Sáu tháng đầu năm 2024, xếp hạng tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 63 tỉnh, thành phố ghi nhận nhiều xáo trộn. Nhóm dẫn đầu vắng bóng các đầu tàu kinh tế, thành phố trực thuộc Trung ương, trong khi một số tỉnh, thành ghi nhận sự vươn lên đáng khích lệ.
Nửa đầu năm 2024, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của năm 2022 trong giai đoạn 2020 – 2024. Trong bối cảnh kinh tế tiếp tục khởi sắc trên nhiều ngành, lĩnh vực, tăng trưởng của các địa phương cũng có sự bứt tốc. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 7 địa phương có GRDP tăng trưởng trên 10%, gồm: Bắc Giang, Khánh Hoà, Thanh Hoá, Hà Nam, Hải Phòng, Trà Vinh và Hải Dương. Bắc Giang duy trì vị trí dẫn đầu trong 2 năm liên tiếp.
Động lực tăng trưởng TPHCM đến từ đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân ảnh: PV
Trong nhóm địa phương có GRDP cao nhất, ngoại trừ Hải Phòng (tăng trưởng 10,32% – cao thứ 5 cả nước), các thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục vắng mặt. Tuy nhiên, TPHCM (tăng trưởng 6,46%) có bước cải thiện đáng kể khi vượt lên trên Hà Nội (tăng trưởng 6%). Còn Cần Thơ (tăng trưởng 5,73%) và Đà Nẵng (tăng trưởng 5%) ở nửa cuối bảng xếp hạng.
Dù không xếp hạng cao, nhưng một trong những địa phương có sự vươn lên đáng chú ý là Bắc Ninh. Quý I, GRDP của tỉnh này giảm 3,5% so với cùng kỳ và bước sang quý II ghi nhận bước nhảy vọt, tăng trưởng trở lại ở mức 8%. Qua đó, tăng trưởng nửa đầu năm của Bắc Ninh đạt mức 2,32% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Bắc Ninh cũng là tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam (tổ chức tư vấn, nghiên cứu kinh tế) nhận định, dù đóng góp lớn vào GDP, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của các thành phố lớn, “đầu tàu” kinh tế chưa đạt kỳ vọng.
Theo ông Bình, 6 tháng cuối năm còn nhiều dư địa cho tăng trưởng cao hơn của các thành phố lớn. Với TPHCM, chuyên gia này cho rằng, động lực đến từ việc đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân. Quyết tâm giải ngân đầu tư công của TPHCM được người đứng đầu thành phố mạnh mẽ khẳng định tại phiên họp thường kỳ tháng 6 vừa qua. Địa phương có thế mạnh từ khai thác dịch vụ, du lịch như Đà Nẵng cũng được kỳ vọng bứt phá sau mùa cao điểm du lịch, lễ hội pháo hoa. Sáu tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành của Đà Nẵng đều nằm trong nhóm tăng trưởng cao nhất cả nước.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, những tỉnh, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất trong 6 tháng đầu năm là những địa phương có đóng góp lớn của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong nửa cuối năm nay, Tổng cục Thống kê cho rằng, khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong khoảng 6-6,5%.
Nguồn: https://tienphong.vn/cac-dau-tau-kinh-te-dang-tim-lai-chinh-minh-post1652177.tpo