Chiều 06/02, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp thứ 10 (theo hình thức trực tuyến toàn quốc) tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Dự tại điểm cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị Trung ương.
Tại điểm cầu Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Việt Oanh – Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; thành viên Tổ công tác Đề án 06 tỉnh; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Năm 2024, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc (công bố tháng 9/2024), tăng 15 bậc so với 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) ở mức “Rất cao”. Tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang đạt 82,4%, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 45%, tăng 2,5 lần so với năm 2023.
Về kinh tế số, năm 2024 thương mại điện tử bán lẻ cả nước đạt doanh thu 25 tỷ USD, tăng khoảng 20%. Việt Nam thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt hàng năm tăng hơn 50%, dẫn đầu Đông Nam Á.
Về xã hội số, cả nước có trên 55,25 triệu tài khoản VNeID được kích hoạt, vượt mục tiêu 40 triệu tài khoản người dùng trong Đề án 06/CP; 90% người dân tham gia bảo hiểm có sổ sức khỏe điện tử; 100% học sinh, sinh viên có hồ sơ học tập số; 100% bệnh viện, trung tâm y tế công, cơ sở giáo dục đại học triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Với chủ đề “CĐS toàn diện để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế”. Năm 2025, Ủy ban Quốc gia về CĐS tập trung chỉ đạo triển khai CĐS toàn diện các ngành, lĩnh vực góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8-10%.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung phân tích tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện CĐS và Đề án 06. Theo các đại biểu, năm 2024 mặc dù tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước tăng 2,5 lần so với năm 2023, song tỷ lệ chưa cao (đạt 45%). Việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm. Kỹ năng số của người dân chưa đồng đều, đặc biệt người dân tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn chưa được tiếp cận nhiều với các dịch vụ số. An ninh mạng đối mặt với nhiều thách thức, lừa đảo trực tuyến, tội phạm sử dụng công nghệ cao xuyên quốc gia, tấn công mạng ngày càng phức tạp… Qua đó, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục triển khai CĐS để tạo bước đột phá, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ CĐS đã đề ra.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, đơn vị đã ấn nút kích hoạt hệ thống điều phối dữ liệu ngành y tế.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của thành viên Ban Chỉ đạo CĐS và Đề án 06 có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công chung của cả nước.
Trên cơ sở một số nội dung, nhiệm vụ đã làm được, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đến các vấn đề trọng tâm CĐS cần thực hiện trong năm 2025, trong đó cần đa dạng hóa về nội dung, hình thức và kết quả triển khai, tiếp tục áp dụng khoa học công nghệ vào CĐS, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bám sát tình hình thế giới, trong nước, thực tiễn; phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Sử dụng có hiệu quả các công cụ theo dõi, đánh giá trong hoạt động chỉ đạo, điều hành; thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách đồng thuận đối với người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, sức lan tỏa của CĐS và Đề án 06 với sự phát triển của đất nước. Triển khai các giải pháp để phát triển dữ liệu đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương. Trong năm 2025 tập trung chỉ đạo, điều hành bộ máy hành chính từ Trung ương đến cấp xã đảm bảo 100% sử dụngchữ k ý số trên môi trường mạng.
Các thành viên của Ban Chỉ đạo phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành các nhiệm vụ CĐS và Đề án 06 năm 2025. Tiếp tục rà soát, đổi mới phương thức, cách làm và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trên tinh thần rõ người, rõ việc, tuyệt đối không đùn đẩy, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là cơ sở dữ liệu đất đai cho người dân, doanh nghiệp, không gây lãng phí nguồn lực…
Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Việt Oanh yêu cầu các sở, ngành liên quan bám sát các văn bản chỉ đạo về CĐS của Trung ương, rà soát các nhiệm vụ do ngành, đơn vị quản lý, có phương án, kế hoạch triển khai để công tác CĐS trong tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị viễn thông mở rộng phủ sóng 5G để công tác CĐS trên địa bàn tỉnh được thông suốt, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính và công tác quản lý hồ sơ của các cơ quan, đơn vị nhà nước. Chú trọng việc cập nhật dữ liệu dân cư, địa giới hành chính tại những địa bàn sáp nhập, chia tách, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp./.
Nguyễn Miền
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/tiep-tuc-chuyen-oi-so-toan-dien-tao-ra-ong-luc-moi-cho-tang-truong-kinh–1