BẮC GIANG – Thời gian qua, các nhà mạng Vinaphone (VNPT), Viettel, FPT tại Bắc Giang tích cực phối hợp với địa phương đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông, xóa vùng “lõm sóng” trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Qua đó, giúp người dân nhiều thôn, bản tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đổi thay nhờ có “sóng”
Tháng 10/2023, gia đình anh Ngô Văn Huỳnh, hộ cận nghèo ở thôn Thanh Trà, xã Lệ Viễn (Sơn Động) được sử dụng Internet miễn phí do VNPT chi nhánh huyện Sơn Động hỗ trợ đường truyền. Nhờ có “sóng” Internet, lúc rảnh rỗi anh có thể xem ti vi, “lướt” facebook, zalo trên điện thoại thông minh nắm bắt thông tin thời sự trong tỉnh, trong nước và thế giới, đặc biệt là học hỏi được kỹ thuật chăm sóc cây trồng, phòng dịch cho vật nuôi hiệu quả. Anh Huỳnh phấn khởi cho biết: “Đợt rét đậm, rét hại vừa qua, toàn bộ cây trồng, vật nuôi của gia đình tôi không bị chết là do nắm được thông tin dự báo thời tiết qua ti vi sớm, chủ động có biện pháp che chắn gió, thắp đèn sưởi bảo vệ an toàn cho đàn lợn, gà”.
Cán bộ Trung tâm Viễn thông huyện Sơn Động kiểm tra chất lượng đường truyền Internet cho người dân thôn Thanh Trà, xã Lệ Viễn. |
Trước đó, qua rà soát, đối chiếu với bộ tiêu chí giảm nghèo đa chiều, gia đình anh Huỳnh và một số hộ nghèo, cận nghèo chưa có thiết bị kết nối thông tin. Để giúp các hộ thoát nghèo, nâng cao đời sống, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với VNPT chi nhánh Sơn Động lắp đặt cột, kéo đường dây cáp quang cung cấp dịch vụ Internet miễn phí đến từng gia đình. Thôn Thanh Trà có gần 200 hộ thì hiện 99% số hộ được sử dụng mạng Internet.
Được biết, trong năm 2023, các doanh nghiệp (DN) viễn thông tại Bắc Giang đã phát triển mới hơn 37,2 nghìn thuê bao Internet cáp quang, nâng tổng số thuê bao toàn tỉnh đến nay lên hơn 368 nghìn, tăng gần 21 nghìn so với năm 2022. Mấy tháng qua, bà con các thôn: Nà Hin, Nà Vàng, xã Vân Sơn; Khe Bán, xã Dương Hưu (Sơn Động) hay Suối Chạc, xã Phong Vân; Đồng Mậm, xã Sơn Hải; Khuôn Kén, xã Tân Sơn (Lục Ngạn) rất phấn khởi vì địa bàn đã có sóng viễn thông, tạo thuận lợi cho việc liên lạc, cập nhật thông tin thời sự, kiến thức khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất, kinh doanh cho hiệu quả cao…
Ông Nông Văn Thư, người có uy tín tại thôn Suối Chạc cho biết: “Thôn có 99 hộ với gần 500 nhân khẩu, 100% là dân tộc Tày. Từ ngày có sóng wifi, chúng tôi thường mở ti vi xem các chương trình hướng dẫn trồng rừng, chăn nuôi để bà con cùng học tập kinh nghiệm, áp dụng vào sản xuất hiệu quả. Giờ nhiều hộ trong thôn đã có thu nhập từ 50 đến hơn 150 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gia súc như trâu, bò, ngựa”.
Ưu tiên đầu tư hạ tầng vùng sâu, vùng xa
Bắc Giang có 73 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi với hơn 257 nghìn người, tập trung chủ yếu tại các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế. Đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực đã góp phần giúp người dân trang bị kiến thức phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần. Năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo bình quân tại 28 xã đặc biệt khó khăn là 4,6%, giảm hơn 0,5% so với năm 2022.
Năm 2024, các DN viễn thông phấn đấu lắp đặt mới 48,7 nghìn thuê bao Internet cáp quang đến các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng cáp quang đạt 88%. |
Tuy nhiên, theo Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh vẫn còn 14 thôn, bản chưa có hạ tầng của nhà mạng VNPT; 33 thôn, bản chưa có hạ tầng Internet cáp quang băng rộng cố định của nhà mạng Viettel. Tại huyện Sơn Động chưa có hạ tầng Internet FPT. Tỷ lệ bao phủ đường truyền Internet đến hộ gia đình toàn tỉnh đạt 85%. Như vậy, vẫn còn 15% số hộ, chủ yếu là người DTTS ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn chưa tiếp cận được với thông tin.
Nguyên nhân là do các thôn, bản này có vị trí xa trung tâm, việc đầu tư, lắp đặt hạ tầng cáp quang băng rộng cố định cần kinh phí lớn. Thêm nữa, ở một vài nơi nhận thức của một số người dân còn hạn chế, chưa đồng thuận cho nhà mạng lắp đặt trạm thu, phát sóng (trạm BTS). Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ bao phủ mạng viễn thông trong vùng cũng như mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển KT – XH toàn tỉnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực này còn cao.
Nghị quyết số 111- NQ/TU ngày 11/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 xác định: Đến năm 2025 bảo đảm hạ tầng đường truyền băng rộng cáp quang bao phủ đến 100% hộ gia đình, đơn vị hành chính cấp xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Bám sát chủ trương trên, các nhà mạng tại Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch ưu tiên đầu tư hạ tầng viễn thông cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó phấn đấu năm 2024 phát triển mới 48,7 nghìn thuê bao, nâng tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng đạt 88%.
Đại diện VNPT Bắc Giang cho biết, đơn vị đã có kế hoạch bổ sung hơn 1 nghìn km cáp quang để mở rộng hạ tầng phát triển thuê bao; tối ưu hóa dung lượng phát sóng cho khách hàng khu vực vùng sâu, vùng xa. Viettel Bắc Giang đẩy mạnh phát sóng các trạm BTS. FPT duy trì và mở rộng mạng lưới hạ tầng, mang đến cho khách hàng những sản phẩm dịch vụ mới phù hợp với xu thế phát triển.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, theo ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, các DN viễn thông tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích giúp người dân thay đổi nhận thức, đồng thuận cho triển khai lắp đặt các trạm thu, phát sóng. Ở những nơi địa hình phức tạp, các nhà mạng có thể khắc phục bằng cách sử dụng chung hạ tầng trên nền tảng sẵn có. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình viễn thông công ích hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, tạo cơ hội cho người dân tăng cơ hội học tập, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, phát triển kinh tế, tiến tới giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Hải Vân
Đô thị phong quang nhờ ngầm hóa đường điện, cáp viễn thông
BẮC GIANG – Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 06) yêu cầu thực hiện ngầm hóa toàn bộ các đường dây, cáp dịch vụ công cộng tại đô thị. Hiện thực hóa mục tiêu này, các ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN) trong tỉnh tích cực vào cuộc.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, bắc giang, truyền Internet, điện thoại di động, hạ tầng phát triển thuê bao, tối ưu hóa dung lượng phát sóng, khoa học kỹ thuật, dân tộc thiểu số