BẮC GIANG – Ngày 6/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đồng chủ trì.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Bắc Giang. |
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (TP Hà Nội) và các điểm cầu trực tuyến ở các tỉnh, TP.
Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang gồm các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu Hà Nội.
Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì. Cùng dự có các ĐBQH: Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp và đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, một số sở, ngành.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết kỳ họp thứ 5, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội; 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, điều chỉnh toàn diện mọi mặt đời sống KT-XH, giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh dự tại điểm cầu Bắc Giang. |
Các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt, hiệu quả phòng, chống đại dịch Covid-19; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành. Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển văn hóa – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phát huy dân chủ, tăng cường bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Thực hiện chủ trương “Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống.
Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo triển khai rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán… hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với chủ trương của Đảng.
Các cơ quan đã tiến hành rà soát 1.651 văn bản quy phạm pháp luật, qua đó phát hiện một số quy định trong 7 luật và 130 văn bản dưới luật có bất cập, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực hoặc có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp. Trên cơ sở đó đã đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để khắc phục.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà tại điểm cầu Bắc Giang. |
Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng “Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp”, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật. Chính phủ đã tổ chức 17 phiên họp chuyên đề đề ra nhiều giải pháp để đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực tổ chức thực thi pháp luật của các cấp, ngành; ban hành mới quy chế làm việc của Chính phủ, trong đó xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương trong công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết.
Tuy nhiên, công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với việc triển khai luật, nghị quyết có trọng tâm, trọng điểm nhưng chưa bảo đảm tính toàn diện, chưa chú trọng đối với các luật, nghị quyết mới được ban hành.
Công tác tổ chức triển khai một số luật, nghị quyết còn chậm; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục. Một số văn bản chất lượng chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển…
Để khắc phục các bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, đồng chí Vương Đình Huệ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương và các vị ĐBQH tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của T.Ư Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ theo lĩnh vực phụ trách kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho việc thi hành luật, nghị quyết.
Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật; quan tâm phát triển nguồn nhân lực pháp luật, hiện đại hóa phương thức, phương tiện tổ chức thực hiện pháp luật; củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế, bộ máy tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật…
Tiếp tục, nâng cao, hiệu quả, thực hiện, các luật, nghị quyết, được Quốc hội, ban hành