Chiều 11/7, Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 họp phiên thảo luận toàn thể tại hội trường. Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực kinh tế – ngân sách được các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận, phân tích và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản
Đại biểu Trần Thị Vượng – Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Yên Thế nêu: Mặc dù trong thời gian qua công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên. Tuy nhiên, ở một số địa phương trong tỉnh vẫn còn tái diễn tình trạng khai thác khoáng sản sai phép, trái phép chưa được xử lý dứt điểm. Một số đơn vị khai thác khoáng sản chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về khoáng sản. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của các ngành, các cấp đối với hoạt động tài nguyên, khoáng sản đã được tăng cường nhưng chưa thực sự có hiệu quả, nhiều hành vi, vi phạm chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định…
Để quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, đại biểu Trần Thị Vượng đề nghị UBND các cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về tài nguyên khoáng sản và pháp luật khác liên quan.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh định kỳ rà soát, xác định nhu cầu khoáng sản cho phát triển KT-XH của tỉnh để điều chỉnh, bổ sung các điểm, khu vực mỏ khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang đã được phê duyệt làm căn cứ cho công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định.
Tập trung chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Đồng thời, tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các hoạt động khai thác, chế biến, mua bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn…
Nâng cao hiệu quả thực hiện Kế hoạch sử dụng đất
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Vũ Tấn Cường – Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa cho biết: Mặc dù Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 31/01/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND để triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU trong đó có giao kế hoạch cụ thể đến các huyện, thành phố, thị xã; cấp huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo và Kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, kết quả thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau đo đạc bản đồ, sau dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới và cấp theo Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 11/6/2020, Kết luận số 120-KL/TU ngày 08/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa có nhiều chuyển biến, cử tri vẫn kiến nghị tại các kỳ tiếp xúc cử tri.
Đại biểu Vũ Tấn Cường cho biết thêm, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) đã thực hiện đến năm thứ 4 nhưng kết quả đạt thấp; kết quả thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất so với danh mục dự án đã được HĐND tỉnh thông qua hàng năm đạt thấp (thu hồi đạt khoảng 40%, chuyển mục đích sử dụng đất lúa đạt 15%).
Để các dự án phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất sớm đi vào hoạt động, đóng góp phát triển KT-XH, phục vụ nhu cầu người dân, đại biểu Vũ Tấn Cường đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại kết quả thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất được giao, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ được phép chuyển mục đích đã được HĐND thông qua để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất; rà soát đưa ra khỏi danh mục các dự án quá 3 năm không thực hiện hoặc dự án không có khả năng thực hiện để dành chỉ tiêu cho dự án khác.
Trao đổi thêm nội dung giao chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất hàng năm và kết quả thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Quang Huy cho biết, từ năm 2021 đến nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành các quyết định thu hồi đất với tổng diện tích khoảng 4.000 ha đất các loại; đã triển khai công tác thu hồi đất được hơn 1.000 công trình, dự án; UBND tỉnh đã ban hành 516 Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng tổng diện tích 3.300 ha để thực hiện các công trình, dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình tổng hợp danh mục các công trình dự án còn có sai sót về tên, địa điểm, quy mô diện tích dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung. Các địa phương chưa chủ động trong việc triển khai lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm, do vậy thời gian phê duyệt kế hoạch chưa đảm bảo theo yêu cầu… dẫn đến kế hoạch sử dụng đất của các địa phương đạt thấp.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Quang Huy cho biết thêm, thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND cấp huyện làm tốt việc đăng ký nhu cầu sử dụng đất hàng năm. UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động tổ chức lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm, xác định lộ trình thực hiện, đăng ký nhu cầu sử dụng đất sát với thực tế, tránh dàn trải; rà soát kỹ lưỡng danh mục các công trình, dự án để hạn chế sai sót; huy động mọi nguồn lực, tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường giải phóng các dự án nâng cao hiệu quả, kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Khẩn trương đẩy mạnh giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt
Về giải pháp phân loại rác thải tại nguồn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Quang Huy cho biết, toàn tỉnh đã bố trí 2.200 điểm tập kết, trung chuyển rác thải; tiếp tục hoạt động 05 khu xử lý rác thải, 77 lò đốt công nghệ; tỷ lệ rác thải được thu gom đạt 94,6%; tỷ lệ rác thải thu gom được xử lý đạt 95%… Hiện còn 60% hộ gia đình chưa thực hiện phân loại rác thải thành rác vô cơ, rác hữu cơ, rác tái chế.
