Chương trình OCOP tại Tân Yên giúp nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện cuộc sống người dân và đóng góp quan trọng vào xây dựng hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại huyện Tân Yên đã tạo tác động tích cực đến kinh tế nông thôn, thúc đẩy sự chuyển đổi từ mô hình nhỏ lẻ, manh mún sang quy mô lớn, hiện đại. Trong năm 2024, huyện Tân Yên được công nhận thêm 25 sản phẩm OCOP 3 sao và 2 sản phẩm công nhận lại OCOP 4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP của huyện lên 57 sản phẩm (có 7 sản phẩm OCOP 4 sao). Đứng thứ 2 toàn tỉnh Bắc Giang.
Trong đó, riêng đợt 1 năm 2024, UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã phê duyệt kết quả đánh giá và cấp Giấy chứng nhận cho 12 sản phẩm như: Trà hoa sâm Núi Dành, Rượu sâm núi Dành, Trà túi lọc hoa sâm, Rượu gạo Hương Việt, Chè lam Đỗ Hùng, Cà chua bi Vinh Quang,….
Còn đợt 2 năm 2024, có 13 sản phẩm tham gia đánh giá gồm: Rượu nếp Hồng Quân, Nho Hạ đen Huyền Trang, Mật ong hoa vải sâm Núi Dành, Rượu Sâm nam, Trà ngô bao tử Quyên Phong, Trà vối lá nếp Quyên Phong, Trà hoa sâm núi Dành, Ổi lê Hợp Đức, Dầu lạc Anh An,….
Có thể nói, các sản phẩm OCOP của huyện Tân Yên rất đa dạng, giá trị kinh tế cao, từ Vải sớm Phúc Hòa, Lợn sạch Tân Yên, Sâm Nam núi Dành, Măng lục trúc Ngọc Châu cho đến Mỳ gạo Châu Sơn, vVú sữa Tân Yên, Ổi lê Tân Yên, Hành tía Liên Chung,… mỗi sản phẩm đều mang theo giá trị đặc trưng, tập tục, văn hóa của mỗi địa phương.
Thông qua chương trình OCOP đã giúp khai thác tiềm năng đất đai, nguồn lực địa phương, và đặc biệt là các giá trị văn hoá để tạo ra sản phẩm “đa giá trị”, khuyến khích sự sáng tạo trong sản xuất, giúp sản phẩm vượt ra khỏi thị trường truyền thống. Người dân tự tin hơn, sáng tạo hơn, mạnh dạn khởi nghiệp, tích cực tham gia vào nền kinh tế thị trường, góp phần xây dựng nông thôn mới giàu đẹp.
Ông Đặng Huy Phong – Giám đốc HTX nông nghiệp Quyên Phong chia sẻ, đơn vị có 40-50 ha trồng ổi tại xã Hợp Đức, xã Phúc Hòa. Trước khi được công nhận OCOP, nông sản bán theo thị trường chợ đầu mối, giá bị thương lái ép. Sau khi có OCOP, sản phẩm được đưa vào các cửa hàng hoa quả sạch, chuỗi siêu thị mini, thậm chí cả tập đoàn lớn. Giá trị sản phẩm được nâng lên, nông dân không còn phụ thuộc vào thương lái.
“Việc tham gia chương trình OCOP giúp sản phẩm được nâng tầm và được nhiều người biết đến hơn. Khách hàng tin tưởng hơn và tự tin hơn khi mua sản phẩm OCOP có tem và mã vạch đầy đủ thông tin nguồn gốc. Thu nhập của người sản xuất được cải thiện”, ông Phong chia sẻ.
Theo phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Tân Yên, chương trình OCOP đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực đến kinh tế – xã hội nông thôn. Giá trị sản xuất của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP hiện chiếm hơn 75% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của địa phương, khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội.
Những năm qua, huyện Tân Yên đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Cụ thể, các sản phẩm đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên sẽ được hỗ trợ kinh phí: 10 triệu đồng/sản phẩm (3 sao), 15 triệu đồng/sản phẩm (4 sao) và 20 triệu đồng/sản phẩm (5 sao).
Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ 100% chi phí kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm (không quá 10 triệu đồng/sản phẩm); hỗ trợ 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước (không quá 50 triệu đồng/chủ thể/lần) và hỗ trợ 100% kinh phí thuê địa điểm, vận hành các điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP, gian hàng sản phẩm tiêu biểu của huyện.
Sự đồng hành của chính quyền địa phương cùng những chính sách hỗ trợ kịp thời đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Luận – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên chia sẻ, hàng năm, UBND huyện hỗ trợ các xã, hợp tác xã phát triển sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó tập trung vào các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển. Chương trình OCOP tại Tân Yên đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người nông dân và xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương.
“Chương trình OCOP đã và đang tạo ra bước ngoặt đáng kể trong bức tranh kinh tế nông thôn. Việc công nhận và xếp hạng sản phẩm không chỉ nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn tạo nên sự chuyển mình mạnh mẽ trong tập quán sản xuất, góp phần hoàn thành tiêu chí sản xuất, đưa Tân Yên hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao đúng kế hoạch”, ông Nguyễn Văn Luận chia sẻ thêm.
Đinh Mười
nguồn: https://nongnghiep.vn/tan-yen-phat-trien-da-dang-san-pham-ocop-xay-dung-huyen-ntm-nang-cao-d414836.html