Điện Kremlin nói sự tham gia của phương Tây khiến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine trở thành “chiến tranh”, cụm từ Moskva thường tránh sử dụng trước đây.
“Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh. Xung đột bắt đầu với chiến dịch quân sự đặc biệt, nhưng khi phương Tây tham gia chiến sự bên phía Ukraine, mọi chuyện đã trở thành cuộc chiến tranh. Tôi tin là vậy, mọi người nên hiểu rõ điều đó”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm 22/3.
Lính Nga huấn luyện ở thao trường tại tỉnh Zaporizhzhia hôm 14/3. Ảnh: RIA Novosti |
Ông Peskov sau đó khẳng định hoạt động của Nga tại Ukraine vẫn được coi là “chiến dịch đặc biệt” về mặt pháp lý. “Dù vậy, trên thực tế nó đã là cuộc chiến tranh, vì phương Tây ngày càng tăng mức độ can thiệp trực tiếp vào xung đột”, quan chức Điện Kremlin cho hay.
Phát ngôn viên Peskov cũng tuyên bố mục tiêu của Nga là bảo đảm an toàn cho cư dân tại 4 tỉnh được Moskva sáp nhập cuối năm 2022, cũng như bảo đảm quân đội Ukraine “không thể đe dọa an ninh lãnh thổ và công dân Nga”.
Giới chuyên gia cho rằng phát biểu của ông Peskov đánh dấu thay đổi trong ngôn ngữ được giới chức Nga dùng để mô tả xung đột Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/2/2022 tuyên bố phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Thuật ngữ này được Nga sử dụng suốt hơn hai năm qua nhằm thể hiện quy mô giới hạn của chiến dịch ở Ukraine, do Moskva đến nay vẫn chưa tuyên chiến với Kiev.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin và các quan chức Nga gần đây bắt đầu đề cập nhiều hơn đến cụm từ “chiến tranh”, dường như là nhằm chuẩn bị tinh thần cho người dân Nga về xung đột kéo dài.
Kể từ khi xung đột bùng phát, các đồng minh phương Tây đã cam kết hỗ trợ Ukraine hơn 274 tỷ USD, trong đó có 105 tỷ USD viện trợ quân sự. Kiev đã nhận hơn 1.600 tổ hợp tên lửa và pháo, hơn 200 hệ thống phòng không, 5.200 xe tăng và thiết giáp, hơn 23.000 máy bay không người lái (UAV) từ Mỹ và đồng minh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cuối tháng 2 tuyên bố “phương Tây không loại trừ khả năng đưa binh sĩ đến Ukraine”, sau đó giải thích tuyên bố không đồng nghĩa Pháp sẽ điều quân tới nước này trong tương lai gần. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski ngày 8/3 cho biết binh sĩ NATO đã hiện diện ở Ukraine, nhưng không nêu cụ thể là từ những nước thành viên nào.
Điện Kremlin cảnh báo phương Tây điều quân tới Ukraine sẽ dẫn tới nguy cơ đối đầu trực tiếp “không thể tránh khỏi” giữa NATO với Nga. Khi đọc Thông điệp Liên bang cuối tháng 2, Tổng thống Vladimir Putin cũng lưu ý hậu quả của việc can thiệp vào Liên bang Nga hiện nay sẽ thảm khốc hơn so với những giai đoạn trước, nguy cơ dẫn đến chiến tranh hạt nhân.
Theo Vnexpress