BẮC GIANG – Với phương châm “5 phút giờ vàng” xử lý sự cố cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh đặc biệt chú trọng đến phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, trang bị kiến thức, kỹ năng chữa cháy và thoát nạn cho đông đảo người dân.
Chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH diễn ra vào ngày cuối tuần tại phường Bích Động (thị xã Việt Yên) có khá đông cán bộ, công chức và người dân tham gia. Chăm chú theo dõi cán bộ hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy mi ni, anh Nguyễn Văn Bảy ở tổ dân phố Tự mạnh dạn đề xuất cho được thực hành. Anh cho biết gia đình có nhà trọ cho công nhân thuê, những buổi trải nghiệm như thế này là vô cùng cần thiết.
Cán bộ công an hướng dẫn người dân phường Bích Động (thị xã Việt Yên) thực hành sử dụng bình cứu hoả. |
Tại đây, anh được hướng dẫn cách xử lý từng tình huống như do chập điện, cháy nổ xăng dầu, rò rỉ khí gas, vật dụng trong nhà, cháy nổ xe máy… Đối với bình bột khô thì sử dụng thế nào, bình chữa cháy khí CO2 thì sử dụng ra sao, những trường hợp cần lưu ý trước khi sử dụng. Chẳng hạn như đối với bình bột cần lắc nhẹ để bột chống cháy được trộn đều, không vón cục.
Đối với những đám cháy chất lỏng như xăng, dầu, cồn tránh phun trực tiếp xuống chất lỏng đề phòng bị bắn ra ngoài, cháy to hơn. Bảo quản bình chữa cháy ở đâu sao cho vừa an toàn, vừa dễ lấy… Những kiến thức rất thiết thực này anh sẽ về hướng dẫn người thuê trọ và người dân trong tổ liên gia.
Trung tá Ngô Đăng Tuyên, Trưởng Công an phường Bích Động thông tin: Là phường trung tâm có hơn 4 nghìn hộ, 14 nghìn nhân khẩu, ngoài ra còn có hàng nghìn người ở tỉnh ngoài tạm trú tại địa bàn. Là cơ quan thường trực, tham mưu cho UBND phường trong công tác quản lý nhà nước về PCCC, CNCH trên địa bàn, Công an phường đã thành lập 14/14 tổ liên gia an toàn, mỗi tổ có từ 8-12 hộ. Thành viên các tổ thường xuyên được tập huấn, trang bị kiến thức.
Ngoài ra còn có kẻng báo cháy tại các điểm chữa cháy công cộng. Khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, người phát hiện ấn chuông báo động (hoặc đánh kẻng) cho các gia đình biết hoặc báo cháy qua số máy 114 hoặc App báo cháy 114. Thành viên của các hộ trong tổ liên gia sử dụng phương tiện, dụng cụ phá dỡ của gia đình tham gia chữa cháy, cứu người bị nạn.
Theo quy định thì “Mọi hoạt động PCCC trước hết phải được giải quyết và thực hiện bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ”. Do đó, công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC từ cơ sở có ý nghĩa quyết định. Từ năm 2023 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an các huyện, thị xã, TP đã xây dựng, nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” tại các khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh.
Toàn tỉnh đã xây dựng được 760 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”; thành lập 2.128 đội dân phòng với gần 25 nghìn đội viên tại các thôn, tổ dân phố; 98% hộ gia đình có bình chữa cháy xách tay; 1.969 hộ tự nguyện cắt bỏ “chuồng cọp” mở lối thoát nạn thứ hai. |
Cùng đó, tổ chức hội thi nghiệp vụ chữa cháy và CNCH. Toàn tỉnh đã xây dựng được 760 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” đặt dưới sự chỉ đạo của chi bộ khu dân cư, sự quản lý điều hành của trưởng thôn, tổ dân phố và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Công an xã. Đã thành lập 2.128 đội dân phòng với gần 25 nghìn đội viên tại các thôn, tổ dân phố, hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương gắn với công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.
