BẮC GIANG – Cụ Cúc theo con chầm chậm lên tầng thượng đặt ban thờ. Một ban thờ khác lạ. Phải, cả xóm này, cả xã này không nhà ai có ban thờ như đây. Phía trên ban thờ treo kín cả bức tường là bức tranh màu có những đàn chim bồ câu tung cánh giữa bao la trời xanh mây trắng. Cũng chả biết có bao nhiêu chim.
Một tốp chim ở tít xa góc chân trời trông như dấu chấm. Lại có đàn chim bay qua. Và gần nhất là vài ba con sải cánh đang lao tới trước mặt. Bức tranh choáng ngợp cả gian phòng.
Phải, cả xóm này, cả xã này không nhà ai có ban thờ với bức tranh như vậy. Ban thờ có bình hoa tươi, đèn dầu và một khay đặt gói thuốc lào, quả đu đủ chín và lá chè tươi.
Ảnh minh hoạ. |
Cụ rút mấy thẻ hương đã để sẵn trên ban. Những nén nhang đỏ lửa. Cụ chắp tay trước di ảnh chồng cùng với tượng Phật Bà đang ngồi thiền trên đóa hoa sen.
Có tiếng chân huỳnh huỵch chạy lên. Thằng bé đẩy cửa xộc vào. Thấy ông nội lừ mắt, thằng bé im thin thít, lát sau theo ông khẽ khàng đi xuống.
Gian phòng không một tiếng động. Chẳng một âm thanh nào từ ngoài đường lọt vào. Chỉ nghe tiếng khấn lầm rầm của cụ và tiếng gió run rẩy thi thoảng lọt vào từ khe cửa sổ. Khi cụ đứng trước ban thờ vào ngày giỗ chồng, trong gian phòng phải tuyệt đối im lặng, không phải chỉ vì để các thánh thần nghe rõ lời cụ cầu nguyện mà còn vì cụ rất sợ âm thanh náo động. Những tiếng gầm rú, tiếng nổ chát chúa, nhất là tiếng máy bay bay thấp, tiếng sấm sét ngày mưa sẽ làm cụ run lên, đi đứng loạng choạng, rất dễ ngã. Cụ đã ngoài chín chục tuổi rồi, đầu óc vẫn minh mẫn nhưng đi lại chậm chạp. Ở xóm Thượng này thọ như cụ chỉ còn vài người nhưng đều lẫn cả.
Cụ rơm rớm nước mắt nhìn lên ảnh chồng.
Một ngày tháng bảy cách đây hơn năm chục năm, máy bay Mỹ thả bom vào xóm Thượng khiến hơn ba mươi gia đình có người thiệt mạng. Tiếng kẻng liên hồi. Tiếng máy bay gầm rú. Tiếng pháo quân ta từ trận địa của xã bắn trả. Tiếng gào thét của người dân… Những âm thanh ấy đã ám ảnh cụ suốt từ đó đến nay. Hôm ấy, cụ Lũy ở nhà vì tái phát vết thương đã không đi với vợ con đến dự đám cưới cháu ở xóm bên. Cụ đang ngồi trên phản dựa lưng vào tường cạnh điếu cày, gói thuốc lào, tích chè tươi và đĩa đu đủ chín thì nghe tiếng kẻng báo động liên hồi, ngay lúc ấy là tiếng máy bay giặc. Cụ vừa chạy vài bước để đến cửa hầm thì nhà đổ sập…
Cụ Lũy không hề xây xát chân tay suốt ba năm quân ngũ thời chống Pháp, chỉ bị thương khi tái ngũ chống Mỹ. Sau thời gian điều trị, cụ xuất ngũ. Ai ngờ ngay ở quê, cụ mất vào ngày ấy.
Cụ là học trò trường trung học tỉnh, con ông bưu tá thị xã. Cụ Cúc là con ông giáo làng. Cả hai quen biết ở lễ hội Ba Tổng. Thời kháng chiến chống Pháp, Lũy tòng quân, Cúc đi dân công hỏa tuyến. Cả hai lại gặp nhau ở Chiến dịch Điện Biên. Hòa bình lập lại họ nên vợ nên chồng.
