BẮC GIANG – Không sinh ra ở làng quan họ cổ nhưng bà Đặng Thị Nhung (SN 1960), Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) quan họ thôn Chàng, xã Việt Tiến (Việt Yên) như “kho tư liệu sống” về những làn điệu dân ca này.
Thoả niềm đam mê
Từ nhỏ, cô bé Nhung đã tập hát quan họ cùng anh chị em, bạn bè, rồi say mê quan họ từ khi nào chẳng biết, để đến sau này, tình yêu, niềm đam mê đó cứ lớn dần, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Dù đã nhiều tuổi nhưng giọng hát của bà Nhung vẫn vang, rền, nền, nảy. Bà thuộc hàng trăm làn điệu và hiểu sâu sắc các điển tích, lề lối của người xưa gửi gắm qua từng câu hát. Lớn lên, liền chị Đặng Thị Nhung đi giao lưu quan họ dọc các làng quê ven sông Cầu. Ở mỗi nơi, bà lại gặp những người bạn mới, tích lũy thêm nhiều kiến thức về dân ca quan họ. Hằng ngày, bà vẫn hát, truyền dạy và luôn tìm tòi, học hỏi để hát hay hơn.
Bà Đặng Thị Nhung. |
Nhiều năm nay, bà sưu tầm và in các bài dân ca theo từng chủ đề, lối hát để lưu giữ. Vừa giới thiệu, liền chị vừa í a cất giọng, tay này vỗ tay kia làm phách, tạo nhịp. Theo bà Nhung, một canh hát quan họ giữ đúng lề lối thường kéo dài thâu đêm và được chia thành 3 chặng. Chặng đầu tiên, các liền anh, liền chị hát những bài mời khách đến chơi. Chặng thứ hai, liền anh, liền chị hát giao duyên. Chặng cuối mời nhau xơi trầu, uống trà bằng những giai điệu ân nghĩa, thủy chung để rồi khi chia tay sẽ hát lời giã bạn.
Việt Yên có 5 làng quan họ cổ và hơn 50 CLB quan họ thực hành. Mỗi một làng lại có những đặc trưng riêng nên bà thường xuyên tham gia những buổi giao lưu để trau dồi “vốn liếng”. Ham học hỏi, bà cất công đi tìm nghệ nhân giỏi ở các làng Nội Ninh, xã Ninh Sơn; Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên) để học hỏi thêm. Đồng thời, liền chị Đặng Thị Nhung cũng trực tiếp mở canh hát tại nhà và mời liền anh, liền chị các làng quan họ bạn đến giao lưu.
Không chỉ giao lưu với các làng quan họ ở Bắc Giang như: Hữu Nghi, xã Ninh Sơn; Thần Trúc, Bổ Đà, xã Tiên Sơn (Việt Yên); Yên Tập Bắc, xã Yên Lư (Yên Dũng), Vụ Nông, xã Bắc Lý; Cẩm Xuyên, Cẩm Bào, Cẩm Trung, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa), các liền anh, liền chị còn hát giao lưu tại các làng quan họ nổi tiếng của tỉnh Bắc Ninh như: Do Nha, Viêm Xá, Đào Xá, Khúc Toại. Không gian hát quan họ ở thôn Chàng cũng rất đa dạng; lúc trên thuyền, trên đồi, khi trong đình, chùa, dưới gốc đa. Chính bởi tinh thần cầu thị đó mà bà Nhung được bạn hát và các thế hệ người học đánh giá cao, nhắc đến với sự nể trọng. Đến nay, giọng ca của liền chị không chỉ nổi tiếng ở làng Chàng mà còn vang xa trong và ngoài tỉnh.
Bà Đặng Thị Nhung (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên CLB biểu diễn quan họ tại đình thôn Chàng. |
Gia đình bà Nhung có 4 thế hệ biết hát quan họ. Mẹ bà là cụ Nguyễn Thị Khái nay đã 100 tuổi truyền cho bà Nhung cách hát, cách đối đáp, xưng hô, tác phong, lề lối của người quan họ từ khi còn bé. Nhờ những canh hát quan họ tại nhà, chị em bà được nghe liền anh, liền chị hát từ đêm này sang đêm khác. Từ đó, câu ca quan họ dần ngấm vào máu thịt bà. Mê đắm làn điệu trữ tình ấy, bà đã dạy cho 3 người con từ khi còn ấu thơ qua những bài hát ru. Rồi lời ca ấy lại được truyền dạy cho các cháu nội, cháu ngoại.
Tiếp nối truyền thống gia đình, đến nay, dù bận rộn kinh doanh nhưng hai con trai bà vẫn dành thời gian luyện tập, khi thôn có việc, các anh lại xúng xính khăn xếp, áo the vào hội hát. Con gái bà là chị Đào Thị Thu cũng theo học chuyên ngành âm nhạc truyền thống, hiện đang công tác tại Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Việt Yên. Mới đây, cháu nội của bà là em Đào Phương Thúy, học sinh Trường Tiểu học thị trấn Bích Động giành giải A tại cuộc thi Tiếng hát dân ca thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bắc Giang năm 2023 do Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh tổ chức.
