Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Bắc Giang lần thứ IV, năm 2024 diễn ra sáng nay (29/11), các đại biểu tham dự Đại hội đã có nhiều ý kiến tâm huyết nhằm hiến kế góp phần phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang trích đăng một số ý kiến.
Công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc đối với phát triển kinh tế – xã hội
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Tống Thị Hương Giang thông tin, huyện Sơn Động có 12.642 hộ/21.071 hộ DTTS, với 30 dân tộc chung sống, chiếm 62,45% dân số toàn huyện. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã có nhiều chủ trương, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân tộc, thực hiện đúng, đủ các chính sách cho Nhân dân và đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện.
Tổng nguồn lực thực hiện các chương trình, chính sách đối với vùng DTTS và miền núi huyện Sơn Động giai đoạn 2019-2024 là 2.753,139 tỷ đồng. Từ các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ, đầu tư đã giúp ổn định và thúc đẩy KT-XH của huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng có nhiều bước phát triển vượt bậc. Kết cấu hạ tầng cơ sở của huyện được đầu tư và nâng cấp; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo chiều hướng tích cực; công tác phát triển rừng và bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 4 – 5% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 37 triệu đồng/năm, tăng 13,3 triệu đồng so với năm 2019.
Tuy nhiên, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc đối với phát triển KT-XH trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Chương trình, chính sách cho vùng đồng bào DTTS còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, sự chênh lệch phát triển kinh tế giữa các vùng còn lớn. Cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đồng bộ, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn cao. Sản xuất hàng hóa tập trung còn gặp khó khăn, thu nhập của một bộ phận Nhân dân còn thấp, việc triển khai xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, vấn đề tiếp cận thông tin còn gặp khó khăn…
Để công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc tiếp tục triển khai hiệu quả, thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Tống Thị Hương Giang đề xuất giải pháp nhằm nâng cao vai trò phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính quyền với MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và vững chắc. Quy hoạch các vùng sản xuất, phát triển cây trồng, chăn nuôi phù hợp gắn với phát triển du lịch cộng đồng…
Quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số
Tham luận về nội dung này, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Lục Ngạn Nguyễn Văn Hải cho biết, hiện Lục Ngạn có 8 dân tộc cùng chung sống phân bố ở khắp các xã, thị trấn trong huyện, chiếm khoảng 52% dân số cả huyện, bao gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chỉ, Cao Lan, Dao và Hoa. Tính đến 30/9/2024, toàn huyện đã có 16 xã thuộc vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
Những năm qua, nhờ các chính sách của Trung ương và tỉnh quan tâm, đầu tư, hỗ trợ các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Lục Ngạn đã có những bước phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, huyện Lục Ngạn đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, KT-XH địa phương tiếp tục có bước phát triển, số hộ khá, giàu tăng nhanh, số hộ nghèo giảm mạnh; bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS được bảo tồn và phát huy, tình hình an ninh, trật tự được đảm bảo.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là người DTTS cũng được huyện quan tâm triển khai tích cực, hiệu quả. Trong tổng số gần 4.200 CBCCVC đang công tác ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, có 1.246 người là DTTS, chiếm tỷ lệ 29,8%. Trong đó, CBCCVC người DTTS có trình độ thạc sĩ 16 người chiếm 1,3%; đại học 916 người, chiếm 73,5%; cao đẳng 276 người, chiếm 22,1%, trung cấp 39 người, chiếm 3,1%. Số CBCCVC người DTTS là đảng viên là 724/1.246 người chiếm 58,1%.
Để phát huy năng lực, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC người DTTS, hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBCCVC, đáp ứng yêu cầu công việc; góp phần tích cực trong việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý là người DTTS trên địa bàn.
Nhằm từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC người DTTS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn 2024-2029, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Lục Ngạn Nguyễn Văn Hải đề xuất cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho đội ngũ CBCCVC người DTTS. Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ nói chung và đội ngũ CBCCVC người DTTS.
Thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cơ bản và lâu dài. Kết hợp chặt chẽ việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng những CBCCVC người DTTS đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Có cơ chế, chính sách quan tâm công tác tuyển dụng đối với đội ngũ CBCCVC người DTTS, tạo nguồn cán bộ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số
Theo ông Đàm Xuân Tình (Dân tộc Sán Chí) – Người có uy tín trong đồng bào DTTS thôn Đồng Bây, xã An Lạc, huyện Sơn Động, các DTTS có những nét đẹp văn hóa rất độc đáo, mỗi dân tộc có phong tục tập quán riêng có nét đẹp văn hóa riêng, có tiếng nói riêng. Hiện nay, số người biết hát các bài hát của dân tộc còn rất ít; nguy cơ tiếng dân tộc bị mai một ngày càng cao.
Để giữ gìn bản sắc văn hóa, tiếng nói của dân tộc, ông Đàm Xuân Tình đã tổ chức các lớp học, lấy người cao tuổi làm nòng cốt, truyền dạy tiếng dân tộc cho thế hệ trẻ và được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện nay việc truyền dạy tiếng DTTS ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, ông Đàm Xuân Tình đề xuất chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân về sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy tiếng nói các DTTS. Xây dựng tài liệu truyền, dạy tiếng dân tộc của tỉnh Bắc Giang để tổ chức truyền dạy trong các trường học vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Khuyến khích thành lập các câu lạc bộ tiếng DTTS, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, giao tiếp bằng tiếng DTTS. Hằng năm, duy trì tốt các hoạt động ngày văn hóa các DTTS. Có chính sách hỗ trợ kinh phí để bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc dân tộc, đặc biệt là DTTS…/.
Nguyễn Miền
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/mot-so-y-kien-tham-luan-tam-huyet-tai-ai-hoi-ai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-tinh-bac-giang-lan-thu-iv