BẮC GIANG – Thực hiện quy định mới của Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ, các cơ sở trong tỉnh đã trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị, tích cực ứng dụng công nghệ nhằm giám sát chặt chẽ quá trình học và thi của học viên. Chất lượng đào tạo, sát hạch được nâng lên, bảo đảm học viên được học đủ, thi thật.
Theo Sở GTVT, toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở đào tạo, 2 trung tâm sát hạch lái xe ô tô thuộc địa bàn TP Bắc Giang và các huyện: Lục Nam, Lạng Giang, Hiệp Hòa. Theo Thông tư số 04 ngày 22/4/2022 của Bộ GTVT, từ giữa năm ngoái đến nay, các phần học, thi của học viên nhiều hơn, khó hơn so với trước.
Cụ thể, học viên phải học 5 phần: Lý thuyết, mô phỏng, ca bin điện tử, thực hành, bài thi lái xe trên đường trường. Khi sát hạch, học viên trải qua 4 phần: Lý thuyết, mô phỏng, thực hành, thi lái xe trên đường trường (trước đây không có phần thi mô phỏng).
Học viên Trường Trung cấp nghề GTVT Bắc Giang học trên cabin điện tử. |
Quá trình học của học viên được giám sát ngày càng chặt chẽ. Ngoài giám sát việc học lý thuyết, thực hành thông qua thiết bị điểm danh bằng vân tay, các cơ sở đào tạo phải tổ chức dạy đủ số giờ theo quy định. Đồng thời lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát quãng đường và thời gian thực hành lái xe trên đường giao thông công cộng trong tất cả các xe để truyền dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, theo dõi. Thiết bị này cập nhật đầy đủ thời gian, cứ 5 phút hình ảnh của học viên được chụp tự động một lần… Đối với đào tạo hạng B1 tự động, học viên đi trên đường đủ 710 km; hạng B1 số sàn và B2 đi 810 km; hạng C đi 825 km. Đối với phần học mô phỏng, học viên học đủ 4 tiết với 120 video mô tả các tình huống trong thực tế; phần học cabin điện tử học đủ 3 giờ.
Đáp ứng yêu cầu, các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe đều nâng cấp các phòng máy, lắp đặt thiết bị giám sát quãng đường và thời gian học thực hành lái xe trên đường để truyền dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Ánh Minh (Lạng Giang) đã dành hơn 1 tỷ đồng lắp đặt thiết bị giám sát quãng đường và thời gian học thực hành lái xe trên đường giao thông. Nhờ vậy, tất cả học viên đều học đủ số giờ quy định. Đơn vị còn cài đặt thiết bị phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông đưa vào dạy cho học viên để thi sát hạch kể từ ngày 1/6/2022. Đồng thời trang bị một số cabin điện tử phục vụ giảng dạy.
Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, khâu sát hạch cũng được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ hơn. Đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) thông tin, đến nay, các trung tâm sát hạch trong tỉnh đều đã đầu tư lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động trên sân và trên xe. Trên mỗi ô tô có camera, thiết bị lưu trữ hình ảnh, âm thanh kết nối với các màn hình theo dõi để công khai quá trình và kết quả sát hạch lái xe. Các xe thi thực hành trong sa hình và ngoài đường trường đều được gắn camera và thiết bị giám sát.
Theo Sở GTVT, 9 tháng qua, toàn tỉnh có gần 15,8 nghìn thí sinh dự thi các kỳ sát hạch, tỷ lệ được cấp GPLX đạt bình quân hơn 63%, thấp hơn so với những năm trước đây 10-15%. |
Đặc biệt, trước khi tham gia sát hạch, Sở GTVT chỉ đạo phòng chuyên môn kiểm tra đầy đủ hồ sơ của học viên, số giờ học thực hành, lý thuyết, đủ điều kiện mới được sát hạch. Sở tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các kỳ thi, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh vi phạm của các trung tâm, hội đồng sát hạch. Với cách làm đó, tỷ lệ học viên được cấp GPLX ngày càng thực chất hơn. 9 tháng qua, toàn tỉnh có gần 15,8 nghìn thí sinh dự thi các kỳ sát hạch, tỷ lệ được cấp GPLX đạt bình quân hơn 63%, thấp hơn so với những năm trước đây 10-15%.
