Sáng 26/8, đồng chí Lê Ánh Dương – Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị thường kỳ UBND tỉnh tháng 8/2024. Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Ô Pích – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thành viên UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố.
Kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển tích cực
Theo báo cáo tại hội nghị, tình hình kinh tế – xã hội (KT-XH) tháng 8 và 8 tháng tiếp tục xu hướng tích cực. Sản xuất công nghiệp đạt kết quả tốt, tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 tăng 28,27% so với tháng 8/2023; chỉ số 8 tháng tăng 27,59% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 ước đạt trên 74.000 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước; 8 tháng ước đạt trên 438.600 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ, bằng 65,9% kế hoạch.
Sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ, việc tiêu thụ sản phẩm nông sản thuận lợi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt trên 5.690 tỷ đồng, tăng 17,2% so cùng kỳ; 8 tháng đạt trên 43.800 tỷ đồng, tăng 16,6% so cùng kỳ, bằng 68,5% kế hoạch. Tổng giá trị xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn 8 tháng đạt gần 34,2 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ, đạt 57% kế hoạch.
Tổng thu nội địa trên địa bàn tháng 8 ước đạt 958 tỷ đồng, bằng 7% dự toán; 8 tháng ước đạt trên 10.860 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, bằng 75,6% dự toán. Đến nay, đã có 04/15 khoản thu vượt dự toán; 09/15 khoản thu đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Còn 02/15 khoản thu đạt dưới 50% dự toán. Có 9/10 địa phương thu đạt trên 50% dự toán, trong đó nổi bật là huyện Lạng Giang đạt trên 1.090 tỷ đồng tỷ đồng, vượt 3,7% dự toán; huyện Lục Ngạn trên 300 tỷ đồng, vượt 6%, huyện Hiệp Hòa trên 620 tỷ đồng đạt 95,9% dự toán…
Trong tháng 8, toàn tỉnh thu hút được 85,67 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 1,16 lần tháng 8/2023; lũy kế 8 tháng đạt trên 1.600 triệu USD, bằng 97% cùng kỳ năm 2023.
Lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế được tăng cường, nhất là giáo dục mũi nhọn đã xác lập kỷ lục mới với những thành tích bứt phá toàn diện trong năm học 2023-2024. Các hoạt động văn hóa xã hội, thể dục thể thao được quan tâm chỉ đạo tổ chức tốt; tình hình lao động việc làm có cải thiện; đời sống người dân cơ bản ổn định. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo…
Tuy nhiên, trong phát triển KT-XH, một số ngành sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn như: Sản xuất đồ uống, sản xuất thiết bị điện nhất là sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời… Thu hút đầu tư các dự án FDI mới và phát triển doanh nghiệp giảm hơn cùng kỳ. Mặc dù thu ngân sách đã cải thiện rất nhiều so với cùng kỳ, song vẫn có huyện đạt thu rất thấp. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến nhưng chưa thực sự rõ nét, đến nay mới đạt xấp xỉ cùng kỳ. Do nhu cầu lớn, nhiều doanh nghiệp trong các KCN hiện gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh; giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác chuẩn bị năm học mới;… triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành, lĩnh vực từ nay đến cuối năm. Đồng thời đề xuất một số giải pháp thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH thời gian tới.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển KT-XH
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh, nhiệm vụ tháng tới, các sở, ban, ngành, đơn vị cần tập trung cao rà soát các nhiệm vụ, các chỉ tiêu đạt thấp, đồng bộ triển khai các giải pháp, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu KT-XH theo kế hoạch năm đã đề ra.
Trước hết, các ngành, đơn vị, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai Luật mới, đặc biệt là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Theo đó, các ngành khẩn trương tham mưu các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết để triển khai có hiệu quả các Luật mới trên địa bàn toàn tỉnh.
Tập trung tháo gỡ khó khăn những nhiệm vụ chậm, các khâu yếu để đảm bảo tiến độ phát triển chung, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Quan tâm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh, khơi thông nguồn vốn đầu tư vào tỉnh. Tập trung cao giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức lễ khai giảng năm học 2024 – 2025, tổ chức các hoạt động có ý nghĩa dịp Quốc khánh 2/9, các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các lĩnh vực văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Chuẩn bị tốt công tác diễn tập khu vực phòng thủ huyện Tân Yên, công tác tuyển quân năm 2025. Nâng cao hiệu quả giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là địa bàn nông thôn, khu vực đang triển khai các dự án.
Biểu quyết thông qua một số dự thảo văn bản quan trọng
Tại hội nghị, các đại biểu cho ý kiến trực tiếp và biểu quyết thông qua một số dự thảo văn bản: Quy định của UBND tỉnh thực hiện một số nội dung cụ thể của Luật Nhà ở năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Quy định hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở; diện tích tối thiểu và điều kiện tách thửa, hợp thửa đất; hạn mức giao đất nông nghiệp; hạn mức giao đất chưa sử dụng cho cá nhân đưa vào sử dụng; hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác; các loại giấy tờ khác của người sử dụng đất trước 15/10/1993 áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Quyết định của UBND tỉnh quy định một số chỉ tiêu khi áp dụng phương pháp thặng dư để xác định giá đất cụ thể và các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, mức độ chênh lệch tối đa của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Các đại biểu biểu quyết thông qua một số dự thảo văn bản: Quyết định của UBND tỉnh bãi bỏ Quyết định số 50/2021/QĐ-UBND ngày 16/10/2021 của UBND tỉnh. Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2024-2030. Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; mua sắm hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bắc Giang.
Quyết định của UBND tỉnh quy định phân cấp và trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Quyết định về việc ủy quyền cho Sở Y tế thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế trong các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Quyết định ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đề án “Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng, giai đoạn 2024-2030”. Đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang./.
Dương Thuỷ
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/tap-trung-thao-go-kho-khan-vuong-mac-trien-khai-cac-giai-phap-phan-au-hoan-thanh-cao-nhat-cac-chi-tieu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam