BẮC GIANG – Dịp đầu năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh diễn ra hàng trăm lễ hội kéo theo nhu cầu mua sắm, ăn uống tăng mạnh. Để bình ổn thị trường, tạo ấn tượng tốt cho du khách, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát chất lượng, giá dịch vụ, hàng hóa, góp phần để các lễ hội vui tươi, an toàn.
Tự ý tăng giá vé gửi xe
Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 11/4/2017 của UBND tỉnh Bắc Giang về giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn, giá dịch vụ trông giữ xe ban ngày (đồng/xe/lượt) đối với xe đạp, xe đạp điện là 2 nghìn đồng; xe mô tô 4 nghìn đồng; xe ô tô dưới 12 chỗ ngồi là 15 nghìn đồng; xe ô tô 12 chỗ ngồi trở lên là 20 nghìn đồng. Nếu gửi qua đêm, phí cao hơn 1-5 nghìn đồng/xe. Tuy nhiên, qua khảo sát tại nhiều địa phương diễn ra các lễ hội có dịch vụ này cho thấy, nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đúng quy định.
Vé trông giữ xe tại chùa Bổ Đà do Công ty TNHH An ninh Việt tự phát hành. |
Tại lễ hội mở cửa rừng xã Hương Sơn (Lạng Giang) từ ngày 19 đến 21/2 vừa qua, UBND xã Hương Sơn đã thông báo rộng rãi quy định của UBND tỉnh về giá vé gửi xe từ nhiều ngày trước khi khai hội; yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chấp hành nghiêm. Cùng đó, chỉ đạo lực lượng công an, quân sự, đoàn thanh niên xã và ban lãnh đạo thôn Việt Hương (nơi diễn ra lễ hội) thường xuyên kiểm tra việc thu giá dịch vụ trông giữ xe, cam kết không thu lợi bất chính. Thế nhưng, hàng chục hộ dân làm dịch vụ trông giữ xe tại đây vẫn thu phí cao hơn quy định. Cụ thể, phí gửi xe mô tô 10 nghìn đồng/lượt; xe ô tô 30 nghìn đồng/lượt.
Các hộ làm vé xe thủ công, không có dấu, chỉ viết một liên; một số hộ không đưa vé cho người gửi phương tiện. Thậm chí có trường hợp tranh giành địa điểm và khách gửi xe. Ông Vũ Văn Báo, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn thông tin, ngay khi nắm sự việc, chính quyền địa phương đã kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu các hộ làm đúng cam kết. Song vì lực lượng mỏng, bảo đảm tổ chức nhiều phần việc tại lễ hội; lượng du khách đến lễ chùa, vãn cảnh đông nên địa phương gặp khó khăn trong kiểm soát.
Trong tháng 2, tại một số nơi diễn ra lễ hội như: Chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn (thị xã Việt Yên); chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng); hội đình làng Vòng, xã Song Vân (Tân Yên)… cũng diễn ra tình trạng tương tự. Phí gửi xe các nơi này đều cao hơn từ 5 – 15 nghìn đồng/xe (tùy loại).
Một du khách đi chùa Vĩnh Nghiêm chia sẻ: “Đầu năm, gia đình tôi đi chùa để cầu sức khỏe, bình an, mong một năm thuận buồm xuôi gió. Do đó, có chênh lệch vài nghìn tiền gửi xe so với ngày thường cũng không để ý”. Đây cũng là tâm lý của hầu hết khách đi tham quan, dự lễ chùa, lễ hội đầu năm. Lợi dụng điều này, một số cá nhân, tổ chức làm dịch vụ trông giữ xe cố tình tăng giá trái quy định, thu lợi bất chính. Trong khi đó, việc xử lý của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng mới dừng lại ở mức nhắc nhở, yêu cầu các hộ, tổ chức không lạm thu, không tái phạm.
Vẫn bán hàng không đúng quy định
Tại các lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động kinh doanh hàng hóa, nhất là đồ ăn uống, đồ chơi. Trong đó, một số mặt hàng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, nghi là hàng giả, hàng nhái vẫn được bày bán. Điển hình như ở lễ hội mở cửa rừng, xã Hương Sơn, trong các ngày diễn ra sự kiện có hàng trăm hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm phục vụ du khách. Quan sát thấy tại đây có không ít điểm bán đồ ăn và đồ chơi không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt lên sản phẩm.