Nguyên nhân do nhận thức của một bộ phận người dân về thu gom, phân loại rác thải còn hạn chế, chưa chấp hành các quy chế, quy ước của địa phương. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, trang thiết bị về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sau phân loại tốn kém chi phí, trong khi nguồn ngân sách của các địa phương còn hạn chế…
Để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy định về phân loại rác thải tại nguồn, từ ngày 01/01/2025, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh lấy chỉ tiêu về thu gom, phân loại rác thải để tổ chức kiểm điểm, đánh giá xếp loại người đứng đầu các địa phương. Duy trì hoạt động kiểm điểm, kiểm tra đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU, Kết luận số 99-KL/TU và công tác phân loại rác thải tại các địa phương, kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.
Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện trách nhiệm tổ chức hoạt động quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Hàng năm xây dựng và triển khai kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, triển khai đến 100% các xã. UBND cấp xã triển khai hoạt động phân loại rác thải sinh hoạt, tuyên truyền, vận động 100% các hộ gia đình thực hiện thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt theo quy định.
Về vấn đề này, đại biểu Vũ Tấn Cường cũng đề nghị UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác thải, Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang, Nhà máy xử lý rác thải tập trung tại xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa.
Tập trung quản lý sử dụng tài sản công
Đại biểu Tạ Quang Khải – Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Yên Dũng cho biết, vừa qua, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã giám sát công tác quản lý sử dụng tài sản công là nhà đất. Qua giám sát cho thấy công tác quản lý sử dụng tài sản công là nhà đất đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo; về cơ bản các địa phương, đơn vị đã quản lý, khai thác, sử dụng nhà đất đúng mục đích, công năng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều nhà đất công đang không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích. Việc xử lý, sắp xếp các cơ sở nhà đất dôi dư còn chậm, gây lãng phí nguồn lực, tài sản của nhà nước. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với các cơ sở nhà đất đạt thấp… Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, ngoài những bất cập về cơ chế, chính sách còn có nguyên nhân chủ quan của các cơ quan quản lý nhà nước chưa làm hết trách nhiệm; chưa quan tâm rà soát, thống kê, theo dõi, nắm thực trạng tài sản công là nhà đất; phối hợp xử lý tài sản dôi dư chưa kịp thời; cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực này nắm chưa chắc các quy định, hướng dẫn, chưa làm tốt trách nhiệm được giao….
Đại biểu Tạ Quang Khải đề nghị ngay sau kỳ họp này, trên cơ sở Nghị quyết về kết quả giám sát tài sản công là nhà đất được HĐND thông qua, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND cấp huyện tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót và thực hiện nghiêm những kiến nghị đã được chỉ ra. Chú trọng thực hiện chỉ đạo tổng rà soát các cơ sở nhà đất, xây dựng kế hoạch và có lộ trình cụ thể để sớm xử lý dứt điểm các cơ sở nhà đất dôi dư không sử dụng, ít sử dụng, sử dụng không đúng mục đích nhằm phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế đối với công tác quản lý tài sản công, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Đình Hiếu yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Kết luận số 123-KL/BCSĐ ngày 25/9/2023 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu thầu mua sắm tài sản phục vụ hoạt động thường xuyên và quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Các huyện, thị xã, thành phố phấn đấu đến hết năm 2024 hoàn thành việc cập nhật, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng để xử lý những cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp lại. Các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành việc xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp lại theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn kịp thời báo cáo và đề nghị cấp thẩm quyền chuyển giao trụ sở không còn nhu cầu sử dụng về địa phương quản lý, xử lý theo quy định. Tăng cường công tác phối hợp, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp
Trao đổi về thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Thi khẳng định, những năm qua nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua việc ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, năm 2023 UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 05 Nghị quyết trực tiếp hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ sản xuất giống phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn trình HĐND tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ có liên quan đến chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; chính sách hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều…
Ngay sau khi các chính sách được ban hành, đã có 10/10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản ngay từ năm đầu tiên với vốn đăng ký hỗ trợ trên 58,2 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ trên 532 tấn giống lúa thuần chất lượng cho hàng chục nghìn hộ trên địa bàn tỉnh; triển khai chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP; chính sách hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể… Qua đó, từng bước tạo động lực để các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
Để các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đi vào cuộc sống nhanh, hiệu quả, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục dành sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách tại cơ sở. Quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn kinh phí thực hiện các chính sách đã phân bổ về cho địa phương. Đổi mới hình thức tuyên truyền chính sách đến các đối tượng thụ hưởng.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận làm rõ các nội dung liên quan đến giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư; giải pháp triển kinh doanh thương mại điện tử tại Bắc Giang; giải pháp phát huy hiệu quả tiêm vắc xin phòng dịch./.
Nhóm PV
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/thao-luan-e-xuat-cac-giai-phap-vuong-mac-ton-tai-thuoc-linh-vuc-kinh-te-ngan-sach