt. Anh Tuyên cho biết, hiện 100% hộ dân trong thôn có nhà kiên cố, 50% số hộ có tiền gửi tiết kiệm, gần 20 hộ mua được ô tô để đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Đặc biệt, thôn chỉ còn 10 hộ nghèo, giảm hơn 100 hộ so với 5 năm trước. Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện góp công, góp của kiến thiết quê hương. Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, nhân dân trong thôn hiến hàng trăm m2 đất và kinh phí để xây dựng nhà văn hóa, cứng hóa toàn bộ đường trục chính, góp phần hoàn thành các tiêu chí nhằm đưa Dương Hưu về đích nông thôn mới vào cuối năm nay.
Rời Đồng Riễu khi trời đã nhá nhem tối. Hai bên đường nhà nhà đèn điện sáng trưng, các gia đình quây quần bên mâm cơm, mấy đứa trẻ cười đùa vui vẻ. Chúng tôi cảm thấy vui với cuộc sống no đủ, hạnh phúc của những người dân miền sơn cước.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Sơn Động: Trợ lực phát triển nông sản hàng hóa
BẮC GIANG – Dù có nhiều lợi thế song Sơn Động vẫn là “vùng trũng” của tỉnh về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có 20 sản phẩm được gắn sao, địa phương ban hành nhiều cơ chế, chính sách và bước đầu khẳng định hiệu quả.
tin tức bắc giang, bắc giang, sơn động, xã dương hưu, thôn Đồng Riễu, xe tải chở gỗ, rừng trồng mới, trồng rừng kinh tế,khai thác, hộ dân, làm giàu từ rừng , xây dựng nhà văn hóa