BẮC GIANG – Luật Tài nguyên nước 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 27/11/ 2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật gồm 10 chương, 86 điều, trong đó có nhiều quy định quan trọng, đặc biệt là về bảo đảm an ninh nguồn nước.
Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước 2012 đã góp phần làm thay đổi nhận thức, ý thức trong cộng đồng xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, do một số quy định của Luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan; thiếu các quy định về bảo vệ an ninh nguồn nước, điều hòa, phân phối, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước… dẫn tới việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực này ở một số nơi còn chưa nghiêm. Trong khi đó, các chế tài xử lý, ngăn chặn vi phạm về tài nguyên nước chưa theo kịp với thực tế.
Nước sông Cầu ô nhiễm do chất thải. Ảnh chụp tại đoạn qua xã Vân Hà, thị xã Việt Yên. |
Khắc phục những bất cập trên, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bám sát mục đích, yêu cầu và thể chế hóa 4 nhóm chính sách lớn đã được Quốc hội thông qua gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Trong đó, Luật có những điểm mới cơ bản sau:
Bổ sung các quy định về bảo đảm an ninh nguồn nước: Chính sách bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia (hướng tới nhóm các quốc gia và khu vực) được thể hiện xuyên suốt trong các chương, điều của Luật. Cụ thể là bảo đảm về số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng, môi trường và giảm thiểu tác hại, rủi ro từ các thảm họa xảy ra liên quan đến nước.
Luật quy định một số chính sách ưu đãi cụ thể đối với các dự án đầu tư khai thác nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện KT -XH khó khăn, đặc biệt khó khăn, nơi khan hiếm nước ngọt. Đồng thời tạo điều kiện cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác được tiếp cận nước sinh hoạt. Theo đó, một trong những điểm mới cốt lõi trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước là các quy định về điều hòa, phân phối tài nguyên nước.
Điều 35, Điều 36 Luật Tài nguyên nước 2023 quy định, việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho các mục đích khai thác, sử dụng phải căn cứ vào quy hoạch, hiện trạng, nhu cầu và hạn ngạch khai thác tài nguyên nước có tính đến tác động của biến đổi khí hậu, kết quả hạch toán và phải thực hiện theo các nguyên tắc, bảo đảm an ninh nguồn nước, công bằng, hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng; ưu tiên về số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt…
Cán bộ Trung tâm Quan trắc TN&MT (Sở TN&MT) lấy mẫu nước để giám định. |
Tiếp đó là các quy định bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, ngưỡng khai thác nước dưới đất; quy định về ưu tiên đầu tư phát triển, tích trữ nước như: Xây mới, cải tạo, phục hồi các hồ, ao có chức năng cấp nước, điều hòa, phòng chống ngập lụt; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình điều tiết, trữ nước tại các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước. Đồng thời làm rõ nguyên tắc tách bạch giữa quản lý nguồn nước và quản lý vận hành công trình.
Luật cũng bổ sung thêm nhóm quy định về bảo vệ tài nguyên nước. Luật đưa ra nguyên tắc bảo vệ lấy phòng ngừa là chính, gắn với việc bảo vệ số lượng, chất lượng nước; bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng gắn liền với bảo vệ phát triển nguồn sinh thủy, chức năng nguồn nước. Luật quy định rõ chức năng nguồn nước; bổ sung quy định về bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt; các quy định về phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.
Quy định cụ thể về phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ; lập, công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp để giảm thiểu tình trạng ngập úng đô thị, tăng khả năng tích trữ nước. Trong đó, quy định phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết” là một trong những nội dung cốt lõi của Luật Tài nguyên nước 2023.
Cụ thể là các quy định về xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Ưu tiên phục hồi các dòng sông, đoạn sông cạn kiệt, không có dòng chảy, ô nhiễm nghiêm trọng và bố trí nguồn lực thực hiện; quy định cụ thể một số giải pháp chính để thực hiện các hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.
Mục đích nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái và các giá trị của nguồn nước đã mất đi do quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh; các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng kéo theo các hoạt động xả nước thải, nhất là nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn xả vào nguồn nước…
Bổ sung các quy định về khai thác, sử dụng nước như: Các quy định chung về khai thác, sử dụng nước; đăng ký, cấp phép tài nguyên nước; phân công rõ trách nhiệm cho các bộ, địa phương trong khai thác nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện.
Quy định sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, bảo vệ nguồn nước trong các hoạt động khai thác, sử dụng. Đặc biệt, bổ sung quy định cụ thể về việc tuần hoàn, tái sử dụng nước tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước tùy theo điều kiện phát triển KT-XH tại địa phương. Luật cũng quy định các nội dung liên quan đến công tác quan trắc, giám sát tài nguyên nước và trách nhiệm giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, kết nối dữ liệu giám sát của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước theo hướng tự động, liên tục hoặc định kỳ.
Ngoài ra, bổ sung quy định về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước: Quy định nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó có 6 nguồn vốn xã hội hóa. Quy định các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa và chính sách ưu tiên. Luật khuyến khích các hoạt động phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; xây dựng các công trình phát triển, tích trữ nước, điều tiết nguồn nước theo hình thức xã hội hóa.
Tuấn Dương (t/h)
Bổ sung, chỉnh lý nhiều quy định về bảo đảm an ninh và phục hồi nguồn nước
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đồng thời làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, bắc giang, Luật Tài nguyên nước, xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước, Bổ sung, quy định, bảo đảm an ninh, nguồn nước