Một hộ kinh doanh đồ chơi không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt tại lễ hội mở cửa rừng xã Hương Sơn (Lạng Giang). |
Giữa buổi đang đông khách, một vài chủ sạp hàng lại vội vàng thu gom các món hàng trên vào túi ni lông và thùng carton để vào nơi khuất tầm nhìn. Chủ một sạp hàng giải thích “thấy bảo có cán bộ thị trường sắp đến kiểm tra”. Chờ hồi lâu không thấy lực lượng chức năng, những người này mới bỏ hàng ra bán tiếp(?!). Ở hội đình làng Vòng, xã Song Vân (Tân Yên) cũng có gần 20 sạp hàng bán đồ chơi trẻ em, phần lớn có giá dưới 100 nghìn đồng/sản phẩm và không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Khách hàng chủ yếu là học sinh, chưa biết phân biệt và chưa có nhận thức rõ rệt về hàng thật, hàng giả, hàng nhập lậu.
Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, tại các lễ hội năm nay (chủ yếu ở quy mô cấp xã) vẫn có tình trạng kinh doanh, bày bán đồ chơi, đồ ăn không có nhãn phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng số lượng đã giảm so với những năm trước. Tuy nhiên, do lượng hàng hóa được bày bán, kinh doanh nhỏ lẻ, tổng giá trị không lớn nên lực lượng chức năng chủ yếu kiểm tra tuyên truyền, nhắc nhở chứ chưa xử lý trường hợp vi phạm nào.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Để ổn định thị trường mùa lễ hội, nhiều đơn vị, địa phương đã có cách làm hay. Đơn cử như UBND xã An Hà (Lạng Giang) giao Đoàn Thanh niên xã quản lý điểm trông giữ xe miễn phí cho người dân tại lễ hội đình chùa Hà. Tại lễ hội Tây Yên Tử (Sơn Động), Công ty cổ phần Dịch vụ Tây Yên Tử bố trí các điểm gửi xe rộng rãi có nhân viên trông giữ 24/24 và thu vé đúng quy định… Cùng đó, lực lượng QLTT đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh niêm yết giá phù hợp.
Từ nay đến hết tháng Ba Âm lịch, trên địa bàn tỉnh còn hàng trăm lễ hội. Để tạo ấn tượng tốt, bảo đảm an toàn, quyền lợi cho du khách về dự, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bình ổn giá các dịch vụ; kiên quyết lập biên bản xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. |
Ông Nguyễn Trọng Trưởng, Đội trưởng Đội QLTT số 5 cho biết: “Đơn vị phụ trách địa bàn hai huyện Lục Ngạn và Sơn Động. Dịp đầu năm, tại đây diễn ra lễ hội hát Sloong hao và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch. Chúng tôi chia lực lượng thành hai tổ để kiểm tra, kiểm soát thị trường; phân công cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về thu phí trong cung cấp các dịch vụ, hàng hóa. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều hộ kinh doanh niêm yết đầy đủ giá các mặt hàng; tạo sự minh bạch, thuận tiện cho du khách”.
Từ nay đến hết tháng Ba âm lịch, trên địa bàn tỉnh còn hàng trăm lễ hội. Để bảo đảm an toàn, quyền lợi cho du khách về dự, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bình ổn giá các dịch vụ; kiên quyết lập biên bản xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, chính quyền các nơi có lễ hội quan tâm bố trí các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương; vận động, khuyến khích du khách hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua đó, góp phần quảng bá sản phẩm vùng miền, hạn chế hàng hóa kém chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Thành Nguyên
Những lễ hội mùa xuân đặc sắc ở Bắc Giang
BẮC GIANG – Phần lớn trong số hơn 500 lễ hội lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh được tổ chức vào mùa xuân gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam. Được gìn giữ qua bao đời, các lễ hội ngày càng tỏa sáng các giá trị đặc sắc, tiêu biểu, làm giàu có thêm bản sắc văn hóa, tô thắm truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại lễ hội
BẮC GIANG – Sau Tết Nguyên đán, tại các địa phương trong tỉnh diễn ra nhiều lễ hội, hoạt động kinh doanh ăn uống cũng vì thế trở nên sôi động hơn. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), cơ quan chuyên môn của tỉnh, các huyện, thị xã, TP đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Một số hình ảnh lễ hội mở cửa rừng tại xã Hương Sơn
BẮC GIANG – Ngày 20/2, tại đền Cổ Ngựa và đền Chúa Then, thôn Việt Hương, xã Hương Sơn (Lạng Giang), UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang) tổ chức khai mạc lễ hội mở cửa rừng. Lễ hội mở cửa rừng là dịp để nhân dân gặp gỡ, giao lưu, cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, mùa màng bội thu, thể hiện ước nguyện, khát vọng về cuộc sống ấm no, sung túc về vật chất, tinh thần.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, Siết chặt quản lý hàng hóa, dịch vụ, lễ hội, bình ổn thị trường, giá vé gửi xe, tạo ấn tượng tốt, du khách, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng