Chiều 20/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các Đại sứ/Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các tỉnh, thành phố về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) năm 2024 và trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bứt phá cho tăng trưởng. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2024, công tác NGKT được đẩy mạnh một cách bài bản, quyết liệt, hiệu quả với nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, tạo đột phá. Trong trao đổi, tiếp xúc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và chuyên gia đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) của Việt Nam, ấn tượng với tăng trưởng năm 2024; đánh giá cao điều hành vĩ mô của Chính phủ, quyết tâm hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, coi Việt Nam là hình mẫu trong hợp tác và tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt trong năm 2024, nội dung kinh tế đã trở thành trọng tâm. Nổi bật là chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, New Zealand, Hàn Quốc, Nga…; hơn 170 thỏa thuận hợp tác được ký kết nhân dịp các hoạt động cấp cao. Với các thị trường còn nhiều dư địa như khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông – Châu Phi, Trung Đông Âu nước ta đã thúc đẩy NGKT với các đối tác quan trọng; tích cực ký kết các FTA mới, nâng tổng số FTA Việt Nam ký kết và tham gia lên 17. Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai hơn 700 hoạt động NGKT xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ địa phương quảng bá, kết nối, thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài với hơn 400 hoạt động xúc tiến, trong đó hỗ trợ các tỉnh, thành ký kết 130 thỏa thuận với các đối tác quốc tế; hỗ trợ các địa phương vận động thành công UNESCO công nhận thêm 6 di sản thiên nhiên và văn hóa, nâng số di sản UNESCO lên 71, góp phần tạo thêm nguồn tài nguyên thúc đẩy phát triển du lịch.
Năm 2025, Bộ Ngoại giao kiến nghị công tác NGKT được triển khai trên tinh thần tăng tốc, quyết liệt nhằm tạo ra hiệu năng mới, đột phá mới, bám sát chủ đề điều hành năm 2025 của Chính phủ “kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tạo đà bứt phá”, trong đó tập trung vào 05 trọng tâm: Đẩy mạnh nội dung NGKT trong các hoạt động đối ngoại cấp cao năm 2025 nhằm giữ đà, đẩy mạnh hơn quan hệ với các đối tác chủ chốt (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…), đối tác quan trọng (Ba Lan, Séc, Thụy Sỹ…) và mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng (Ai Cập, Nam Phi…). Đẩy mạnh quyết liệt hơn, xây dựng các kế hoạch cụ thể, thành lập cơ chế trao đổi với các đối tác về đẩy mạnh triển khai các cam kết thỏa thuận cấp cao đã đạt được. Thúc đẩy, tạo đột phá trong quan hệ kinh tế-thương mại, đầu tư, lao động, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn, ngoại giao kinh tế số là trọng tâm, là đột phá của ngoại giao kinh tế thời đại mới. Tiếp tục chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu tập trung vào các điều chỉnh chính sách tài chính – tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế lớn và quan trọng.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung làm rõ hơn về hạn chế, tồn tại trong triển khai công tác NGKT thời gian qua; nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả công tác NGKT trong thời gian tới.
Ở Bắc Giang, thời gian qua, quan hệ hợp tác về kinh tế của tỉnh, các cơ quan trong tỉnh với các đối tác quốc tế được mở rộng. Hiện nay, có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào tỉnh; thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh được mở rộng tới hầu hết các khu vực trên thế giới… Bắc Giang luôn duy trì trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Lũy kế từ trước đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được trên 610 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt trên 12,4 tỷ USD. Các đối tác thương mại lớn nhất của các doanh nghiệp trong tỉnh đến từ: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản, Tây Ban Nha. Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục đạt kết quả tích cực, kết hợp khai thác các thị trường truyền thống với mở rộng các thị trường mới, riêng doanh thu từ vải thiều năm 2024 ước đạt khoảng trên 4.814 tỷ đồng, tăng hơn 156 tỷ đồng so với năm 2023. Bắc Giang cũng là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP đã xuất khẩu như: Vải thiều xuất khẩu đi 30 nước và vùng lãnh thổ; quả nhãn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Úc; quả bưởi xuất khẩu sang Nga; rau xuất khẩu sang Hàn Quốc…
Năm 2025, tỉnh đề xuất Bộ Ngoại giao tiếp tục hỗ trợ tỉnh Bắc Giang triển khai các thỏa thuận quốc tế đã ký kết với các địa phương nước ngoài. Hỗ trợ kết nối, giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng tới tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bắc Giang, nhất là các dự án đầu tư về hạ tầng công nghiệp, thương mại, du lịch, chế biến nông sản, dự án có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, có đóng góp lớn cho phát triển KT-XH của tỉnh; đề nghị các CQĐD ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong công tác xúc tiến, tiêu thụ vải thiều và các nông sản có thế mạnh tại thị trường nước ngoài; hỗ trợ cung cấp cho tỉnh thông tin về các nước, khu vực, quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế và các lĩnh vực khác giữa Việt Nam và các nước để địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình tiếp xúc, hội nhập quốc tế.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những phát biểu, góp ý sát thực tế, thể hiện trí tuệ, tầm nhìn trong quá trình lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ ngoại giao kinh tế của các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng biểu dương và ghi nhận các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội, doanh nghiệp năm 2024 có nhiều nỗ lực, cố gắng, đạt được những kết quả đối ngoại quan trọng.
Thủ tướng khẳng định NGKT là một động lực quan trọng và cần luôn được làm mới; đặc biệt là các động lực chính như xuất khẩu, thu hút đầu tư. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần bám sát điều kiện thực tế để triển khai hiệu quả; đặc biệt là cần thúc đẩy ký kết và tập trung tháo gỡ các khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư và xuất khẩu. Thủ tướng đề nghị năm 2025 tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh NGKT trong các hoạt động đối ngoại cấp cao; quyết liệt hơn, xây dựng các kế hoạch cụ thể, thành lập cơ chế trao đổi với các đối tác về đẩy mạnh triển khai các cam kết thỏa thuận cấp cao đã đạt được; tạo đột phá trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới, trong đó ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn, NGKT số là trọng tâm, là đột phá của NGKT thời đại mới; tiếp tục chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu.
Đối với các tỉnh, thành phố cần bán sát vào quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao trong việc triển khai công tác đối ngoại, đặc biệt là NGKT trên địa bàn./.
Diệu Hoa
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/tong-ket-cong-tac-ngoai-giao-kinh-te-nam-2024-va-trong-tam-nam-2025