BẮC GIANG – Cùng với các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, người dân ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện Yên Thế tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao vào canh tác. Nhiều hộ đã thoát nghèo và làm giàu.
Những mô hình hiệu quả
Đồng Vương là xã ĐBKK duy nhất của huyện Yên Thế. Tại đây, cán bộ xã dẫn phóng viên ghé thăm khu vực nuôi bò của gia đình ông Vũ Hồng Sơn (SN 1971), bản Đồng Tân. Ông Sơn kể, ngày mới cưới, bố mẹ hai bên đều nghèo nên chỉ cho vợ chồng ông 0,8 ha đất đồi. Tuổi còn trẻ lại không có nghề nghiệp nên ra ở riêng, vợ chồng ông đã nằm trong danh sách hộ nghèo của xã.
Nông dân thôn Đồng Bông, xã Tân Hiệp chăm sóc dưa chuột. |
Năm 2002, từ nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo, ông Sơn được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 3 triệu đồng để phát triển kinh tế. Sẵn vườn bãi rộng, ông dành 1,5 triệu đồng mua một con bò nái về làm giống, phần còn lại mua vật liệu xây tường bao. Nhờ chăm sóc tốt, hơn 1 năm sau đã có bê con. Từ một con giống ban đầu, sau nhiều năm nhân đàn, đến nay vợ chồng ông có hàng chục con bò, trong đó có 5 con bò nái. Tiền thu từ bán bê con tăng dần, từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Thu nhập từ chăn nuôi giúp vợ chồng ông thoát nghèo, có điều kiện cho các con học đại học, có việc làm ổn định. “Vừa phát triển đàn bò của gia đình, tôi vừa hỗ trợ 3 hộ khác trong thôn thoát nghèo từ nuôi bò. Mới đây, tôi được địa phương chọn làm nhóm trưởng để hướng dẫn 12 hộ nghèo trong thôn kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc bò. Hoạt động này được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững”, ông Sơn cho biết.
Ngoài xã Đồng Vương, Yên Thế còn 19 thôn, bản thuộc địa bàn ĐBKK. Tại những thôn này, cùng với chính sách hỗ trợ, người dân đã chủ động khai thác lợi thế để phát triển kinh tế, hỗ trợ nhau thoát nghèo. Điển hình như anh Lý Văn Trường (SN 1976), thôn Gốc Dổi, xã Canh Nậu mạnh dạn vay vốn mua máy móc, mở xưởng chế biến gỗ. Hiện với hai dây chuyền, xưởng của gia đình anh tạo việc làm cho gần 30 lao động địa phương với mức thu nhập 350 đến 400 nghìn đồng/người/ngày.
Hay như chị Nguyễn Thị Hải (SN 1984), bản Trại Nấm, xã Đồng Vương liên kết với 11 hộ dân trong xã thành lập tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tham gia liên kết, tổ viên được chị cung cấp giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm. Trên diện tích 20 ha, tổ hợp tác xây dựng mô hình trồng ớt theo quy trình an toàn, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân.
Tại thôn ĐBKK Đồng Bông, xã Tân Hiệp, mô hình trồng dưa chuột mang lại giá trị kinh tế cao được nhân rộng từ vài hộ lên hơn 30 hộ với diện tích gần 8 ha. Chị Lê Thị Nga (SN 1976) nói: “Trước đây, trên 7 sào đất nông nghiệp của gia đình, tôi chỉ cấy hai vụ lúa nên thu nhập thấp. Từ khi chuyển toàn bộ diện tích sang trồng dưa chuột, mỗi năm gia đình tôi thu 180 triệu đồng”.
Lồng ghép các nguồn lực
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, hiện nay huyện đã triển khai 11 dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản với giá trị gần 5 tỷ đồng và tiếp tục xây dựng 5 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên như: Tín dụng ưu đãi, việc làm, đào tạo nghề, nhà ở…
Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, huy động tối đa nguồn lực nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện Yên Thế giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2021, hộ nghèo 4,91%, đến năm 2022 giảm còn 3,76% và phấn đấu giảm xuống dưới 3% vào cuối năm nay. |
Riêng từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 103 hộ nghèo, hộ cận nghèo, 239 hộ kinh doanh tại vùng ĐBKK được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất. Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, huy động tối đa nguồn lực nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm theo từng năm. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo là 4,91%, đến năm 2022 giảm còn 3,76% và phấn đấu giảm xuống dưới 3% vào cuối năm nay.
Mặc dù vậy, do tập quán sản xuất cũng như những khó khăn về điều kiện tự nhiên nên kết quả giảm nghèo tại các thôn, bản ĐBKK trên địa bàn chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn so với mặt bằng chung của huyện. Một bộ phận người dân chưa nỗ lực vươn lên thoát nghèo, gặp khó khăn trong việc tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Để khắc phục, khi triển khai các mô hình hỗ trợ, huyện quan tâm lựa chọn những cá nhân sản xuất, kinh doanh giỏi làm nhóm trưởng, phụ trách kỹ thuật cũng như bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của các hộ. Đối với nguồn vốn phân bổ năm 2023 và vốn chuyển nguồn năm 2022, UBND huyện giao các cơ quan chuyên môn phụ trách, nếu không giải ngân được vốn, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Cùng đó chỉ đạo các xã mở các lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất, tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương.
Ông Dương Ngọc Minh, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Để thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo, Phòng đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ, đồng thời xây dựng kế hoạch sơ kết phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2023. Trước mắt sẽ tập trung rà soát hộ nghèo năm 2023, bảo đảm công khai, minh bạch và coi đây là cơ sở để xác định mục tiêu, nhiệm vụ thời gian tới”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Giảm nghèo ở xã vùng cao Phong Vân
BẮC GIANG – Với một xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Phong Vân (Lục Ngạn),
giảm nghèo luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân
dân nơi đây.
Tạo việc làm tại chỗ, giảm nghèo bền vững
BẮC GIANG – “Không phải mỗi năm có bao nhiêu hộ ra khỏi danh sách hộ nghèo, điều quan trọng là những hộ ấy đã thoát nghèo như thế nào và phải tạo cơ hội để họ tự vươn lên. Đây chính là yếu tố tiên quyết để xã triển khai chương trình giảm nghèo bền vững”, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thiện (Tân Yên) chia sẻ.
Nêu cao ý chí tự lực, chung tay giảm nghèo
BẮC GIANG – Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn song với ý chí tự lực, nhiều hộ tự nguyện xin thoát nghèo. Với họ, quyết định này là sự khẳng định nỗ lực vươn lên và lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Đầu tư hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ giảm nghèo
BẮC GIANG – Nhờ cơ chế hỗ trợ, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa. Qua đó, từng bước góp phần thay đổi diện mạo, tạo “đòn bẩy” giảm nghèo nhanh, bền vững.
Trái ngọt từ “vườn cây giảm nghèo”
BẮC GIANG – Phong trào tặng “vườn cây giảm nghèo” đang được các cấp hội, đoàn thể trên địa bàn huyện Tân Yên nhân rộng, tạo động lực cho nhiều hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn vươn lên.
tin tức bắc giang, bắc giang, huyện Yên Thế, Chương trình mục tiêu quốc gia, Giảm nghèo bền vững, địa bàn đặc biệt khó khăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mô hình mới, hiệu quả kinh tế cao, canh tác