Bất động sản logistics: “Mảnh đất” màu mỡ cho doanh nghiệp lớn
Xu hướng của ngành logistics hiện đại là hướng tới tự động hóa, cắt giảm chi phí và tiết kiệm năng lượng. Theo đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần đầu tư kỹ lưỡng, tập trung mở rộng và hiện đại hóa kho bãi để tận dụng tốt cơ hội.
Nhà kho, nhà xưởng cho thuê tại Dự án Mapletree Logistics Park Binh Duong (Khu công nghiệp VSIP II – Bình Dương). Ảnh: Lê Toàn |
Hưởng lợi từ nhiều yếu tố
Trước những biến động địa chính trị toàn cầu và sự thay đổi nhanh chóng trong sản xuất, Việt Nam tiếp tục là điểm đến quan trọng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 25 tỷ USD, tăng hơn 11,6%; vốn FDI giải ngân đạt hơn 17,3 USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến – chế tạo dẫn đầu về thu hút FDI, với tổng vốn 15,64 tỷ USD, chiếm gần 63,1%. Ngành bất động sản đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư hơn 4,38 tỷ USD, chiếm gần 17,7%. Tiếp theo là sản xuất, phân phối điện (1,12 tỷ USD); bán buôn – bán lẻ (920 triệu USD)…
Đơn vị nghiên cứu thị trường Savills nhận định, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhờ bối cảnh chính trị, kinh tế ổn định, chi phí nhân công cạnh tranh. Trong bối cảnh nguồn vốn FDI dồi dào, một số phân khúc bất động sản có sự tăng trưởng nổi trội, như căn hộ dịch vụ và bất động sản công nghiệp. Không ít tập đoàn lớn trên thế giới đã cam kết và từng bước thực hiện cam kết biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất lớn trong chuỗi toàn cầu của họ.
Ngoài ra, ngành logistics Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ thương mại điện tử phát triển, bởi giao dịch thương mại điện tử tăng khiến nhu cầu vận tải, logistics và giao hàng tăng cao. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với ngành dịch vụ logistics.
Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, trước sự bùng nổ của thương mại điện tử và sự chuyển dịch sản xuất – đầu tư, Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần. Điều này làm tăng mạnh nhu cầu về bất động sản logistics chất lượng cao. Hiện nay, tình trạng lấp đầy ở các khu công nghiệp và khu vực hậu cần ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, đang đạt tỷ lệ cao, có những nơi đạt gần 100%. Nhu cầu dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Cơ hội cho những doanh nghiệp lớn
Nhờ hoạt động logistics phát triển, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đã có lãi trở lại. Chẳng hạn, Công ty cổ phần ICD Tân Cảng Long Bình (mã chứng khoán ILB) vừa chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 21,07% (tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 2.070 đồng). Đây là mức chi trả cổ tức cao nhất từ khi niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM của cổ phiếu ILB từ năm 2019.
Được biết, ICD Tân Cảng Long Bình cung cấp các dịch vụ cảng thông quan nội địa, kinh doanh kho bãi, gồm kho ngoại quan, kho lạnh, kho tổng hợp, trung tâm phân phối; xếp dỡ, lưu giữ, phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu; dịch vụ hải quan; dịch vụ giao nhận, vận chuyển hàng…. Khu cảng được bao quanh bởi nhiều khu công nghiệp lớn của tỉnh Đồng Nai và các tuyến đường giao thông huyết mạch, là điểm kết nối bằng đường bộ qua Quốc Lộ 1, Quốc Lộ 51, đường tránh Biên Hòa, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Đặc biệt, khi tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hoàn thành sẽ tạo chuỗi kết nối và cung ứng hoàn hảo giữa các doanh nghiệp trong vùng với hệ thống cảng biển như Cát Lái, Cái Mép, Phú Hữu, Đồng Nai…
Để đón đầu, các doanh nghiệp kinh doanh kho xưởng tích cực mở rộng diện tích để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Cụ thể, Mapletree mở rộng danh mục kho bãi của mình tại Việt Nam với các trung tâm logistic lớn ở Bắc Ninh, Hưng Yên và Bình Dương. Hai “ngôi sao đang lên” tại thị trường kho bãi hiện đại Việt Nam là BW Industrial và NPL Logistics đang nắm giữ 22 kho hàng mới ở cả 2 miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, BW Industrial sẽ triển khai dự án lớn tại Đồng Nai vào năm 2026, với diện tích sàn 243.000 m2.
Theo các chuyên gia, sự phát triển hạ tầng, cùng sự gia tăng các kho bãi hiện đại ở Việt Nam đang khuyến khích nhu cầu ngày càng tăng của các hãng sản xuất khổng lồ, chuỗi bán lẻ hiện đại trên thế giới… Nhu cầu này được hỗ trợ bởi sự phát triển tích cực của xu hướng thương mại điện tử và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều địa phương đang có quy hoạch mở rộng đất khu công nghiệp, thu hút đầu tư như Long An, Đồng Nai, Bắc Giang.
Song, ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, xu hướng của ngành logistics hiện đại là hướng tới tự động hóa, cắt giảm chi phí và tiết kiệm năng lượng. Theo đó, để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngành logistics cần đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh chuyển đổi số, để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường.
Cùng với đó, doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần tập trung mở rộng và hiện đại hóa kho bãi, quy hoạch mạng lưới để giải quyết phương án và hình thức giao nhận, tối ưu hóa việc giao hàng theo tuyến nhằm giảm thiểu chi phí giao nhận cho cả doanh nghiệp và người dùng. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số để quản lý đồng bộ hóa các chuỗi logistics cũng là một hướng đi có tính ứng dụng trong thời gian tới.
Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá” do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra vào ngày 31/10/2024 tại Khách sạn JW Marriott Saigon (82 – Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM).
Với sự tham dự của hơn 300 khách mời trong nước và quốc tế, Hội nghị sẽ phân tích và thảo luận chuyên sâu những vấn đề cấp bách nhất của ngành, như các thách thức và xu hướng mới, hiện đại hóa hạ tầng logistics, tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển các mô hình kinh doanh logistics mới.
Thông tin Diễn đàn sẽ được tường thuật trực tuyến trên các nền tảng online của Báo Đầu tư và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thông tin của Hội nghị được cập nhật thường xuyên tại: https://logsummit.vir.com.vn.