BẮC GIANG – Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo về những chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, song do thiếu cảnh giác, nhiều người dân vẫn bị “sập bẫy”.
Đầu tháng 1/2024, chị Lê Thị Bích T (SN 1978), trú tại phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) nhận được cuộc điện thoại của người lạ tự xưng là giáo viên chủ nhiệm, thông báo con trai chị vừa bị tai nạn giao thông; hiện đang chuyển đến bệnh viện. Đối tượng này đã nói chính xác họ tên, ngày tháng năm sinh, khoa, trường đại học mà con trai chị đang theo học.
Chị Lê Thị Bích T xem lại cảnh báo của cơ quan chức năng về các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. |
Trong lúc chị T chưa hết bàng hoàng thì nhận được cuộc điện thoại thứ hai, tự xưng là lãnh đạo Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, tính mạng con trai chị đang bị đe dọa nếu không được nhập viện mổ, điều trị ngay. Trong khoảng thời gian này, chị T liên tục nhận được cuộc điện thoại của các đối tượng, lúc thì giọng nam, khi giọng nữ xưng là nhân viên bệnh viện, giáo viên nhà trường thúc giục chị chuyển tiền qua tài khoản do đối tượng cung cấp để con chị được mổ cấp cứu. Quá lo lắng, chị T không kịp kiểm chứng thông tin, liền chuyển 15 triệu đồng vào tài khoản của chúng. Sau khi chuyển tiền lần một, các đối tượng lừa đảo yêu cầu chị chuyển thêm 10 triệu đồng mới đủ chi phí cho ca mổ.
Trấn tĩnh lại, chị T điện cho con trai thì được biết không bị tai nạn. Chị T hối hận tâm sự: “Trước đây, tôi có thấy trên tivi cảnh báo về những trò lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản, nhưng không để ý. Vì thế, khi gặp các đối tượng lừa đảo, tôi mất cảnh giác tin theo”.
Trước đó, vào tháng 12/2023, anh Phạm Trung D (SN 2001), đang là công nhân của một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên) có nhu cầu vay tiền mua xe máy. Anh D vào mạng xã hội thấy một “công ty” tài chính giới thiệu dịch vụ vay tiền nhanh chóng, không cần thẩm định hồ sơ, không cần chứng minh thu nhập, có thể vay số tiền lớn. Theo đó, anh tải ứng dụng (app) có tên là Home Credit.
Tại đây, anh điền thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng để vay 20 triệu đồng. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, anh nhận được thông báo bị lỗi do điền sai thông tin. Để giải ngân khoản vay này, anh phải chuyển 20 triệu đồng vào tài khoản của “công ty”, số tiền này sẽ được hoàn trả khi giải ngân vốn vay. Nghĩ lỗi do mình nhập sai dữ liệu, anh D đã chuyển 20 triệu đồng vào tài khoản mà “công ty” thông báo. Tuy nhiên, sau khi điền lại thông tin cá nhân vào hồ sơ vay, anh D lại nhận được thông báo nộp thêm tiền. Anh D nghi ngờ kiểm tra lại thì phát hiện đây là ứng dụng giả mạo của thương hiệu Home Credit.
Thông báo của một ứng dụng giả mạo Home Credit được gửi đến anh Phạm Trung D. |
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, như giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án đang điều tra vụ án hình sự liên quan đến bị hại, yêu cầu chuyển tiền cho chúng; hay giả danh bác sĩ, giáo viên để lừa người dân có con em bị tai nạn, cần chuyển tiền gấp để làm thủ tục nhập viện, mổ. Hoặc giả danh những trang web, ứng dụng (app) của các tổ chức tài chính, ngân hàng để lừa đảo người có nhu cầu vay tiền online rồi tìm cách chiếm đoạt tài sản…
Mặc dù các thủ đoạn trên không mới, đã được cơ quan chức năng nhiều lần tuyên truyền song không ít người dân vẫn bị mắc lừa. Theo thông tin từ Công an tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan chức năng đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo về việc lừa đảo trên không gian mạng với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do nhiều người dân không để ý đến những cảnh báo của cơ quan chức năng; dẫn đến không nắm bắt được những chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, mất cảnh giác tin theo.
Trong khi đó, các đối tượng này lại ngày càng đưa ra những hình thức lừa đảo tinh vi hơn, có những kịch bản công phu. Trung tá Nguyễn Văn Sự, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho rằng: Có những niềm tin mù quáng, không kiểm chứng, nhiều người dân dễ tin theo đối tượng lừa đảo thông qua diện mạo, quần áo hoặc phương tiện đi lại của chúng.
Nhằm phòng, chống việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, trước hết mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin trên các trang Website, Fanpage của cơ quan chức năng, cũng như theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời nắm bắt những thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Từ đó, tự trang bị kiến thức phòng, chống cho bản thân và người thân của mình.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền đến mọi người dân về những thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng bằng nhiều hình thức khác nhau, trực quan hoặc thông qua hội nhóm trên zalo, facebook… Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP hoặc chuyển tiền cho người lạ; không truy cập và tải những ứng dụng lạ về điện thoại, tránh bị đánh cắp thông tin, chiếm quyền điều khiển, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản. Khi thấy có những dấu hiệu nghi ngờ, tuyệt đối không giao dịch tiếp, đồng thời báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam
tin tức bắc giang, bắc giang, Lừa đảo trên không gian mạng, cảnh báo,