BẮC GIANG – Thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gia tăng. Lần theo manh mối nạn nhân cung cấp, cơ quan công an phát hiện nhiều tài khoản ngân hàng “ảo”, không chính chủ. Từ đây đặt ra bài toán quản lý tài khoản ngân hàng của cá nhân nhằm phòng ngừa các hành vi phạm tội.
Dễ dàng mở tài khoản
Anh Lò Văn G, quê ở tỉnh Hà Giang là công nhân tại Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên). 5 năm qua, anh đã làm việc tại nhiều doanh nghiệp (DN), mỗi nơi lại được mở một tài khoản ngân hàng khác nhau. Đến nay, khi làm việc ở DN thứ 6, anh đã là chủ tài khoản tại 5 ngân hàng. Anh nói: “Thấy các bạn nhân viên ngân hàng thông tin có thể mở tài khoản số đẹp, trùng với ngày tháng năm sinh dễ nhớ nên tôi cũng mở. Tuy nhiên sau khi đi làm tôi chỉ sử dụng 2 tài khoản còn lại không thể nhớ mật khẩu”.
Cán bộ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bắc Giang tư vấn cho khách hàng mở, quản lý tài khoản ngân hàng. |
Pháp luật hiện không quy định khống chế số lượng tài khoản ngân hàng với mỗi cá nhân do đó một người có thể mở nhiều tài khoản khác nhau. Quy định thông thoáng khiến nhiều cá nhân ngồi nhà cũng có thể mở tài khoản trực tuyến. Mới đây, chị Nguyễn Thị T ở phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) cũng mở một tài khoản ngân hàng qua vài tin nhắn trên facebook. Chỉ cần ảnh căn cước công dân 2 mặt gửi cho nhân viên, sau vài phút tài khoản mới đã được kích hoạt. Hiện chị T là chủ 7 tài khoản ngân hàng nhưng chỉ sử dụng thường xuyên 2 tài khoản.
Từ những quy định này, các đối tượng xấu dễ dàng lợi dụng thuê, mua bán, thậm chí làm giả tài khoản để thực hiện các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đầu tháng 8 vừa qua, 31 đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng để nhắn tin, gọi điện tư vấn cho khách hàng có nhu cầu vay vốn. Nhóm này đã sử dụng hàng chục tài khoản ngân hàng “ảo” hòng tránh sự phát hiện của lực lượng công an.
Chúng yêu cầu khách chuyển phí từ 300 nghìn đồng đến 3 triệu đồng đến các tài khoản ảo này. Sau có tiền, các đối tượng chặn zalo không cho khách hàng liên lạc. Tháng 4/2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) đã làm rõ Nguyễn Hồng Minh (SN 1996), trú tại thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) mua bán số lượng lớn tài khoản ngân hàng.
Minh tìm được 10 người ở địa phương rồi thuê ô tô chở xuống TP Bắc Giang để mở tài khoản. Để thuận tiện, Minh chuẩn bị sẵn điện thoại di động đã lắp sim rồi đưa cho những người trên cung cấp số điện thoại cho ngân hàng. Sau khi làm xong các thủ tục, Minh ứng trước cho mỗi người 500 nghìn đồng. Đối tượng khai nhận đã mua được 46 tài khoản ngân hàng của 10 người, bán trực tiếp cho đối tượng quen biết ở tỉnh Tây Ninh với giá 26 triệu đồng.
8 tháng năm nay, Công an TP đã tiếp nhận, xử lý 11 tin báo, tố giác về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Theo nhận định của cán bộ điều tra, sau khi nhận được số tiền lừa đảo, các đối tượng ngay lập tức chia nhỏ số tiền và chuyển vào nhiều tài khoản “rác”, “ảo”, không chính chủ nên gây khó khăn cho công tác điều tra, truy xét, truy thu tài sản…
Tăng cường quản lý
Bà Lê Thị Hoàng Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hiện nay các ngân hàng thương mại đều có nhiều chương trình khuyến khích người dân mở thẻ, tài khoản. Tuy nhiên do hiểu biết của một bộ phận người dân còn hạn chế, các phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng tinh vi nên đối tượng xấu đã lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”.
Thực hiện sự phối hợp, đề nghị của Công an tỉnh, hệ thống ngân hàng trong tỉnh đã tiến hành rà soát, xác minh nhiều tài khoản mà các đối tượng sử dụng luân chuyển dòng tiền trong nhiều vụ lừa đảo. Nhằm tăng cường công tác quản lý tài khoản ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đề nghị các ngân hàng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong mở, quản lý, sử dụng tài khoản.
Thực hiện biện pháp bảo mật thông tin, kỹ năng sử dụng, không cho thuê, cho mượn, mua, bán tài khoản. Siết chặt công tác kiểm tra, phối hợp với cơ quan công an để xác minh thông tin khách hàng trong trường hợp có nghi ngờ. Định kỳ rà quét, sàng lọc, xác định thông tin chủ sử dụng hiện hành với người mở ban đầu nhằm phát hiện tài khoản đáng ngờ, liên quan đến vụ việc lừa đảo để tiến hành loại bỏ, ngăn chặn.
Đồng thời đề nghị các ngân hàng hướng dẫn khách hàng sử dụng căn cước công dân để mở tài khoản nhằm khai thác, phát huy tác dụng của Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Quá trình thực hiện nghiệp vụ thường xuyên rà soát phát hiện tài khoản cá nhân có dòng tiền nghi vấn (số lượng lớn, chuyển đi đến nhiều tài khoản trong thời gian ngắn), thông báo với cơ quan công an để xử lý kịp thời.
Về nội dung này, bà Lê Hương Giang, Phó Giám đốc HD Bank chi nhánh tỉnh Bắc Giang đề xuất, Công an tỉnh thành lập đường dây nóng, nhóm trao đổi thông tin. Khi có vụ việc, chỉ cần gửi tin nhắn hoặc điện thoại qua đường dây nóng yêu cầu phong tỏa tài khoản liên quan đến vụ việc để các ngân hàng xử lý chứ không gửi qua đường công văn như hiện nay.
Thượng tá Vũ Văn Tường, Trưởng Công an TP Bắc Giang chia sẻ thêm: “Để hạn chế các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cần xây dựng cơ chế quản lý tài khoản ngân hàng bằng mã định danh điện tử”.
Công an tỉnh cũng khuyến cáo, đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng rà soát lại các quy định nhằm khắc phục những sơ hở. Tăng cường giáo dục đối với cán bộ ngân hàng; quán triệt, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ nhất là nhân viên giao dịch, thẩm định. Mỗi người dân nâng cao cảnh giác, không mua bán, cho thuê, cho mượn số tài khoản ngân hàng. Bởi hành vi này có thể liên đới xem xét xử lý hình sự.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo 115 triệu đồng qua điện thoại
BẮC GIANG – Trưa 30/8, đồng chí Thượng úy Lưu Văn Ngọc, điều tra viên thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Lục Ngạn nhận được tin báo của chị Lâm Thị Liên – Trưởng cửa hàng Viettel Lục Ngạn về việc có một người phụ nữ đang muốn chuyển số tiền 115 triệu đồng cho một số tài khoản lạ, có biểu hiện lo lắng, sợ hãi.
Với thủ đoạn tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee để hưởng “hoa hồng”, Lưu Sinh Diễn đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người.
Ngăn chặn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng
BẮC GIANG – Khoảng 8 giờ 30 phút ngày 8/8/2023, ông Nguyễn Văn Liệu (SN 1957), ở thôn Nhất, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0943.861.428 của một nam thanh niên tự giới thiệu là cán bộ điều tra Công an tỉnh Bắc Giang.
Cảnh báo 6 kiểu lừa đảo thường gặp trên không gian mạng
(BGĐT)-
Thời gian gần đây, trên không gian mạng xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm
đoạt tài sản của người dân. Nhằm giúp người dân không bị “sập bẫy”, Công an tỉnh
Bắc Giang vừa đưa ra cảnh báo 6 kiểu lừa đảo thường gặp.
tin tức bắc giang, bắc giang, ngăn chặn lừa đảo, lừa đảo qua tài khoản ngân hàng, tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản, bảo mật thông tin