BẮC GIANG – Mỗi năm, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 3.000 thanh niên nhập ngũ và cũng có từng đó người xuất ngũ trở về địa phương. Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị liên quan đã có những giải pháp giúp quân nhân xuất ngũ sớm có việc làm, ổn định cuộc sống.
Hoàn thành nghĩa vụ và trở về địa phương vào tháng 1/2024, anh Lương Thế Vinh (SN 2023) ở thôn Bình An, xã Tiền Phong (Yên Dũng) được Ban CHQS xã gặp gỡ, động viên, đồng thời tư vấn việc làm phù hợp với năng lực, sở trường. Anh cho biết: “Hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Tiểu đoàn 30, Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không – Không quân (đóng tại Hoà Bình), tôi không có nhiều thời gian để tìm hiểu việc làm cũng như chưa định hướng được tương lai sẽ làm gì sau khi xuất ngũ. Trở về địa phương, sau khi được tư vấn công việc, ngành nghề và nhu cầu thị trường lao động, tôi quyết định chọn học nghề sửa chữa ô tô. Tôi tin với nghề này bản thân sẽ có công việc ổn định, thu nhập tốt”.
Cán bộ Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 1) tư vấn, định hướng việc làm cho quân nhân chuẩn bị xuất ngũ (tháng 1/2024). Ảnh: Hữu Trình. |
Cũng xuất ngũ cùng đợt này, anh Hà Văn Huy ở thôn Thuyền, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) được chính quyền địa phương gặp gỡ tư vấn việc làm. Qua tìm hiểu, anh chọn đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc. “Bạn bè, người thân của gia đình tôi có nhiều người đang lao động ở Hàn Quốc. Hai năm trước, khi chưa đi bộ đội, tôi cũng đã có ý tưởng đi lao động xuất khẩu tại đây. Thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, tôi tạm gác lại việc riêng để nhập ngũ ở Sư đoàn 3 (Quân khu 1).
Mặc dù cơ hội việc làm có chậm hơn so với các bạn nhưng tôi nghĩ môi trường quân đội đã rèn cho tôi tính kỷ luật cao. Đặc biệt thời gian quân ngũ tôi đã được kết nạp vào Đảng. Với số tiền trợ cấp được nhận là 25,2 triệu đồng, tôi dành để trang trải cho việc học nghề. Tôi đang học tiếng Hàn, cố gắng trong năm nay có visa để đi làm.”
Theo quy định, mỗi quân nhân xuất ngũ được hưởng 3 chế độ trợ cấp gồm: Trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp tạo việc làm và trợ cấp bảo hiểm với tổng số tiền 25,2 triệu đồng. Ngoài ra quân nhân còn được nhận gói quà Tết trị giá từ 350.000 đến 500.000 đồng tùy từng đơn vị. Quân nhân nào có nhu cầu học nghề sẽ được cấp Thẻ học nghề với nhiều chế độ ưu tiên. |
Theo thống kê của Bộ CHQS tỉnh, tháng 1/2024, toàn tỉnh đón gần 2.600 quân nhân xuất ngũ trở về địa phương. Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh chỉ đạo các địa phương tổ chức lễ đón nhận quân nhân xuất ngũ. Cùng đó, tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng liên quan như: Sở Tài chính, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội… chỉ đạo các địa phương, trung tâm đào tạo, hướng nghiệp học nghề, tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tạo điều kiện cho quân nhân xuất ngũ tiếp cận nguồn vốn vay, việc làm.
Được biết, khi quân nhân hoàn thành chế độ phục vụ tại ngũ, nếu có nhu cầu học nghề để tìm kiếm việc làm sẽ được cấp thẻ học nghề do Bộ Quốc phòng phát hành có chữ ký đóng dấu của thủ trưởng đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên. Thẻ học nghề có giá trị sử dụng trong 1 năm kể từ ngày cấp thẻ, được nộp cho cơ sở dạy nghề trong và ngoài quân đội với nhiều chế độ ưu tiên.
Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho hay: Hằng năm vào dịp đầu xuân, Trung tâm đều kết nối, mời gọi nhiều doanh nghiệp đến định hướng nghề nghiệp tương lai cho các chiến sĩ. Phối hợp với Ban CHQS TP Bắc Giang, Hội Liên hiệp Thanh niên, Thành đoàn Bắc Giang tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ với chủ đề: “Đồng hành cùng thanh niên, bộ đội xuất ngũ trở về địa phương lập thân, lập nghiệp”.
Riêng trong tháng 2/2024, Trung tâm đã phối hợp tổ chức 5 cuộc tư vấn tại các địa phương trong tỉnh thu hút hơn 700 lượt quân nhân tham dự. Tại đây, các quân nhân được Trung tâm và đại diện các doanh nghiệp phổ biến chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm thông qua quỹ quốc gia về việc làm; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; giới thiệu, định hướng những ngành nghề phù hợp với khả năng, sức khỏe, lứa tuổi; mức thu nhập; phân tích thị trường lao động, thông tin về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Qua ngày hội việc làm, các buổi tư vấn nghề nghiệp giúp cho các quân nhân có những định hướng, lựa chọn ngành nghề, công việc phù hợp với bản thân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Đồng thời là dịp để cán bộ quân đội, chính quyền địa phương lắng nghe tâm tư, nguyện vọng về việc làm của quân nhân xuất ngũ.
Thực tế cho thấy, bộ đội xuất ngũ là nguồn nhân lực chất lượng, có ý thức tổ chức kỷ luật, độ tuổi, sức khỏe và trình độ có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua các năm triển khai cho thấy hiệu quả đạt được là thiết thực. Năm 2023, toàn tỉnh có 2.432 bộ đội xuất ngũ tìm được việc làm; năm 2024 là 2.536 người. Nhiều quân nhân đã tìm được việc làm ổn định không chỉ ở trong tỉnh mà còn cả trong nước; một số người đã lựa chọn đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, đem lại thu nhập cao cho bản thân và gia đình.
Thu Phong
Cựu chiến binh xuất ngũ trở thành triệu phú ngỗng sư tử
Xuất ngũ, ông Nguyễn Văn May về Bắc Giang, nơi chôn rau cắt rốn của mình để sinh sống và lập nghiệp. Vốn đam mê với nghề nông, khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, gia đình lại có sẵn trang trại rộng tới 2 mẫu tại xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang, ông May hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để làm nông nghiệp.
Nhiều cơ hội việc làm cho bộ đội xuất ngũ
(BGĐT) – Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, các thanh niên đều mong muốn sớm tìm được việc làm phù hợp. Nhằm hỗ trợ quân nhân xuất ngũ, nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động tư vấn, giới thiệu việc làm sát nhu cầu và tình hình thực tiễn.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, Đồng hành, bộ đội xuất ngũ, ý tưởng, lao động xuất khẩu, chính sách, thanh niên, hậu phương quân đội,