BẮC GIANG – Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Bắc Giang vinh dự được 5 lần đón Bác Hồ về thăm, trong đó năm 1963, nhân dịp tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh) tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I, Bác đã về dự Đại hội và nói chuyện với nhân dân.
Do yêu cầu mới của cuộc cách mạng và sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc. Ngày 16/10/1963 là ngày khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Bắc và đại biểu khi Người đến dự và nói chuyện tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I tổ chức tại thị xã Bắc Giang ngày 17/10/1963 (ảnh do Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp, được in trong cuốn sách “Bác Hồ với Bắc Giang, Bắc Giang với Bác Hồ” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang xuất bản năm 2013). |
Ngày 17/10/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thăm nhân dân trong tỉnh, dự và chỉ đạo Đại hội. Những tin vui đó làm nức lòng hơn 1 triệu người dân từ miền ngược đến miền xuôi. Đây là một vinh dự to lớn của nhân dân và của Đảng bộ tỉnh, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Bắc – một tỉnh mới được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại Đại hội và có cuộc nói chuyện với nhân dân tại sân vận động thị xã Bắc Giang.
Thị xã Bắc Giang, suốt đêm 16/10/1963 hầu như không ngủ. Sáng sớm 17/10, nhân dân thị xã đã tập hợp ở các ngả đường, xếp thành hàng ngũ chỉnh tề đi về sân vận động. Đoàn người từ Lạng Giang xuống, Yên Dũng sang, thị xã Bắc Ninh đổ về…, ai cũng muốn được nhìn thấy Bác.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tỉnh ta có một vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và quân sự. Đồng thời tỉnh ta có hơn 1 triệu dân. Có 153.000 mẫu tây ruộng. Có nhiều của cải thiên nhiên như gỗ, mỏ than, mỏ đồng… Đồng bào tỉnh ta lao động cần cù và có truyền thống anh dũng trong những năm cách mạng và kháng chiến. Thế là Hà Bắc người đông, đất rộng, của nhiều có điều kiện để trở thành một tỉnh giàu mạnh”(1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Đoàn kết nhất trí: Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công. Đảng ta là một đảng cách mạng theo chủ nghĩa Mác – Lênin. Tất cả cán bộ và đảng viên phải đặt quyền lợi của Đảng, của giai cấp và của nhân dân lên trên hết, cao hơn hết. Đảng ta là một đảng lãnh đạo. Tất cả các cán bộ và đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, cũng phải đoàn kết nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho. Muốn thực sự đoàn kết phải có dân chủ thực sự trong Đảng. Phải thường xuyên nghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, để cùng nhau tiến bộ. Làm cách mạng thì có đúng, có sai. Cố nhiên đúng phải là chính, sai là phụ. Có sai thì chúng ta giúp nhau kiên quyết sửa chữa và cùng nhau hăng hái tiến lên. Giữa đảng viên và cán bộ với nhau, phải kiên quyết bỏ hết thành kiến. Thành kiến là một thói hư tật xấu, có hại. Do thành kiến mà sinh ra dè dặt với nhau, đối phó với nhau, kèn cựa lẫn nhau. Nó làm cho trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, nó làm cho công tác bị tê liệt, hư hỏng. Ngày nay hai tỉnh mới nhập thành một. Đảng viên và cán bộ hai tỉnh cũng phải tuyệt đối tránh địa phương chủ nghĩa. Không nên nghĩ rằng tỉnh này bị nhập vào tỉnh kia. Sự thật là do hai tỉnh sáp nhập với nhau thành một tỉnh lớn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một sự mở rộng tốt đẹp. Sáp nhập tổ chức là về hình thức. Cần phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm. Đồng thời do nhận thức nhất trí về tình hình và nhiệm vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân mà tăng cường đoàn kết nhất trí. Phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị. Nó đẻ ra nhiều cái xấu như xích mích, kèn cựa giữa cán bộ và giữa đảng viên, không ai phục ai, không giúp đỡ nhau, không cộng tác chặt chẽ với nhau. Bệnh cá nhân còn dẫn đến tệ bảo thủ, quan liêu, tham ô, lãng phí, sợ khó, sợ khổ, thấy khó khăn thì đâm ra tiêu cực, bi quan… Tỉnh uỷ cũng phải ra sức chăm sóc đến cơ sở Đảng, phải củng cố chi bộ cho thật tốt, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”(2).
Thấm nhuần những lời dạy ân cần, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh, Đại hội đã nghiêm túc kiểm điểm, nêu bật những kết quả, những ưu điểm và những khuyết, nhược điểm của Đảng bộ.
Chuyến thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Bắc ngày 17/10/1963 của Bác có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì đây là Đại hội đầu tiên của tỉnh sau khi sáp nhập. Do vậy, việc thống nhất về quan điểm, tư tưởng, nhận thức trong đảng viên và các cơ sở đảng là rất cần thiết. Có như vậy mới tạo nên sức mạnh để xây dựng và kiến thiết quê hương ngày càng giàu mạnh. Sự quan tâm của Bác đã tiếp thêm sức mạnh, trở thành nguồn động lực tinh thần to lớn giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Bác Hồ giao.
(Tài liệu tham khảo: (1) Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.11, tr.150,151,153. (2) Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.11, tr.154,155).
Hữu Khánh
Bắc Giang trưng bày sách, báo, tư liệu, hiện vật về Bác Hồ
BẮC GIANG – Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần I ngày 17/10 (1963-2023), Thư viện tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày sách, báo, tài liệu, hình ảnh, hiện vật với chủ đề “Bác Hồ với Bắc Giang, Bắc Giang với Bác Hồ”.
bắc giang, vinh dự đón Bác Hồ về thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh hà bắc,sân vận động bắc giang