BẮC GIANG – Theo dự báo của cơ quan chức năng, vụ đông xuân năm 2023-2024 có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ ở một số khu vực do nắng nóng gay gắt và lượng mưa ít. Với phương châm ưu tiên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, ngành chức năng và các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp.
Nhiều hồ đập thiếu nước
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mực nước hiện tại trên các lưu vực sông đang ở mức trên hoặc đủ để điều hành hồ chứa mùa cạn. Tuy nhiên do hiện tượng El Nino nên nhiều khả năng không có mưa lũ sớm ở miền Bắc và xuất hiện hạn hán ở hầu khắp các tỉnh, TP trong cả nước. Năm nay, ở miền Bắc xuất hiện tình trạng thiếu nước bắt đầu từ tháng 3 trở đi do lượng mưa dự báo chỉ từ 30-60 mm, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-10 mm.
Hồ Khe Đặng, xã Vĩnh An (Sơn Động) thiếu nước nghiêm trọng. |
Ông Phạm Văn Đưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, toàn tỉnh có hơn 1,3 nghìn công trình thủy lợi với 274 hồ chứa, 203 đập dâng, 823 trạm bơm. Tính đến ngày 28/2, dung tích các hồ chứa chỉ đạt khoảng 66% dung tích thiết kế. Phần lớn diện tích lấy nước đổ ải trực tiếp từ các hồ, đập (81%), còn lại lấy từ sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam.
Nhiều năm qua, tỉnh Bắc Giang không xảy ra hạn hán song khảo sát tại nhiều hồ, đập đã xuất hiện tình trạng thiếu nước. Mực nước tại hồ Cây Đa (Lục Nam) hiện ở cao trình +32,55m, tương ứng dung tích hữu ích là 0,81 triệu m3, bằng 33,9% so với thiết kế. Lượng nước hiện có trong hồ chỉ bảo đảm nước tưới cho khoảng 117 ha. Từ nay đến giữa tháng 3 – thời kỳ đổ ải vụ chiêm xuân năm 2024, nếu thời tiết không mưa, hồ sẽ thiếu nước nghiêm trọng, không bảo đảm tưới cho toàn bộ diện tích đất sản xuất lúa và hoa màu 307 ha đã hợp đồng với địa phương.
Tương tự, nhiều hồ chứa khác thời điểm này cũng thiếu nước. Theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bắc Sông Thương, đơn vị đang quản lý 31 hồ chứa, dự báo vụ chiêm xuân năm 2024, nhiều hồ có nguy cơ thiếu nước. Trong đó có 4 hồ thiếu nước nghiêm trọng là: Cây Đa, Ba Bãi, Khe Ráy, Khe Đặng.
Phương châm “4 tại chỗ”
Bám sát diễn biến tình hình thời tiết và dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các văn bản chỉ đạo của tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định những vùng khó khăn, nguy cơ cao thiếu nước từ đó xây dựng phương án cụ thể nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra.
Cán bộ, nhân viên Xí nghiệp KTCTTL Lạng Giang kiểm tra việc cấp nước. |
Theo ông Hoàng Quốc Bảo, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Sông Thương, với các hồ có đủ nguồn nước, đơn vị chỉ đạo các xí nghiệp khai thác phối hợp chặt chẽ với địa phương tổ chức lấy nước theo lịch, nạo vét kênh mương dẫn nước về đồng. Phối hợp dẫn nước từ khu vực có nguồn nước dồi dào tăng cường cho khu vực thiếu nước cục bộ.
Qua rà soát còn khoảng 150 ha cây trồng tại một số thôn thuộc địa bàn các xã Đông Phú, Bảo Sơn (Lục Nam) và Lệ Viễn, Vĩnh An (Sơn Động) có nguy cơ thiếu nước cao, khó đưa nước từ nơi khác tới. Hiện, đơn vị đã thông báo cho địa phương khuyến cáo bà con chủ động chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình canh tác khác không cần nhiều nước tưới, song vẫn cho thu nhập tương ứng.
Để chủ động ứng phó, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, TP, thị xã và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước. Đến nay, các huyện, TP, thị xã đang tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí. Trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, phải ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc, gia cầm và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết: “Huyện đang tổ chức rà soát tổng thể phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2024 để kịp thời xây dựng kịch bản ứng phó. Chủ động có biện pháp điều chỉnh, bổ sung vật tư, nhân lực đáp ứng yêu cầu của từng vùng, khu vực”.
Ở các địa phương khác cũng đang tập trung chỉ đạo các đơn vị khai thác, vận hành, quản lý, sử dụng thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4); có kế hoạch điều tiết nước hợp lý, kịp thời điều chỉnh khi nguồn bị thiếu hụt. Tổ chức nạo vét các cửa lấy nước, duy tu, sửa chữa, nâng cấp quy mô, năng lực vận hành của hệ thống kênh mương nội đồng. Chuẩn bị sẵn sàng các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí.
Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến khích người dân áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn. Chỉ đạo phòng nông nghiệp và PTNT các huyện, thị xã, TP, các công ty KTCTTL bố trí nhân lực thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và kế hoạch điều tiết nước tại các hồ thủy lợi. Qua đó, kịp thời điều chỉnh phương án, bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Sở đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm dành kinh phí thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước.
Được biết, trước thực tế chất lượng một số công trình hồ, đập, kênh mương xuống cấp, nhiều địa phương như: Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam đã bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa, bảo đảm các công trình sử dụng hiệu quả, hạn chế thất thoát nước. Mới đây, từ nguồn ngân sách tỉnh phân bổ, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với đơn vị thi công tổ chức cải tạo, nâng cấp một số hạng mục công trình thủy lợi, đáp ứng yêu cầu tích trữ nước phục vụ sản xuất.
Bài, ảnh: Hải Vân
Phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt
BẮC GIANG – Theo dự báo của cơ quan chức năng T.Ư, hiện tượng El Nino sẽ xuất hiện trong nửa đầu năm 2024, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ ở một số nơi do nắng nóng gay gắt. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trong năm 2024.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, Chống hạn từ sớm, giảm thiểu thiệt hại, hạn hán, thiếu nước cục bộ, sản xuất nông nghiệp