Trước ban thờ, cụ Cúc hết đứng lại ngồi thổn thức. Năm nào cũng thế vào ngày này cụ đều như vậy. Trước ban thờ đặt khay có gói thuốc lào, quả đu đủ chín, mấy lá chè tươi, con cháu nhìn cứ ứa nước mắt. “Ông đi, tôi nhớ tôi thương ông quá. Cả xóm này không ai được như ông, cứ củ mỉ cù mì, chẳng nặng lời với ai, hết mực thương vợ thương con. Ốm yếu là thế vẫn chăm chỉ ruộng đồng, ăn sắn, ăn khoai để nhường cơm cho vợ cho con. Giá mà tôi được chết thay ông. Ông khổ quá, đến hút thuốc, uống cốc nước, ăn miếng đu đủ cũng chưa xong”. “Ông khóc như đứa trẻ khi nhận tin con hy sinh. Cùng ở mặt trận mấy năm mà cha con chẳng được gặp nhau. Tôi ngất lên ngất xuống mà ông vừa dỗ dành vừa lau nước mắt…”.
Cụ thẫn thờ. Càng nghĩ đến gia cảnh, nước mắt càng rơi.
Thời chống Pháp, gia đình cụ tản cư lên Thái Nguyên. Máy bay Pháp thả bom trên đường. Mẹ cụ bị thương, em trai cụ chết. Lấy chồng sinh mấy đứa con lại vào lúc chiến tranh. Lâm – con trai cả vạm vỡ, tháo vát nhất nhà hy sinh bên Lào, để lại vợ với đứa con gái mới lên năm lên sáu. Sau ngày giỗ chồng, người vợ đột nhiên lên mạn ngược buôn bán, đi bước nữa và chẳng bao giờ trở về đây.
Lễ – đứa thứ hai lẽ ra cũng nhập ngũ nhưng cấp trên không giải quyết theo chính sách bấy giờ. Ông Lũy xuất ngũ sinh người con thứ ba đặt tên là Lộc, có ý tạ ơn trời đất. Ai ngờ đứa con có lớn mà không khôn, cứ đờ đẫn, ngớ ngẩn. Rồi bố mẹ cũng tìm được con dâu – một cô gái ưa nhìn, khỏe mạnh chỉ tội lầm lỳ, nghễnh ngãng.
Vợ chồng chúng sinh được hai đứa con nhưng đều không bình thường. Hồi ấy nào ai biết đó là hậu quả chất độc da cam của giặc Mỹ mà ông Lũy hứng chịu nặng nề ở Tây Nguyên. Cả hai đứa trẻ đều lần lượt mất. Một ngày mưa tầm tã, người vợ lặng lẽ bỏ đi, không rõ đến nơi nào. Người chồng trốn bố mẹ đi tìm vợ và cũng biệt tăm biệt tích. Cả gia đình thay nhau đi tìm khắp chốn cùng nơi nhưng đều thất vọng.
Cụ Cúc kính cẩn trước bức tượng Phật Bà và những đàn chim đang vỗ cánh trong khung. Phật Bà đưa đôi mắt hiền dịu và như đang thì thào: Đời là bể khổ, con ơi. Vì đâu nên nỗi tủi nhục này. Những con chim êm ái giờ cũng buồn rầu với nỗi xót xa của cụ già trần gian. Chúng ngẫm nghĩ. Chúng lắng nghe. Chúng thổn thức. Những cánh chim đang ngừng đập, hình như đang đỗ trong phòng hương khói này.
Không hiểu những đàn chim đây từ đâu bay tới. Ở một nơi giao chiến vùng dầu mỏ. Tại chiến trường tranh giành đặc quyền tôn giáo? Ở chiến trường bảo vệ đất nước hay phá vỡ thế giới đơn cực? Người tạo bức tranh này cũng không hề hay biết, chỉ biết rằng chúng tung cánh để muốn che lấp khói lửa đạn bom, để trái đất toàn màu xanh tươi thắm.