Gìn giữ vốn quý
Từ năm 1995 đến nay, bà Nhung miệt mài truyền dạy quan họ miễn phí cho thế hệ trẻ. Mỗi tối, người dân thôn Chàng vẫn nghe văng vẳng những làn điệu quan họ cổ. Ban đầu, bà gặp nhiều khó khăn trong việc tập hợp, duy trì đội hình vì người dân mải lo cơm áo mà chưa quan tâm nhiều đến nghệ thuật truyền thống. Thế nhưng, bà Nhung vẫn bền lòng đến từng nhà động viên, vận động mọi người cùng tham gia. Mày mò nghiên cứu, bà tìm phương pháp truyền dạy linh hoạt để mang lại hiệu quả cao nhất cho người học. Với các em nhỏ, bà thường bồi dưỡng hát đơn, người lớn thì dạy hát theo cặp.
Liền chị Đặng Thị Nhung truyền dạy quan họ cho trẻ em. |
Đặc trưng của quan họ là cách buông câu, nhả chữ, các từ nhấn nhá cần dùng đúng chỗ, chỉ cần quên, sai một chi tiết là có thể phá hỏng cả bài nên mỗi buổi truyền dạy, bà luôn tỉ mỉ hướng dẫn người học từng câu, từng lời và giải thích cặn kẽ về nguồn gốc, lề lối, quy tắc ứng xử của một canh hát truyền thống. Bà Nhung nói: “Để học những làn điệu cổ, người học phải mất cả tháng mới thành thục. Chẳng thế mà dân ca quan họ được coi là loại hình nghệ thuật bác học, trữ tình. Không chỉ biết lấy hơi, nhả lời, người quan họ còn phải biết đối đáp sao cho hợp tình, hợp lý”.
Nhờ miệt mài tự học, trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng, bà Nhung trở thành liền chị quan họ “có tiếng” trong vùng. Bà liên tục giành giải A trong các liên hoan, hội diễn dân ca quan họ cấp huyện, cấp tỉnh và vùng Kinh Bắc nhiều năm liên tục”. Bà Dương Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao huyện Việt Yên |
Những năm gần đây, CLB dân ca quan họ thôn Chàng do bà Nhung làm chủ nhiệm không chỉ giao lưu, biểu diễn trong những ngày hội làng mà còn tham gia biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đón các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước.
CLB hiện có 42 liền anh, liền chị nòng cốt với đủ lứa tuổi từ quan họ măng non đến các bậc gạo cội. Bà đã truyền dạy quan họ cho hàng trăm liền anh, liền chị trong làng, ngoài xã. Mới đầu, chỉ là các em nhỏ, người dân trong làng yêu quan họ tìm đến học. Sau đó, tiếng lành đồn xa, những người yêu quan họ ở trong và ngoài tỉnh cũng về đây học hát. Nhiều học trò của bà trưởng thành, đạt được thành tích cao trong các cuộc thi dân ca quan họ lại tiếp tục truyền dạy cho thế hệ sau.
Liền anh Đặng Văn Mịch tham gia học hát quan họ tại CLB vừa được trao giải người thuộc nhiều bài hát nhất Hội diễn dân ca quan họ huyện Việt Yên năm 2023 cho biết: “Theo học quan họ không chỉ hát được những làn điệu mà chúng tôi còn thấm nhuần và hiểu được người quan họ luôn từ tốn, khiêm nhường từ lời ăn, tiếng nói cho đến lối ứng xử. Bởi thế, quan họ như một thứ men say, đầy sức cuốn hút”. Sau khi theo học, nhiều em nhỏ cũng trở thành những liền anh, liền chị “nhí” như: Em Đặng Thu Huyền (SN 2012), học sinh Trường THCS Việt Tiến; Nguyễn Phương Thảo (SN 2014), học sinh Trường Tiểu học Việt Tiến.
Không chỉ say mê hát và truyền dạy quan họ, bà Nhung còn sưu tầm những bộ trang phục của liền anh, liền chị để trưng bày tại nhà. Hiện nay, khách nước ngoài không chỉ đến thăm các làng quan họ cổ mà còn say sưa tìm hiểu quan họ ở thôn Chàng, tìm về nhà bà Nhung để được nghe hát và ngắm nhìn những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt, đắm mình trong những làn điệu dân ca. Với mong muốn lan tỏa và gìn giữ vốn quý của quê hương, bà Nhung đã cung cấp tư liệu phục vụ công tác sưu tầm, lưu giữ, nghiên cứu về di sản văn hóa quan họ cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang.
Từ hạt nhân hát quan họ, giờ đây, bà Nhung đã đưa làn điệu quan họ đi sâu vào cuộc sống, trở thành phong trào văn nghệ quần chúng, xây dựng đời sống văn hoá tinh thần ngày càng phong phú ở thôn quê.
Bài, ảnh: Minh Thu
Chuyện về hai mẹ con nghệ nhân quan họ
(BGĐT) – “Năm 2019, lúc mẹ tôi bị ốm tưởng chừng không qua khỏi, bà nắm chặt tay tôi dặn dò, dẫu có thế nào con cũng cố gắng gìn giữ, truyền dạy quan họ cho thật nhiều người con nhé! Tôi chỉ biết ôm mẹ khóc mà không nói nên lời” – Nghệ nhân quan họ Đàm Thị Bùi, thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) xúc động nói.
tin tức bắc giang, bắc giang, di sản văn hóa quan họ, nối dài, tình yêu, quan họ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, làn điệu dân ca, huyện việt yên, đam mê, truyền dạy, văn hoá