Lý giải về tình trạng học viên được cấp GPLX đạt thấp, đại diện lãnh đạo các cơ sở đào tạo đều cho rằng do từ năm ngoái đến nay, học viên phải thi thêm phần thi mô phỏng, đây là phần thi khó, đòi hỏi thí sinh phải có phản ứng nhanh, sử dụng công nghệ thành thạo. Thêm vào đó, ở các phần thi đều ứng dụng công nghệ giám sát, chấm điểm tự động nên học viên phải học đúng thực chất mới có thể đạt yêu cầu.
Mục đích của phần mô phỏng là để người học nhận biết các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông thường gặp và những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn. Tuy nhiên, ông Ngô Văn H (Lạng Giang) – học viên trượt 3 lần ở phần thi mô phỏng – cho rằng, đối với phần học và thi mô phỏng có nhiều tình huống không sát với thực tế. Nhiều tình huống đưa ra trong phần mềm có điểm chuẩn vô lý, thậm chí không đúng với phản xạ thực tế của người lái xe trên đường. Điều này dẫn tới tình trạng người học ghi nhớ như học thuộc bài chứ chưa thể xử lý theo đúng phản xạ thực tế. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, khi thi trên phần mềm mô phỏng có cảm giác giống một trò chơi game thử thách hơn là những tình huống thực tế được trải nghiệm trên đường. Nguyên nhân vẫn là do các tình huống thi đều khác với đời sống.
Để có thể vượt qua phần sát hạch mô phỏng, nhiều giáo viên dạy lái xe cho biết, học viên cần sử dụng thành thạo máy vi tính, luyện tập nhiều lần các tình huống để bấm chọn cách thức xử lý chính xác. Ông Phạm Văn Bích, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề GTVT Bắc Giang cho biết: “Nhằm giúp học viên vững vàng tay lái và nắm chắc pháp luật về giao thông, ngoài dạy đủ số tiết, số giờ theo quy định, Trường còn bố trí phòng máy tính, cử giáo viên hỗ trợ học viên học ngoài giờ để thực hành phần mô phỏng. Bởi đây là phần thi mới và khó với nhiều tình huống giao thông phức tạp như: Đi đường có đèo dốc, quanh co, lái xe trên cao tốc trong điều kiện sương mù…”
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe ô tô, Sở GTVT đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị đào tạo tổ chức dạy lý thuyết pháp luật về giao thông, thực hành lái xe theo đúng nội dung, chương trình và thời gian quy định. Trong quá trình dạy nghiêm túc thực hiện việc sử dụng thiết bị nhận dạng để theo dõi, lưu trữ dữ liệu quá trình học, không để học viên không học đủ thời gian tham gia kiểm tra tốt nghiệp khóa học… Các cơ sở sát hạch chú trọng đầu tư cơ sở vật chất; trong khi sát hạch kiểm tra hệ thống camera lắp trong các phòng và trên sân để giám sát toàn bộ quá trình thi. Đơn vị vi phạm trong hoạt động đào tạo, sát hạch sẽ bị xem xét xử lý nghiêm theo quy định.
Bài, ảnh: Minh Linh
Tăng phí sát hạch lái xe từ 1/8/2023
Ngày 7/6/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/2023/TT-BTC thay thế Thông tư số 188/2016/TT-BTC ngày 8/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên các phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng.
Bắc Giang: Siết chặt hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe ô tô
(BGĐT) – Với mục tiêu góp phần bảo đảm an toàn giao thông, thời gian gần đây, Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Bắc Giang tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các cơ sở đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học. Theo đó, các đơn vị tập trung trang bị đủ phương tiện, đổi mới một số nội dung đào tạo, đáp ứng yêu cầu học đủ chương trình, số giờ trước khi sát hạch.
Phí sát hạch lái xe từ ngày 1/8/2023 áp dụng mức bao nhiêu?
Từ ngày 1/8/2023, phí sát hạch lái xe sẽ áp dụng theo quy định mới tại Thông tư số 37 ngày 7/6/2023 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng. Theo đó, phí sát hạch lái xe của hầu hết các loại xe máy, ô-tô đều tăng từ 10.000-50.000 đồng.
Đổi mới, siết chặt quản lý trong đào tạo, sát hạch lái xe
Ngày 15/5, Cục đường bộ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 05/CT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về đổi mới, tăng cường quản lý, phòng chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
tin tức bắc giang, bắc giang, đào tạo, sát hạch lái xe ô tô, theo quy định mới, chặt chẽ, sát hạch, kiểm tra, lý thuyết, mô phỏng, thực hành, thi lái xe trên đường trường, kết quả sát hạch lái xe