Ngày 14/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì hội nghị; cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024, với mục tiêu thực hiện chuyển dịch năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam. Theo Quy hoạch điện VIII, nguồn điện mặt trời tập trung có quy mô công suất tăng thêm tới năm 2030 là 1.500 MW.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương đã báo cáo chi tiết các ý kiến bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Theo đó, tổng số dự án điện gió do các địa phương đề xuất lần 2 là 124 dự án mới/7.778,9 MW; số dự án điện gió điều chỉnh thông tin so với lần 1 (đã duyệt tại Quyết định số 262/QĐ- TTg) là 20 dự án/1.053,4 MW. Tổng số dự án thủy điện nhỏ do các địa phương đề xuất lần 2 là 132 dự án mới/1.381,98 MW, chiếm khoảng 0,05% tổng công suất các dự án thủy điện nhỏ được duyệt tới năm 2030. Tổng số dự án điện sinh khối do các địa phương đề xuất lần 2 là 21 dự án mới/414 MW; số dự án điện sản xuất từ rác do các địa phương đề xuất lần 2 là 34 dự án mới/621,1 MW…
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi các vấn đề liên quan đến điều chỉnh phân bổ công suất nguồn điện cho từng địa phương; các dự án thuỷ điện, điện rác, điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời. Đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án do địa phương đề xuất đang trong diện thanh tra, điều tra và chồng lấn với quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản… Qua đó, góp phần bảo đảm việc phát triển nguồn điện phù hợp với cơ cấu nguồn điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII phải đảm bảo tính toàn diện, bám sát các mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 phải đảm bảo được nguồn cung cấp điện lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt trong nước. Do đó, Kế hoạch điện VIII phải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên hàng đầu; giảm được tối đa khí phát thải, giảm suất đầu tư, nhất là đường dây truyền tải, trạm biến áp để có giá thành điện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan trong đó Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp tổng hợp các ý kiến góp ý của các đơn vị, địa phương, kịp thời, bổ sung các nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch điện VIII.
Đặc biệt là các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh cung cấp điện, tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện; giải pháp về pháp luật, chính sách; giải pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai; giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực…
Bộ Công Thương tiếp tục làm tốt vai trò định hướng cho các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch điện trong từng giai đoạn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng lưu ý, sau khi dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được ban hành, quá trình triển khai, nếu các dự án nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII gặp khó khăn, vướng mắc, không triển khai được, Bộ Công Thương báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp thay thế, đảm bảo an ninh cung cấp điện an toàn, hiệu quả…/.
Nguyễn Miền
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/hoan-thien-ke-hoach-thuc-hien-quy-hoach-phat-trien-ien-luc-quoc-gia-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-en-nam-2050