Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải đưa thị trường bất động sản vào quỹ đạo phát triển ổn định, đồng thời bảo đảm cung cấp nhà ở cho người dân có thu nhập thấp. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)
NDO – Các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh giá nhà đất đang “nhảy múa” bất thường thời gian gần đây, cần thiết phải đưa thị trường bất động sản vào quỹ đạo phát triển ổn định, đặc biệt là bảo đảm cung nhà ở cho người dân có thu nhập thấp.
Bắt đầu tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 8, hôm nay (28/10), Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Đây là nội dung không chỉ được giới đầu tư bất động sản quan tâm, mà còn là vấn đề nóng đối với người dân đang gặp khó khăn về nhà ở.
Ngăn chặn đầu cơ, giảm bớt “cơn sốt” giá đất
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ hiện tượng “sốt đất” đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bất bình thường của thị trường bất động sản.
Theo bà Lan, giá nhà đất không ngừng tăng cao, tách rời khỏi thực tế và dẫn đến nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế và xã hội, khiến nhiều người trẻ và người có thu nhập trung bình khó tiếp cận được nhà ở.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Bà nhấn mạnh, việc nhiều người chỉ mua đi bán lại đất mà trở nên giàu có là điều không bình thường. Giá nhà đất vài trăm triệu đồng một mét vuông khiến người mua không khỏi băn khoăn về tính thực tế của giá cả, trong khi nhiều công trình bỏ hoang, gây lãng phí nhiều năm…
Nữ đại biểu nêu quan điểm, các công trình, dự án khi thu hồi đất để làm dự án không có chủ đầu tư nào mong muốn giá nhà đất tăng “chóng mặt” như vậy, vì sẽ dẫn đến tăng suất đầu tư, sau này sẽ rất khó bán, khó có lợi nhuận, và chỉ có những người đầu cơ là vui mừng.
Do đó, bà Lan đề nghị xem xét chính sách thuế đối với những người sở hữu từ 2 đến 3 bất động sản trở lên và mua đi bán lại, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ trục lợi.
Cùng bàn về vấn đề này, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nhấn mạnh đến sự bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận nhà ở.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên). (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Theo bà Yên, thị trường đang thiếu các dự án nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội, khiến những người có thu nhập thấp khó tiếp cận. Trong khi đó, vẫn còn nhiều công trình nhà tái định cư bị bỏ hoang, gây lãng phí.
Đại biểu cũng chỉ ra rằng, mặc dù Quốc hội đã có những điều chỉnh quan trọng như sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở để tháo gỡ các vướng mắc, nhưng việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi chính sách.
Tăng cường công tác quản lý, bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản
Trong phiên thảo luận tổ về kinh tế-xã hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh đến thực trạng “nhảy múa” bất thường của giá đất trong thời gian gần đây.
Theo ông Trí, nếu không sớm có biện pháp ngăn chặn, tình trạng này sẽ gây tiêu cực lớn, ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhất là lĩnh vực sản xuất. Ông cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần tập trung các chuyên gia giỏi để đưa ra giải pháp tổng thể nhằm ổn định thị trường bất động sản.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Văn Lâm – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, cần đặt mục tiêu giảm đầu cơ và thao túng giá trong thị trường bất động sản.
Đại biểu Trần Văn Lâm – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
“Chỉ khi hạn chế được tình trạng đầu cơ, kích giá, thổi giá, thị trường bất động sản mới phát triển một cách lành mạnh, khai thác đất đai và nhà ở hiệu quả, đem lại giá trị thực cho nền kinh tế”, ông Lâm nhấn mạnh.
Theo đại biểu, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhưng chưa thực sự thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp do các chính sách hiện tại vẫn chưa tạo động lực rõ ràng.
Theo ông Lâm, đất đai dành cho việc xây dựng nhà ở xã hội phải được tiếp cận một cách thuận lợi với chi phí thấp chứ không phải như hiện nay đất quy hoạch dành cho xây dựng nhà ở xã hội vốn đã không nhiều nhưng chi phí giải phóng mặt bằng để tạo lập quỹ đất lại rất lớn, khiến doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực đất đai để xây dựng nhà ở xã hội cũng rất khó khăn.
Do vậy, đại biểu kiến nghị đối với doanh nghiệp, việc tham gia vào phát triển nhà ở xã hội cần được hỗ trợ nhiều hơn, nhất là về quỹ đất và chi phí giải phóng mặt bằng để giảm chi phí đầu tư.
Ngoài ra, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, lợi nhuận trong phát triển nhà ở xã hội tuy không bằng nhà thương mại nhưng cũng cần bảo đảm ở mức hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.
Nhandan.vn
Nguồn:https://nhandan.vn/giai-quyet-bat-cap-trong-quan-ly-thi-truong-bat-dong-san-thuc-day-phat-trien-nha-o-xa-hoi-post838960.html