Các đội dân phòng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Đội trưởng, đội phó đội dân phòng chủ yếu là bí thư, phó bí thư chi bộ; trưởng, phó thôn; tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố; công an viên bán chuyên trách, bảo vệ dân phố. Thành viên của đội dân phòng thuộc Ban quản lý của thôn, tổ dân phố và người lao động, kinh doanh tại địa phương.
Khi xảy ra cháy nổ, công tác chữa cháy hiệu quả nhất là huy động được con người, cơ sở vật chất với phương châm “4 tại chỗ” trong đó có “phương tiện tại chỗ”. Thực hiện phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, bên cạnh cấp miễn phí một phần, lực lượng công an các cấp đã tích cực vận động người dân, hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay, mở lối thoát nạn thứ hai. Đến nay, toàn tỉnh đã có 473.980/485.678 (chiếm 98%) hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay.
Công an huyện Yên Dũng phối hợp với một số doanh nghiệp trao tặng bình chữa cháy cho hộ hoàn cảnh khó khăn xã Tư Mại. |
Chị Minh Nguyệt sinh sống ở toà nhà CT1A, chung cư GreenCity, đường Trần Quang Khải, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) cho biết: “Tôi ở tầng thấp, đề phòng trộm đột nhập, gia đình có hàn kín khung sắt khu vực phơi quần áo. Sau sự cố cháy nổ làm 56 người chết tại chung cư mi ni ở Hà Nội, gia đình tôi được vận động cắt bỏ. Nhận thấy điều này hữu ích, tôi đã thuê thợ đến tháo dỡ toàn bộ để dễ thoát hiểm nếu chẳng may xảy ra cháy”. Được biết, sau khi được vận động, toàn tỉnh có 1.969 hộ tự nguyện cắt bỏ “chuồng cọp” mở lối thoát nạn thứ hai.
Để tiếp tục lan toả phong trào toàn dân tham gia PCCC, theo Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, đơn vị tiếp tục tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thị xã, TP rà soát, lập danh sách các hộ có nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh và ngõ sâu, nhỏ, hẹp thuộc diện phải thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn quản lý; bảo đảm 100% nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh hàng hóa dễ cháy đủ điều kiện phải thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” (có từ 5 hộ gia đình trở lên liền kề nhau trong đó có một hoặc nhiều nhà để ở kết hợp kinh doanh hàng hóa dễ cháy).
Chỉ đạo lực lượng công an cấp xã thường xuyên tuyên truyền, tập huấn cho người dân kết hợp với các cuộc họp chi bộ, sinh hoạt cộng đồng. Nội dung chú trọng đến việc hướng dẫn cách phòng, chống cháy nổ tại hộ gia đình, khu dân cư, cách thoát nạn nếu xảy ra cháy; tính năng, tác dụng, cách bảo quản và một số lưu ý khi sử dụng bình chữa cháy. Tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, TP tăng cường chỉ đạo, quản lý, xây dựng, củng cố lực lượng dân phòng vững mạnh về tổ chức.
Thường xuyên tổ chức đánh giá chất lượng, kiểm tra chế độ hoạt động của của đội dân phòng; kịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng. Chú trọng rà soát, lựa chọn, giới thiệu những công dân đủ năng lực, trách nhiệm và uy tín để bổ nhiệm vào các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án “Hiện đại hóa công tác PCCC và CNCH, tập trung hỗ trợ trang cấp cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và lực lượng dân phòng giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn năm 2030”. Quan tâm đầu tư kinh phí, mua sắm các trang thiết bị cho lực lượng dân phòng bảo đảm về số lượng theo quy định.
Bài, ảnh: Thu Phong
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, đội dân phòng, cứu nạn, cứu hộ, kỹ năng chữa cháy, Lan tỏa, phong trào, toàn dân, tham gia phòng cháy, chữa cháy, bình chữa cháy mi ni