Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã tập trung đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Đa dạng các mô hình liên kết
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến rõ rệt, có nhiều mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định được đầu ra của sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, tạo mối liên kết bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp.
Điển hình mô hình sản xuất giống lúa nếp cái hoa vàng của Hợp tác xã (HTX) Thái Sơn (huyện Hiệp Hòa), thông qua mô hình liên kết, các thành viên trong HTX được cơ quan chuyên môn thường xuyên tập huấn tư vấn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, mở rộng thương hiệu sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ và liên kết sản xuất phát triển sản phẩm… Đến nay, HTX Thái Sơn phát triển mở rộng diện tích trồng lúa nếp cái hoa vàng lên hơn 60 ha, với sự tham gia của 646 hộ dân; sản lượng lúa nếp toàn xã đạt khoảng 250 tấn/năm, hiệu quả kinh tế 4,6 tỷ/ha. Sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng có chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được tiêu thụ ở thị trường các tỉnh như: Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Để đẩy mạnh xúc tiến hợp tác sản xuất và tiêu thụ, quảng bá sản phẩm lúa nếp cái hoa vàng xã Thái Sơn được tốt hơn, ông La Văn Trọng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Sơn mong muốn các ngành, các cấp tiếp tục hỗ trợ vốn, kỹ thuật, liên kết đầu ra cho sản phẩm… góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm nếp cái hoa vàng Thái Sơn.
Ngoài mô hình sản xuất giống lúa nếp cái hoa vàng của HTX Thái Sơn, tại huyện Hiệp Hòa nông dân còn được hỗ trợ, triển khai nhiều mô hình theo chuỗi liên kết như: Mô hình chăn nuôi lợn và chế biến của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (xã Danh Thắng) có quy mô 10 ha, hiệu quả kinh tế 42 tỷ/năm; mô hình nuôi cá của HTX nuôi trồng thủy sản thôn Trung Sơn (xã Thái Sơn) quy mô 10 ha, sản lượng 5 – 6 tấn/ha, hiệu quả kinh tế 1,7 tỷ đồng/ha… Ngoài ra còn có các mô hình kinh tế tập thể cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng cây rau cần và chăn thả cá giống xã Hoàng Lương có quy mô 185 ha, với 1.600 hộ nông dân tham gia, sản lượng 130 – 150 tấn/ha, thu nhập 800 triệu đồng/ha; mô hình trồng rau sạch Châu Minh của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm, quy mô 4.000 m², hiệu quả kinh tế 300 triệu đồng/năm;.…
Phát huy lợi thế tự nhiên, những năm gần đây, huyện Yên Thế cũng đã phát triển nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tận dụng lợi thế từ vườn đồi, vườn rừng phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gà. Năm 2011, gà đồi Yên Thế được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu bảo hộ độc quyền. Đến nay, Yên Thế là địa phương tổng đàn gia cầm lớn nhất tỉnh (trên 4 triệu con gà). Huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nuôi gà tập trung tại các xã như: Đồng Tâm, Đồng Kỳ, Canh Nậu, Tiến Thắng, Tam Hiệp, Tam Tiến… với gần 4 nghìn hộ chăn nuôi thường xuyên.
Trong đó, phải kể đến HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế, năm 2023, HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế đã áp dụng công nghệ dây chuyền tự động, cấp đông tế bào của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP) để phát triển mô hình chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị. Trung bình mỗi tháng, chuỗi liên kết HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế cung ứng cho thị trường từ 25-30 tấn gà lông, hơn 20 tấn gà thịt, giò gà, chả gà, xúc xích gà đều có gắn tem truy xuất nguồn gốc; tổng doanh thu hàng năm lên đến 7 tỷ đồng. Sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” đáp ứng nhu cầu thị trường, được các cấp chính quyền và người dân quan tâm phát triển theo chiều sâu, chất lượng cao, gắn sản xuất với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng giá trị, tăng thu nhập cho người dân.
Có thể thấy, thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn như: Vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại các huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam với quy mô trên 15.000 ha; vùng sản xuất lúa chất lượng với quy mô trên 45.000 ha tập trung tại các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên, thị xã Việt Yên; vùng sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao của HTX rau sạch Yên Dũng với quy mô trên 80 ha; vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung quy mô trên 30 ha tại TP Bắc Giang…
Qua đó, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai các mô hình sản xuất theo chuỗi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay toàn tỉnh đã triển khai 86 chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa người nông dân và doanh nghiệp, HTX. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt 51 chuỗi, lĩnh vực chăn nuôi 10 chuỗi, lĩnh vực thủy sản 25 chuỗi.
Tháo gỡ khó khăn, nâng giá trị nông sản
Để phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi, những năm qua, tỉnh tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh từng địa phương. Đặc biệt tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, đề án nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị. Trong đó có chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 và Nghị quyết số 27/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 quy định chính sách hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Chính sách đưa ra là cầu nối quan trọng giữa người nông dân, HTX và doanh nghiệp nhằm đổi mới, duy trì và phát triển các mô hình sản xuất theo hướng liên kết, tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực là thế mạnh của tỉnh.
Qua đánh giá, tham gia vào chuỗi liên kết, người dân không chỉ được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn mà giá trị thu được của các mô hình liên kết cũng cao hơn so với sản xuất truyền thống, hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn nguyên liệu sản phẩm, chất lượng sản phẩm được quản lý và được đưa vào chuỗi hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, hiện nay, số lượng liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết tiêu thụ sản phẩm mới chỉ đạt ở mức dưới 20%.
Nguyên nhân một phần do việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể như quy định quy mô liên kết theo chuỗi chưa phù hợp với điều kiện tỉnh; tỷ lệ vốn đối ứng cao, trong khi năng lực của doanh nghiệp, HTX thấp nên chưa khuyến khích được sự tham gia. Hay như quy định về thời gian liên kết dài (từ 3 đến 5 năm), trong khi cơ chế quản lý, giám sát và thu hồi nguồn vốn đã hỗ trợ đối với các dự án/kế hoạch không hiệu quả. Cùng đó là một số chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, HTX nông nghiệp còn chặt chẽ, thủ tục phức tạp, khó tiếp cận…
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho rằng, sản xuất nông nghiệp hàng hóa có liên kết theo chuỗi giá trị là chủ trương đúng để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và bền vững.
Để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thời gian tới các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết về chính sách hỗ trợ nông nghiệp đến các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân, đối tượng thụ hưởng chính sách để nắm được chính sách và đăng ký nhu cầu hỗ trợ của nhà nước.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện liên kết sản xuất trong nông nghiệp tại địa phương, thực tế ở nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm thì liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đạt kết quả cao. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp.
Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp như đưa lao động trẻ về làm việc tại các HTX theo Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 05/4/2023 của HĐND tỉnh. Huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn tập trung.
Tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển nông nghiệp nông thôn, ưu tiên đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chế biến, bảo quản nông lâm sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của thị trường và phục vụ du lịch. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, chuyển đổi số và biện pháp thâm canh bền vững vào sản xuất nông nghiệp./.
Nguyễn Miền
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/bac-giang-phat-trien-cac-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-lien-ket-theo-chuoi-gia-tri