Với nguồn lực đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trọng tâm là Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương ở tỉnh Bắc Giang đã có sự thay đổi đáng kể về đời sống, kinh tế, xã hội.
Kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước phát triển rõ rệt
Xác định phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Giang đã quan tâm và triển khai hiệu quả nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc để nâng cao đời sống cho đồng bào.
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, đến nay tỉnh đã hỗ trợ nhà ở cho 566 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 2.345 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 4.420 hộ dân; đầu tư xây dựng 18 công trình nước sinh hoạt tập trung, đến nay có 07/18 công trình hoàn thành. Cải tạo, nâng cấp 8 công trình trạm y tế xã; xây mới, cải tạo nâng cấp 8 chợ. Thực hiện cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp một số hạng mục thuộc 09 trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú… Các công trình đầu tư xây dựng đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Bên cạnh đó, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị như thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng; hỗ trợ các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng cho 2.800 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ làm kinh tế giỏi. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động. Cùng đó, bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư tại chỗ các thôn, bản.
Qua 3 năm (giai đoạn 2022-2024) triển khai thực hiện Chương trình, diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi của tỉnh có những thay đổi căn bản, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng DTTS từng bước cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể trong vùng dân tộc, tỷ hộ nghèo người DTTS giảm bình quân 2,7%/năm, tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 4,16%/năm. Có những xã đặc biệt khó khăn giảm trên 10% như: Xã Yên Định, huyện Sơn Động, xã Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn. Đến nay, có 6 xã khu vực III, 4 xã khu vực II hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thoát khỏi tình trạng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Trên địa bàn tỉnh có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia; 100% thôn, bản của các xã vùng DTTS có nhân viên y tế thôn bản hoạt động; 100% người DTTS thuộc các xã vùng khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 100% trạm y tế các xã vùng dân tộc, miền núi của tỉnh có bác sĩ; 100% các xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh.
Ông Nông Văn Tâm, xã Yên Định, huyện Sơn Động cho biết: Nhờ có Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, đời sống của bà con DTTS được cải thiện rất nhiều. Trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư xây dựng, con em học tập trong các ngôi trường mới khang trang; đường giao thông được đầu tư, nâng cấp, đi lại thuận tiện, giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Từ kết quả của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi cho thấy Đảng, Nhà nước và tỉnh Bắc Giang đã quan tâm giành nguồn lực lớn để đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi với các chính sách về xóa đói, giảm nghèo, phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống Nhân dân; y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa xã hội, bình đẳng giới. Chương trình đã tạo cơ hội giúp đồng bào nghèo vùng dân tộc và miền núi phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Mặc dù KT-XH vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển mạnh trong những năm qua nhưng vẫn là vùng khó khăn nhất của tỉnh, kinh tế phát triển chậm; khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo giữa vùng dân tộc và các vùng khác trong tỉnh, giữa các thành phần dân tộc còn cao. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bào DTTS chậm chưa theo kịp các vùng khác, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh chưa cao; lao động chủ yếu vẫn làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Kết cấu hạ tầng mặc dù đã được đầu tư, song chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu. Bản sắc văn hóa truyền thống của một số dân tộc dần mai một, trình độ dân trí không đồng đều… thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng tác động đến đời sống của đồng bào DTTS. Do đó, cần tiếp tục cần triển khai đồng bộ các chính sách đầu tư cho vùng DTTS và miền núi.
Dự kiến đến hết năm 2025, tỉnh Bắc Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS từ 1,5- 2,5%/năm; 13 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 122 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100%. Tỷ lệ trường lớp học được xây dựng kiên cố đạt 97,2%.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là đầu tư hỗ trợ cho các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở vùng DTTS và miền núi.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vi Thanh Quyền cho biết, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai thực hiện chương trình, dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG năm 2023 và những năm tiếp theo trên địa bàn, Ban tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đồng thời tuyên truyền vận động đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa. Đổi mới, thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng vay đến các dự án sản xuất kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào DTTS… Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu của bà con vùng đồng bào DTTS, nhanh chóng cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương./.
An Nhiên
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/thuc-ay-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-ong-bao-dan-toc-thieu-so