BẮC GIANG – Gần đây, cùng với các hoạt động thu hút, thúc đẩy đầu tư, tỉnh Bắc Giang quan tâm phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề.
Nâng chuẩn tay nghề
Thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bắc Giang tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, hiện đại, chú trọng quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo, quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đào tạo một số ngành, nghề đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới. Đây là cơ hội để học sinh, sinh viên trường nghề bắt kịp xu hướng, đáp ứng tốt yêu cầu thị trường lao động thế giới.
Giờ học thực hành về kỹ thuật điện tử của thầy và trò Trường Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang. |
Hiện nay, Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang liên kết với 5 trường đại học, cao đẳng và hơn 40 doanh nghiệp (DN) nước ngoài thực hiện đào tạo nghề theo tiêu chuẩn khu vực Đông Nam Á, châu Á và quốc tế. Tháng 1/ 2024, nhà trường phối hợp với Học viện Kỹ thuật cơ điện Quảng Tây (Trung Quốc) triển khai chương trình liên kết đào tạo tại Trung Quốc, hỗ trợ học bổng cho sinh viên xuất sắc; giao lưu, trao đổi giảng viên giữa hai nhà trường về việc tham gia giảng dạy các chuyên đề chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực điện, tự động hóa.
Năm 2024, Học viện Kỹ thuật cơ điện Quảng Tây dự kiến đưa 50 sinh viên của Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang sang đào tạo. Mới đây, 30 sinh viên của nhà trường vừa hoàn thành khóa đào tạo thực hành nâng cao về điện tử trong 5 tháng (từ tháng 9/2023 đến 1/2024) tại Công ty Foxconn Interconect Technology (Trung Quốc). Hằng năm, Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang đều có sinh viên được nhận học bổng của Tổ chức hỗ trợ đại học thế giới Cộng hòa liên bang Đức. Từ các chương trình hợp tác quốc tế, trình độ tay nghề của học sinh, sinh viên được nâng lên. Hằng năm, nhà trường có từ 7-8% học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp làm việc tại nước ngoài.
Nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chương trình đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế. Trường Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang đào tạo 5 nghề theo chuẩn khu vực ASEAN là: Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại, Công nghệ thông tin, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp.
Ông Nguyễn Công Thông, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đây là những ngành nghề trọng điểm, các DN có nhu cầu tuyển dụng lớn. Trong quá trình đào tạo, nhà trường chú trọng tăng thời gian thực hành, ưu tiên đầu tư trang thiết bị hiện đại và đưa học sinh, sinh viên, giáo viên về thực tập tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài”. Để tăng cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên, nhà trường ký thỏa thuận hợp tác đào tạo với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam từ năm 2013. Cơ quan này đã hỗ trợ nhà trường 10 triệu USD để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy 5 nghề nói trên. Năm 2023, KOICA tiếp tục hỗ trợ nhà trường hơn 628 nghìn USD để lắp đặt trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, vận hành an toàn phục vụ dạy và học.
Các chương trình thực tập quốc tế, trao đổi học thuật thường xuyên được tổ chức để học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận với khoa học, kỹ thuật hiện đại, có sự tham gia đào tạo trực tiếp của chuyên gia nước ngoài, được trải nghiệm thực tế tại nhiều DN lớn nhằm nâng chuẩn tay nghề.
Tạo cơ hội việc làm
Toàn tỉnh hiện có 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trung bình mỗi năm, các cơ sở này tuyển sinh và tổ chức đào tạo cho khoảng 29 nghìn người. Nhờ vậy, số lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh tăng nhanh (đạt hơn 74%). Năm 2023, tỉnh Bắc Giang có 2,2 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các chương trình hợp tác quốc tế đã tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên trường nghề theo học các khóa liên kết đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại nước ngoài.
Toàn tỉnh hiện có 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trung bình mỗi năm, các cơ sở này tuyển sinh và tổ chức đào tạo cho khoảng 29 nghìn người. Nhờ vậy, số lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh tăng nhanh (đạt hơn 74%). |
Những học sinh, sinh viên không xuất khẩu lao động cũng có nhiều cơ hội tìm việc làm có thu nhập cao tại các DN trong nước. Bởi chương trình đào tạo hợp tác quốc tế góp phần nâng chuẩn tay nghề, giúp các em đủ điều kiện làm việc ở thị trường khắt khe, là nguồn nhân lực chất lượng mà nhiều DN mong đợi.
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thực hiện chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giáo viên có trình độ, thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề mới. Nhiều ngành nghề mới liên quan đến công nghệ, bán dẫn, vi mạch, điện tử, tự động hóa được các trường triển khai đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN.
Một số nghề như: Hàn, điện, điện tử đã đào tạo đạt chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu lao động. Sinh viên học nghề có nhiều cơ hội được tiếp cận với trình độ cao hơn, phù hợp với yêu cầu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng như mở ra cơ hội nghề nghiệp trong môi trường quốc tế.
Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 35%. Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới phương thức đào tạo, tiếp thu tính ưu việt tại các mô hình dạy nghề hiện đại của các nước để phát triển dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế để hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý dạy nghề, hoạch định, xây dựng chính sách dạy nghề, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Các trường chú trọng cập nhật công nghệ kỹ thuật mới đưa vào chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng dạy nghề, phù hợp với xu thế tuyển dụng. Trong đó yêu cầu giáo viên chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là ngoại ngữ, tin học. Đẩy mạnh hợp tác với các DN có vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại các dây chuyền sản xuất.
Bài, ảnh: Minh Thu
Đổi mới giáo dục nghề nghiệp, nâng chất lượng nguồn nhân lực
BẮC GIANG – Linh hoạt phương thức đào tạo, nâng chất lượng nguồn nhân lực để tăng cơ hội việc làm cho người học là mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Nhờ đó, chất lượng lao động qua đào tạo từng bước nâng lên, đáp ứng thị trường lao động, nhất là các khu, cụm công nghiệp.
Phân luồng học sinh THPT qua định hướng nghề nghiệp và tour trải nghiệm việc làm
BẮC GIANG- Năm 2021, nhóm tác giả: Hán Thị Hương Giang, Vũ Đình Hợp, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang đã có ý tưởng định hướng nghề nghiệp và tổ chức tour trải nghiệm việc làm. Thời gian qua, ý tưởng này đã chứng minh được hiệu quả, giúp hàng nghìn học sinh hiểu về năng lực, sở trường của bản thân cũng như nhu cầu thị trường lao động. Từ đó các em có căn cứ chọn ngành, chọn nghề sát với thực tiễn.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Mở rộng, hợp tác quốc tế, giáo dục nghề nghiệp, phê duyệt, chiến lược, phát triển giáo dục nghề nghiệp