BẮC GIANG – Để đối phó với việc xử lý vi phạm trong phạt “nguội” khi tham gia giao thông, đã xuất hiện tình trạng cho thuê giấy phép lái xe (GPLX) để trốn tránh nghĩa vụ thi hành quyết định xử phạt. Đây là hành vi gian dối, vi phạm pháp luật cần được ngăn ngừa, xử lý kịp thời.
Biện pháp xử lý vi phạm “nguội” trong lĩnh vực giao thông được cơ quan chức năng áp dụng ngày càng phổ biến. Để đối phó với việc bị tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn, nhiều người tìm đến dịch vụ cho thuê bằng lái. Có cầu ắt có cung, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội, nhóm cho thuê GPLX các hạng. Chúng tôi liên hệ với một người xưng tên là N.V, thành viên của nhóm cho thuê GPLX.
Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Việt Yên hướng dẫn người vi phạm chấp hành biên bản xử lý. |
Người này giới thiệu có địa chỉ ở thị trấn Kép (Lạng Giang), vừa nhắn tin lập tức có phản hồi. Anh này cho biết bản thân có GPLX ô tô hạng C, vợ có bằng lái hạng B2. Sau khi được chúng tôi nhắn thông tin điều khiển xe ô tô của gia đình nhưng vi phạm quá tốc độ 20 km/h, anh N.V liền tư vấn: “Chỉ cần thuê GPLX hạng B2, đợi cơ quan công an gửi thông báo phạt “nguội” về địa chỉ sẽ tiến hành “thế thân”. Anh phải chịu tiền nộp phạt theo thông báo và tiền thuê, em lấy 4 triệu đồng, anh chấp nhận thì gặp nhau để xử lý”.
Thấy chúng tôi tỏ ý băn khoăn cách này liệu có “qua” được cơ quan xử lý, anh ta trấn an: “Coi như hôm đó em mượn xe của anh, việc mượn xe của nhau là hết sức bình thường. Họ không có hình ảnh mặt người vi phạm, chỉ có hình ảnh phương tiện chạy quá tốc độ nên em nhận là người mượn xe, ký nhận toàn bộ giấy tờ, anh vẫn giữ lại được GPLX để đi lại hằng ngày”.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh lập biên bản xử lý gần 5,2 nghìn trường hợp vi phạm, trong đó thông qua hệ thống camera đã phát hiện, gửi thông báo đối với 468 trường hợp vi phạm, xử phạt “nguội” hơn 1,7 tỷ đồng. Qua xử lý chưa phát hiện trường hợp nào thuê, mượn GPLX để qua mặt cơ quan công an. Tuy nhiên, Phòng Cảnh sát giao thông đã nắm được chiêu trò cho thuê, cho mượn GPLX. |
Theo quy định, quy trình phạt “nguội” được tiến hành theo trình tự: Phát hiện vi phạm giao thông (cảnh sát giao thông phát hiện vi phạm thông qua thiết bị ghi hình các xe trên đường, qua hệ thống giám sát tự động hoặc từ các thiết bị khác); kiểm tra, phân tích, xác định vi phạm (xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm); thông báo cho người điểu khiển phương tiện vi phạm; phối hợp với chủ phương tiện giải quyết vụ việc vi phạm và cập nhật kết quả xử lý và kết thúc hồ sơ.
Theo đó, việc xác minh ai là người điều khiển phương tiện khi vi phạm dựa trên hình ảnh ghi lại thông qua thiết bị ghi hình và việc xác minh được thực hiện đồng bộ trên dữ liệu thu từ hệ thống camera quan sát, nhận dạng với độ chính xác cao.
Thượng tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Phòng lập biên bản xử lý gần 5,2 nghìn trường hợp, trong đó thông qua hệ thống camera đã phát hiện, gửi thông báo đối với 468 trường hợp, xử phạt “nguội” hơn 1,7 tỷ đồng. Qua xử lý chưa phát hiện trường hợp nào thuê, mượn GPLX. Tuy nhiên, Phòng Cảnh sát giao thông đã nắm được chiêu trò cho thuê, cho mượn GPLX này”.
Để ngăn ngừa, Phòng phổ biến một số giải pháp đến các cán bộ trực tiếp xử lý và công an các huyện, thị xã, TP. Cụ thể, khi người điều khiển đến các đơn vị thực hiện giải quyết vi phạm theo thông báo phạt “nguội”, cảnh sát giao thông kiểm tra, lập biên bản xác minh vụ việc sau đó cho đóng phạt. Cơ quan công an phải kiểm tra, đối chiếu, xác minh vụ việc trước khi ra quyết định lập biên bản xử phạt.
Người điều khiển phải thực hiện cam kết là người vi phạm, không thuê, nhờ người khác chịu phạt, bị tạm giữ GPLX thay. Trong quá trình xử lý vi phạm “nguội”, cơ quan công an yêu cầu chủ xe xuất trình giấy tờ cho thuê, cho mượn hoặc tổ chức đối chất ba bên để xác định việc cho thuê cho mượn là có hay không.
Xác minh người đứng ra nhận là lái xe về đặc điểm phương tiện, địa điểm vi phạm, cung đường để xác định người đó có thực sự là người điều khiển phương tiện hay không? Nếu người vi phạm thuê hoặc mượn GPLX của người khác để nộp cho cơ quan xử lý là không đúng với quy định của pháp luật. Trường hợp xác minh được người điều khiển phương tiện cố tình trốn tránh nghĩa vụ thi hành quyết định xử phạt, “thế thân” bằng GPLX của người khác sẽ bị xem là tình tiết tăng nặng và bị xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trao đổi với Luật sư Lê Văn Tiến, Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Gia Tín (TP Bắc Giang) được biết, bất kể cá nhân nào thuê hoặc mượn GPLX của người khác để “đội lốt ” là hành vi vi phạm pháp luật, gian lận trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, xử lý vi phạm.
Việc thuê GPLX, nhờ người khác nhận thay vi phạm giao thông để không bị giữ GPLX là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả hai bên. Trong trường hợp chủ phương tiện cho mượn, thuê xe cần lập hợp đồng thuê xe trong đó quy định rõ ràng về thời gian sử dụng, điều khoản người thuê phải chịu trách nhiệm nếu có hành vi vi phạm an toàn giao thông trong thời gian thuê xe. Chủ xe yêu cầu bên thuê cung cấp thông tin cá nhân như: GPLX, căn cước công dân và phải kiểm tra tính hợp pháp của các giấy tờ đó.
Bài, ảnh: Quốc Phương
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, bắc giang, Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, tham gia giao thông, hành vi gian dối, vi phạm pháp luật cần, ngăn ngừa, xử lý kịp thời.