Sự phát triển của các làng nghề, trong đó có làng nghề chế biến nông sản đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Cùng với việc từng bước cải tiến kỹ thuật sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) đang dần được các hộ làm nghề coi trọng.
Tỉnh Bắc Giang hiện có 27 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Trong đó có 08 làng nghề (gồm 03 làng nghề, 05 làng nghề truyền thống) thuộc nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. Thời gian qua, các làng nghề này đã chú trọng hơn trong việc chỉnh trang lại khu vực sản xuất, trang bị bảo hộ lao động cho người trực tiếp sản xuất, đầu tư nâng cấp dây truyền, máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ một số khâu trong sản xuất như: Máy tráng bánh, máy thái mỳ gạo, máy làm bún… Qua đó phát huy được hiệu quả, vừa bảo đảm ATTP vừa nâng cao giá trị sản phẩm.
Làng nghề truyền thống làm bánh đa nem Thổ Hà (thị xã Việt Yên) hiện thu hút hơn 32% tổng số hộ với khoảng 800 lao động tham gia làm bánh đa nem, bánh đa nướng. Sản phẩm bánh đa nem ngoài tiêu thụ trong nước, nhiều chủ đại lý đã đến ký hợp đồng để xuất khẩu sang các nước: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Châu Âu. Trung bình mỗi ngày, một hộ trong làng sản xuất khoảng 250 – 300 kg gạo, mang lại thu nhập từ 8 – 10 triệu đồng/người/tháng.
Nhận thức được tầm quan trọng đối với phát triển thương hiệu làng nghề, ngoài việc lựa chọn nguồn nguyên liệu đảm bảo ATTP và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, vài năm trở lại đây các hộ dân tham gia sản xuất đã đầu tư chuyển đổi cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh ATTP cho sản phẩm bánh đa nem.
Anh Trịnh Đắc Mạnh – Chủ nhiệm HTX Sản xuất bánh đa nem Thổ Hà (xã Vân Hà) cho biết: “Ngoài yếu tố đảm bảo chất lượng, vấn đề đảm bảo vệ sinh ATTP cũng là yếu tố quan trọng để giữ vững thương hiệu, uy tín của bánh đa nem Thổ Hà trên thị trường. Đối với quy trình sản xuất bánh đa nem từ khâu chọn, bảo quản nguyên liệu ban đầu đến khâu sản xuất, phơi nắng, đóng gói đều phải tuân thủ quy định về vệ sinh ATTP, đủ tiêu chí lành, sạch, dai, giòn khi khách hàng sử dụng sản phẩm”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hà Bùi Tá Thành “Việc phát triển làng nghề của địa phương luôn được gắn với công tác bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm hướng đến phát triển bền vững hiệu quả. Hiện 2 làng nghề nấu rượu Yên Viên và làng nghề làm bánh đa nem Thổ Hà của xã đã được tỉnh phê duyệt đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 1.500 m³/ngày. Việc đầu tư đã khắc phục được lượng nước thải lớn trực tiếp ra môi trường, không qua xử lý, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm từ làmg nghề thải ra; đồng thời xây dựng hình ảnh làng nghề Thổ Hà xanh, sạch, đẹp .
Những năm qua, công tác phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Nhiều làng nghề đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý sản phẩm, được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 – 4 sao như: Mỳ gạo của làng nghề Thủ Dương (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn); sản phẩm rượu làng Vân, sản phẩm bánh đa nem của làng nghề Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên); sản phẩm bánh đa của làng nghề Sau (phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang); sản phẩm mỳ gạo của làng nghề Châu Sơn, (xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên)…
Hiện nay, mặc dù số hộ làm nghề tại một số địa phương giảm so với trước đây, song cùng với sự phát triển chung của xã hội, quy mô của các hộ làm nghề có chiều hướng mở rộng. Từ chỗ chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn, nghề chế biến thực phẩm tại nhiều nơi đã dần trở thành nghề chính mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ làm nghề.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản hiện hoạt động khá hiệu quả, hàng năm thu hút khoảng 5.400 lao động tham gia sản xuất, thu nhập bình quân của lao động từ 5,5 – 10 triệu đồng/lao động/tháng, doanh thu bình quân các làng nghề đạt 606,3 tỷ đồng/năm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển các thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh Bắc Giang.
Phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề gắn với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp; gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với các hoạt động du lịch dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… Cùng với khôi phục, bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống đem lại sinh kế cho người dân vùng nông thôn. Hiện nay, vấn đề ô nhiễm và đảm bảo ATTP tại các làng nghề vẫn còn có những hạn chế do nhiều cơ sở trong làng nghề mang tính nhỏ lẻ, manh mún, thiết bị thủ công, thiếu tính đồng bộ, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát ATTP.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lê Bá Thành cho biết: Để nâng cao hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ATTP tại các làng nghề, Sở đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất và chế biến nông sản, nhất là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm dù là nhỏ nhất, bởi chỉ có như vậy mới tạo nên sức răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân, tập thể, cơ sở sản xuất thực phẩm… cần nâng cao ý thức và hành động trong việc đảm bảo vệ sinh ATTP để đảm bảo cho lợi ích, sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng./.
Nguyễn Miền
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/che-bien-nong-san-an-toan-tang-gia-tri-cho-san-pham-lang-nghe