Tháng 10 và 10 tháng năm 2024, kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Giang đã cơ bản phục hồi sau thiên tai bão lụt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển năm 2024 dù còn nhiều khó khăn song nhìn chung đảm bảo tiến độ, kinh tế của tỉnh tiếp tục có nhiều điểm sáng.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao 27,16% so với cùng kỳ
Sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng khá, tháng sau cao hơn tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,98% so với tháng trước, tăng 21,88% so với tháng 10/2023. Tính chung 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 27,16% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giữ vững vai trò đầu tầu với mức tăng 22,46%; ngành khai khoáng ước tăng 21,06%; cung cấp nước và xử lý nước thải tăng 4,37%. Riêng ngành sản xuất, phân phối điện ước giảm 27,53%.
Bên cạnh các ngành có mức tăng trưởng cao như: Sản xuất sản phẩm điện tử tăng 48,93%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 35,99%; sản xuất trang phục tăng 26,76%… thì sản xuất công nghiệp còn gặp khó khăn do tăng thuế nhập khẩu với mặt hàng Pin năng lượng mặt trời đã tác động mạnh đến các công ty sản xuất thiết bị điện trên địa bàn; một số ngành gặp khó khăn từ đầu năm chưa có tín hiệu khởi sắc như: Sản xuất đồ uống ước đạt 57,81%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan ước đạt 72,91%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu ước đạt 81,74%; sản xuất xe có động cơ ước đạt 98,01%… Do các ngành này có quy mô nhỏ, số lượng doanh nghiệp ít nên tác động không lớn đến tốc độ tăng chung của chỉ số.
Các sản phẩm chủ lực vẫn có mức tăng cao trong 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ có thể kể đến như: Đồng hồ thông minh ước đạt 1.335 nghìn cái, tăng 7,66% so với cùng kỳ; tai nghe ước đạt 11.851 nghìn cái, tăng 36,8% so với cùng kỳ; sản phẩm mới năm 2024 máy tính xách tay, Ipad sản lượng tháng 10 ước đạt 645.513 cái.
Các hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng ổn định
Các hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng của tỉnh duy trì mức tăng trưởng ổn định song hành cùng mức tăng trưởng cao của hoạt động sản xuất công nghiệp; giá cả được kiểm soát ở mức phù hợp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10 ước đạt 5.815 tỷ đồng, tăng 3,45% so với tháng trước. Giá trị 10 tháng ước đạt 55,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so cùng kỳ, đạt 86,2% kế hoạch.
Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 10 ước đạt 3.995 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ, do kinh tế tăng trưởng tốt, thu nhập của người dân tăng lên kéo theo nhu cầu mua sắm và tiêu dùng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cũng tăng theo. Lũy kế 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 38.659 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng chính có doanh thu tăng cao như: Lương thực, thực phẩm; may mặc; gỗ và vật liệu xây dựng;…
Doanh thu dịch vụ ước đạt 16.496 tỷ đồng, tăng 17,3%. Hoạt động trong tháng của ngành dịch vụ ăn uống tăng nhẹ so với tháng trước và cùng kỳ, trong khi các ngành khác tăng nhẹ so với tháng trước và tăng mạnh so với cùng kỳ. Hoạt động vận tải tiếp tục tăng trưởng khá vào những tháng cuối năm do nhu cầu đi lại và buôn bán hàng hóa tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng cao
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng cao. Tổng giá trị xuất, nhập khẩu tháng 10 đạt 6,08 tỷ USD, tăng 5,9% so với tháng trước; lũy kế 10 tháng đạt 46,1 tỷ USD, tăng xấp xỉ 26% so với cùng kỳ, đạt 76,8% kế hoạch. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 24,3 tỷ USD, tăng 22,8%, đạt 73,6% kế hoạch; giá trị nhập khẩu đạt 21,8 tỷ USD, tăng 29,7%, đạt 80,7% kế hoạch.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh là Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha, Ấn Độ và một số nước khác. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: Hàng dệt may, da giày; máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện các loại; thiết bị điện; sản phẩm từ chất dẻo… Các sản phẩm xuất khẩu 10 tháng năm 2024 đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó tăng nhiều nhất là điện thoại các loại và linh kiện.
Thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh là Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số nước khác. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu (nguyên phụ liệu may mặc, sản xuất linh kiện điện tử…).
Nhiều khoản thu ngân sách vượt dự toán
Tổng thu nội địa toàn tỉnh tháng 10/2024 ước đạt 1.838,8 tỷ đồng, lũy kế 10 tháng ước đạt 14.296,8 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2023. Có 12/16 khoản thu và 03/10 đơn vị cấp huyện đã vượt dự toán năm.
Trong 16 khoản thu có 12 khoản thu tăng cao so với cùng kỳ như: Doanh nghiệp của Nhà nước của địa phương 82,4 tỷ đồng, vượt 30,8%; doanh nghiệp FDI 2.774,9 tỷ đồng, vượt 18,6%; thuế thu nhập cá nhân 1.351 tỷ đồng, vượt 15,5%; thuế bảo vệ môi trường 272 tỷ đồng, vượt 6,7%; lệ phí trước bạ 534,2 tỷ đồng, vượt 0,8%; phí, lệ phí 158,9 tỷ đồng, vượt 16,9%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 42,15 tỷ đồng, vượt 0,4%; thu tiền cho thuê mặt đất 421,97 tỷ đồng, vượt 5,5%; cấp quyền khai thác khoáng sản 62,5 tỷ đồng, vượt 83,8%; thu khác ngân sách 754,96 tỷ đồng, vượt 54,7%; quỹ đất công ích 56,9 tỷ đồng, vượt 21,1%; xổ số kiến thiết 31,2 tỷ đồng, vượt 11,5%. Trong 10 đơn vị cấp huyện có 3 huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Hiệp Hòa thu ngân sách vượt dự toán năm. Tuy nhiên, có 01 khoản thu đạt thấp dưới 80% dự toán đó là: Thu từ DNNN Trung ương đóng trên địa bàn đạt 274 tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán.
Đánh giá kết quả KT-XH 10 tháng đầu năm, đồng chí Mai Sơn – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, kinh tế – xã hội của tỉnh 10 tháng đạt nhiều kết quả tích cực về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thu ngân sách,… Đây là những động lực cho tăng trưởng của tỉnh.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng chí chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo môi giải phóng mặt bằng diện tích còn lại của các KCN: Yên Lư, Hòa Phú mở rộng và các KCN mới Phúc Sơn, Châu Minh – Bắc Lý – Hương Lâm. Đồng thời tập trung giải quyết dự án chậm tiến độ, tránh lãng phí; tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp, phát triển đàn vật nuôi, bảo đảm nguồn cung các sản phẩm phục vụ những tháng cuối năm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện các giải pháp bảo đảm bình ổn giá trong các tháng còn lại của năm 2024./.
An Nhiên
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/kinh-te-10-thang-tang-truong-tren-nhieu-linh-vuc