Chiều 05/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố liên quan nhằm triển khai công tác ứng phó với siêu bão Yagi (bão số 3) năm 2024. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng đại diện các bộ, ngành, cục, vụ liên quan.
Tại điểm cầu Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Bão số 3 được xem là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây. Vào sáng nay (5/9), bão đã mạnh cấp 15, giật trên cấp 17. Trong 24 giờ tới, vùng biển khu vực bắc Biển Đông có sóng biển cao 7 – 9m, vùng gần tâm bão 10 – 12m, biển động dữ dội.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cường độ bão đạt cấp 16. Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, tiếp tục duy trì cấp siêu bão tới khi gần đến đảo Hải Nam. Đất liền bão giật cấp 9-12, có thể giật cấp 13-14.
Dự báo bão sẽ ảnh hưởng đến tỉnh Bắc Giang, từ đêm ngày 06/9 đến hết ngày 08/9, các nơi trong tỉnh khả năng xảy ra đợt mưa to đến rất to và dông. Thời gian mưa lớn từ trưa ngày 07/9 đến trưa ngày 08/9. Lượng mưa các nơi phổ biến từ 150 – 250mm/đợt, tập trung ở khu vực TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên và các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động, Lục Ngạn có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng cấp 7, giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, một số nơi trong tỉnh có thể gây ra sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực có địa hình dốc, làm giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt và tai nạn giao thông; có thể làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng đường; có thể gây ngập úng cây trồng hoặc làm cây bị đổ gây thiệt hại cho mùa màng. Ngoài ra, mưa lớn có thể kèm theo các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.
Tại hội nghị, các địa phương liên quan đã báo cáo nhanh về công tác chuẩn bị, triển khai ứng phó với siêu bão số 3. Theo đó, hiện nay các cơ quan, địa phương đang khẩn trương vào cuộc để chuẩn bị tốt các biện pháp nhằm tránh tổn thất do hoàn lưu bão gây ra. Các địa phương đã tăng cường lực lượng thường trực 24/24h tại những nơi xung yếu, tâm bão đi qua. Tại các tỉnh, thành phố gần biển đã có các phương án cấm biển, ngừng chợ và hoạt động mua bán, giao thông để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất cho người dân và khách du lịch.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh bão số 3 là cơn bão lớn, khó dự báo, hoàn lưu bão di chuyển về phía đất liền. Trên đường tiến vào Biển Đông, bão gặp những điều kiện thuận lợi để thành siêu bão, bão đã tăng mấy cấp độ trong 24 giờ qua.
Do đó để phòng, chống siêu bão số 3 hiệu quả, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để ứng phó với bão, trong đó cơ quan thường trực là Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp tiếp tục làm tốt công tác dự báo, nhất là việc thông tin cho người dân về hướng di chuyển, tốc độ cũng như hoàn lưu của bão.
Các Bộ, ngành, địa phương liên quan làm tốt công tác phối hợp, phân công nhiệm vụ rõ ràng, nêu cao tinh thần chủ động trong công tác phòng, chống mưa, bão.
Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý các địa phương về hoàn lưu bão số 3, với sức gió mạnh, tầm ảnh hưởng rộng có thể gây ra tình trạng ngập úng, lũ ống, lũ quét tại nhiều địa phương. Đồng thời yêu cầu cơ quan khí tượng gấp rút làm bản đồ về lũ, gửi cho địa phương, tránh ảnh hưởng đến các công trình giao thông.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT tham mưu việc thành lập đoàn trực tiếp thị sát các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão. Đồng thời yêu cầu cơ quan thường trực phối hợp chặt với địa phương, giúp người dân phòng ngừa, tránh tổn thất về tài sản cũng như con người khi ứng phó bão số 3.
Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp và cường độ bão mạnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh tuyệt đối không chủ quan. Các thành viên Ban chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung chỉ đạo làm tốt công tác phòng ngừa với nguy cơ gió giật mạnh, nhất là đối với các hộ dân và các thôn, bản kinh tế còn nhiều khó khăn.
Thường xuyên kiểm tra các vị trí đang xảy ra sạt lở, các đoạn đê có dòng chảy áp sát bờ để kịp thời điều chỉnh, xử lý các sự cố công trình; sửa chữa các cống dưới đê bị hư hỏng. Đồng thời có phương án xử lý chống tràn, sự cố thẩm lậu, sạt trượt mái đê, hộ đê toàn tuyến và ứng phó với trường hợp lũ lớn. Điện lực Bắc Giang cần đảm bảo an toàn nguồn điện trong mưa, bão.
Thành phố Bắc Giang và những địa phương có các khu công nghiệp lớn cần rà soát hệ thống kênh, tiêu, khơi thông vật cản, hạn chế nguy cơ ngập úng khu đô thị, khu công nghiệp. Tuyên truyền kịp thời cho người dân thông tin về tình hình mưa, bão; hướng dẫn người dân chủ động ứng phó với thiên tai, bão, lũ tại chỗ. Một số huyện miền núi cần tuyên truyền cho người dân đảm bảo an toàn đi qua các đập, ngầm, cống tràn, giảm thiểu tối đa các tai nạn đáng tiếc.
Dự báo bão sẽ ảnh hưởng đến tỉnh Bắc Giang, từ đêm ngày 06/9 đến hết ngày 08/9, các nơi trong tỉnh khả năng xảy ra đợt mưa to đến rất to. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích yêu cầu các địa phương căn cứ vào tình hình, diễn biến mưa bão có thể cho học sinh nghỉ học từ chiều mai (06/9) nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trong mua mưa bão. Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các tổ công tác kiểm tra ứng phó với cơn bão số 3 tại các địa phương ngay trong ngày mai (06/9)./.
Nguyễn Miền
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/tap-trung-ung-pho-voi-sieu-bao-yagi-bao-so-3-nam-2024