Cụ đã bảo con cháu tìm họa sĩ tài giỏi nhất tỉnh để vẽ bức tranh này. Đó là một thương binh nặng chỉ còn một cánh tay, cụt đôi chân phải đi xe lăn. Người họa sĩ ấy ròng rã bao ngày đêm mới xong bức họa và thật bất ngờ đã trân trọng biếu tặng cụ.
Cụ gập người. Cụ quỳ lạy.
Cả căn phòng chỉ còn những âm thanh run rẩy bổng trầm đôi lúc bị nghẹn lại trong không gian tĩnh lặng. “Con trăm lạy, ngàn lạy trời, phật ngăn không cho bom rơi đạn nổ, hòn đạn mũi tên. Trần gian mãi yên lành, mọi người yên ổn làm ăn…”. “Con cầu xin khắp thế gian, Đông Tây Nam Bắc, trên đất dưới biển không bao giờ đánh nhau. Ai ai cũng yêu thương…”.
Chỉ hai hôm nữa cháu nội cụ lên đường nhập ngũ. Đất nước đã hòa bình mấy chục năm nhưng gian nan vẫn còn phía trước. “Cháu lên đường bảo vệ Tổ quốc. Đất nước mình mãi mãi phải bình yên, mọi người dân phải an nhiên, hạnh phúc…”.
Cụ đăm đắm nhìn lên những đàn chim, nước mắt ứa ra. Lạ chưa, cả đàn chim khắp các chân trời rào rào vỗ cánh bay lượn kêu lên những tiếng êm ái và những đám mây trắng bồng bềnh uốn lượn cùng đàn chim trong ánh nắng vàng ươm mong manh lững lờ. Một cơn gió thoáng mát rượi. A di đà phật. Một giọng nói dịu dàng ngân nga giữa không trung. Phật Bà giơ tay vẫy gọi. Không hiểu Bà giục giã những đàn chim bay lượn và nói những điều gì đó hay gọi các thánh thần quy tụ nơi đây.
Cụ Cúc vẫn chắp tay kính cẩn với nụ cười mãn nguyện!
Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh
Lá cờ đỏ thắm
BẮC GIANG – Vào những ngày cuối tháng Tám, khắp các phố phường, làng bản đều đỏ thắm sắc cờ. Những người lái tàu, thuyền ngược sông mải miết cũng sắm lá cờ mới treo lên cái cán bằng inox. Người ở sườn núi chênh vênh sắm cây trúc thật dài để cờ được treo cao, từ xa người đi lên đường mòn có thể nhìn thấy được.
Ông ngoại
BẮC GIANG – Ông ngoại tôi là người vùng biển chính gốc. Gần 80 tuổi mà nước da của ông vẫn đượm màu nâu bóng. Hai cánh tay luôn ở trần với bắp thịt còn khá rắn rỏi, dấu tích của một thời trai trẻ đầy sung sức.
Cây tri kỷ
BẮC GIANG – Trời mưa tầm tã. Mùa thu này nhiều mưa khác lạ. Dịch bệnh khắp nơi khiến người ta chẳng còn đi ngắm cảnh. Ban mai đầy nước. Và nỗi cô đơn mêng mông. Tôi đứng nhìn ra bãi cỏ trước nhà. Nhớ da diết cái cây của mình trên triền đồi ấy. Cây tỏa bóng một mình. Xanh đến dịu lòng, mát mắt. Tôi thường trở về bên cây mỗi khi lòng mình trống trải đến mức không thể ngồi yên. Xung quanh là làng mạc, núi đồi.
Khu vườn của má
(BGĐT)- Má bắc nồi cá kho lên bếp củi, vừa khom người hì hục thổi lửa vừa ho. Nhà có bếp ga đã lâu nhưng má vẫn nấu ăn bằng bếp củi mỗi ngày. Má bảo nấu bếp ga ăn không ngon miệng, cái mùi tro trấu quyện với mùi than củi mới làm má thấy ngon.
tin tức bắc giang, bắc giang, đàn chim, đàn chim bồ câu, máy bay mỹ, xóm làng, chiến dịch điện biên, bức tranh, bảo vệ đất nước