BẮC GIANG – Hạ tầng giao thông tại các khu công nghiệp (KCN) đã được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp song do mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, nhất là trong giờ cao điểm nên xuất hiện một số bất cập, nhiều điểm có nguy cơ mất an toàn.
Anh Triệu Tấn Minh (SN 2004) ở tỉnh Lạng Sơn xuống làm việc ở KCN Song Khê – Nội Hoàng. Thuê nhà trọ tại khu vực thị trấn Nếnh (Việt Yên) nên hằng ngày anh đi xe máy trên quãng đường khoảng 4 km từ nơi ở đến doanh nghiệp. Qua trò chuyện, anh Minh chia sẻ: Trên đường đi làm và tan ca về có nhiều tình huống nguy hiểm. Hàng nghìn người, xe máy, ô tô chen nhau trên các tuyến đường nội bộ KCN và đường gom.
Nhiều công nhân, người lao động không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Ảnh chụp tại cầu vượt cao tốc Hà Nội – Bắc Giang đoạn qua KCN Vân Trung (Việt Yên). |
Một số đoạn, xe taxi, người bán hàng dừng đỗ lộn xộn, lấn chiếm lòng đường khiến việc di chuyển càng khó khăn. Khu vực đường gom cao tốc Hà Nội – Bắc Giang nhiều công nhân phải đi qua một vài đoạn xuống cấp, mặt đường vỡ nát, tạo thùng vũng, đọng nước… Không ít vụ va chạm, tai nạn xảy ra nên đi qua đây rất lo lắng.
Trong dịp đối thoại giữa lãnh đạo Công an tỉnh và các doanh nghiệp (DN) vừa qua, đại diện nhiều công ty phản ánh tình trạng bán hàng rong tại các KCN vẫn diễn ra làm mất mỹ quan và ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Nhiều trường hợp xe máy, ô tô phóng nhanh vượt ẩu qua các ngã ba, ngã tư trong KCN, thanh thiếu niên đi xe máy lạng lách, bốc đầu rất dễ xảy ra tai nạn. Giờ đi làm và tan ca có nhiều xe chở công nhân dừng đỗ không đúng nơi quy định, đi vào làn đường gom, hoạt động trong khung giờ cấm gây ùn tắc ở nhiều tuyến đường trong và ven các KCN.
Trao đổi với ông Đặng Hoàng Long, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và xây dựng (Ban Quản lý các KCN tỉnh) được biết, trước tình trạng trên, đầu tháng 8/2023, Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với Sở Giao thông – Vận tải, Công an tỉnh, công an hai huyện Việt Yên, Yên Dũng và các DN đầu tư hạ tầng tổ chức rà soát toàn bộ tình hình. Kết quả cho thấy còn nhiều bất cập về trật tự ATGT, tổ chức giao thông, hạ tầng… đúng như phản ánh.
Trên cơ sở đó, các đơn vị đã thống nhất thực hiện các giải pháp, trong đó chủ đầu tư hạ tầng KCN lập hồ sơ thiết kế, lắp đặt hệ thống biển báo trên những tuyến đường để cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Sở Giao thông – Vận tải hướng dẫn các DN thực hiện đúng trình tự, hồ sơ cần thiết để khẩn trương lắp đặt các loại biển báo giao thông.
Đối với “điểm đen” khu vực nối từ cổng Công ty TNHH Luxshare, KCN Vân Trung (Việt Yên) ra đường gom cao tốc Hà Nội – Bắc Giang hiện trạng nhỏ hẹp, lượng phương tiện và công nhân đông, giao cắt đường dẫn lên cầu vượt qua cao tốc, Ban Quản lý các KCN tỉnh và đơn vị đầu tư hạ tầng KCN sẽ có phương án mở rộng mặt đường.
Sở Giao thông – Vận tải đang phối hợp với các đơn vị, địa phương giải quyết xong điểm bất cập trên quốc lộ 37 đoạn qua KCN Đình Trám bằng cách tháo bớt dải phân cách cứng, mở lối rẽ cho xe mô tô, xe máy thuận tiện rẽ, quay đầu tại vị trí cổng số 1 KCN Đình Trám và lối ra từ tổ dân phố My Điền, thị trấn Nếnh. Giải quyết tình trạng phương tiện tham gia giao thông đi ngược chiều, không chấp hành biển báo hiệu. Bên cạnh đó tiếp tục tháo gỡ, đôn đốc cơ quan quản lý cao tốc Hà Nội – Bắc Giang kiểm tra, sửa chữa, thay thế hệ thống đèn chiếu sáng trên đường gom qua các KCN.
Đặt biển báo “cấm đi ngược chiều” tại lối ra cao tốc đoạn thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu (Việt Yên) để ngăn chặn xe ô tô đi từ đường nội bộ KCN Quang Châu ra, lưu thông ngược chiều để vào cao tốc gây nguy hiểm.Trên quốc lộ 17 đoạn qua xã Tiền Phong (Yên Dũng) có ngã tư giao nhau với đường vào KCN Song Khê – Nội Hoàng từng xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng cũng đang triển khai dự án cải tạo, mở rộng nút giao và lắp đặt biển báo giao nhau với đường không ưu tiên, lắp hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
Về phía lực lượng công an, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an huyện Việt Yên, Công an huyện Yên Dũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán hàng rong và xe đưa đón công nhân, taxi dừng, đỗ sai quy định. Hướng dẫn phương tiện, công nhân và đẩy mạnh tuyên truyền để người tham gia giao thông chấp hành nghiêm quy định pháp luật…
Bài, ảnh: Quốc Phương
Đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối
BẮC GIANG – Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là tăng khả năng liên kết vùng, khu vực, thu hút đầu tư thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mấy năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đầu tư hàng nghìn tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông kết nối thể hiện trên 4 hướng chính: Lạng Sơn; Hải Dương, Quảng Ninh; Bắc Ninh và TP Hà Nội.
Hiệp Hòa: Xây dựng hạ tầng giao thông, mở rộng không gian phát triển
(BGĐT) – Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) nhiệm kỳ 2020-2025 xác định tiếp tục ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông. Thực hiện mục tiêu này, huyện đã triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm, qua đó tạo sự kết nối, mở rộng không gian phát triển.
Bắc Giang: Khắc phục bất cập về hạ tầng giao thông
(BGĐT) – Sau những vụ tai nạn giao thông (TNGT), bên cạnh nguyên nhân ý thức chấp hành của người tham gia giao thông hạn chế còn có lý do hạ tầng giao thông nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu giao thông. Hiện nay, ngành giao thông đang tích cực rà soát những điểm bất hợp lý để có biện pháp giải quyết.
Xây dựng hạ tầng giao thông: Động lực phát triển KT-XH
(BGĐT) – Thực hiện quy hoạch giao thông giai đoạn 2021- 2030, tỉnh Bắc Giang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, kết nối giữa các vùng trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy phát triển KT-XH các địa phương.
tin tức bắc giang, bắc giang, hạ tầng, an toàn giao thông, khu công nghiệp, nguy cơ mất an toàn, xe đưa đón công nhân,giờ cao điểm, đường gom