BẮC GIANG – Tôi biết đến cái tên Mai Thị Vũ Trang trong danh sách 5 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương thị xã Phủ Lạng Thương (thành lập cuối năm 1938 do đồng chí Vương Văn Trà làm Bí thư Chi bộ). Thế nhưng, kể từ khi được biết bà là vợ người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Văn Mẫn, tôi luôn khao khát muốn tìm hiểu về cuộc đời và những năm tháng bà đã gắn bó với quê chồng Bắc Giang.
Thế rồi, từ bất ngờ lại tiếp những xúc động, bất ngờ. Không biết bao lần tôi đã đi qua, đi lại mãi ngôi nhà số 206 đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bắc Giang. Nơi ấy – quá nửa thế kỷ trước, bà đã sống, đã thủy chung đợi chờ và vượt lên trên nỗi đau mất mát của riêng mình, hoàn thành sứ mệnh người nữ đảng viên cộng sản kiên trung. Góp phần cho cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Bắc Giang thành công.
Bà Mai Thị Vũ Trang. |
Mai Thị Vũ Trang tên thật là Mai Ngọc Thuyết. Quê ở Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa nhưng bà sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Chưa đầy 5 tháng tuổi, bà mồ côi cha. Đến năm 16 tuổi, mẹ mất, bà ở với anh trai là Mai Lập Đôn (ông là một trong 11 hội viên đầu tiên của Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam do Bác Hồ thành lập năm 1925).
Qua những thử thách, ban đầu trong vai trò cô hàng xén ngồi bán chè, diêm, thuốc lào canh gác cho các cuộc họp của anh trai, rồi những cuộc tham gia rải truyền đơn, bà đã được anh trai đưa đến với tổ chức cách mạng.
Tháng 10/1928, bà được kết nạp vào Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam, với bí danh Mai Thị Vũ Trang. Xinh đẹp và nhanh nhẹn, có lần, trong vai “nữ thương gia” Hà thành giàu có, đi vé tàu hạng sang, bà đã vận chuyển thành công vũ khí từ Hải Phòng về Hà Nội trót lọt. Tháng 10/2029, bà được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Đó cũng là thời điểm Đảng chủ trương đưa trí thức đi “vô sản hóa” tại các nhà máy để xây dựng phong trào cách mạng trong giai cấp công nhân. Bà cùng anh trai và đồng chí Khuất Duy Tiến được tăng cường về hoạt động tại Nam Định.
Ngôi nhà số 206 Nguyễn Văn Cừ (nay là hiệu thuốc) từng là nơi bà Mai Thị Vũ Trang sinh sống và hoạt động cách mạng. |
Vốn biết nghề thêu ren, bà được phân công về Nhà máy Dệt Nam Định. Chuyến đi này là một bước ngoặt trong cuộc đời bà, khi cô thiếu nữ Hà thành như cánh chim bằng được tung vào phong trào rộng lớn ở cơ sở, cùng chịu đói khát, bị bóc lột sức lao động như bao nữ công nhân. Bà đã khéo léo cảm hóa, tuyên truyền, tổ chức cho chị em thợ đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Cũng chính nơi đây, bà đã gặp đồng chí Nguyễn Văn Mẫn. Từ ngưỡng mộ đến cảm mến. Trái tim của hai người cộng sản đã đồng cảm, nảy nở một tình yêu đẹp. Đó cũng là mối duyên trời định để cuộc đời bà gắn bó với Bắc Giang.
Cuối năm 1929, trong lần đi rải truyền đơn, anh trai bà bị bắt. Bọn mật thám đã treo thưởng 5.000 đồng Đông Dương nếu ai bắt được bà. Trước tình huống ấy, tháng 3/1930, tổ chức đã bí mật tác thành cho ông bà thành vợ chồng và bố trí đưa bà trở về Hà Nội. Bà hoạt động núp dưới vai người bán hàng ở hiệu thuốc lào số 15 Hàng Nón, song bọn mật thám vẫn “đánh hơi” thấy. Để tránh sự truy lùng gắt gao, tháng 7/1930, bà đã về quê chồng ở thị xã Phủ Lạng Thương và tiếp tục hoạt động với bí danh Hoàng Kỳ. Hai vợ chồng, hai người chiến sĩ cộng sản cùng nhiệt huyết trên con đường tranh đấu.
Thế nhưng, hạnh phúc ngắn ngủi. Chỉ hơn một năm sau (tháng 10/1931), khi con gái của ông bà là Nguyễn Thị Hồng Tuyến vừa tròn 4 tháng tuổi thì đồng chí Nguyễn Văn Mẫn bị giặc bắt, kết án 20 năm tù khổ sai. Đồng chí bị giam ở nhà tù Hỏa Lò, nhà tù Sơn La và đến tháng 2/1933 bị đày ra Côn Đảo. Nén nỗi đau và nỗi nhớ thương chồng, bà dựng ngôi nhà tranh nhỏ nơi ngã ba phố Tiền Môn để tiện sinh sống, bắt mối liên lạc. Vừa hoạt động, nuôi con nhỏ, bà vừa âm thầm ngóng đợi ngày chồng được trở về.
Sông Thương. Ảnh: Hoàng Tuấn. |
Tháng 4/1941, bà Mai Thị Vũ Trang bị địch bắt, giam ở Hỏa Lò. Suốt hơn một năm bị giam cầm, tra tấn, đối chất với kẻ chỉ điểm, bà vẫn kiên quyết không khai, trung thành bảo vệ đồng chí của mình. Không khép tội được bà, tháng 8/1942, giặc Pháp phải thả, nhưng chúng đã quản thúc bà tại Kép (Lạng Giang). Giữa năm 1943, bà tìm cách trở về thị xã Phủ Lạng Thương mở lại quán bán hàng, tiếp tục hoạt động. Căn nhà nhỏ của bà đã trở thành trạm liên lạc, nuôi giấu nhiều chiến sĩ cách mạng vượt ngục từ Nhà tù Sơn La.
Cũng thời điểm này, bà đau đớn nhận tin chồng đã hy sinh ở Côn Đảo. Đau thương mất mát, nhưng một lần nữa nghị lực và ý chí kiên cường của người đảng viên cộng sản đã giúp bà vượt qua nỗi đau, hoàn thành mọi nhiệm vụ tổ chức giao.
Chiến tranh đã lùi xa. Thế nhưng, như dòng sông Thương đêm ngày thao thiết chảy, câu chuyện về cuộc đời người nữ chiến sĩ cộng sản và tình yêu thuỷ chung, đẹp đẽ bà đã dành cho người bạn đời yêu quý, cho quê hương Bắc Giang mãi mãi như một khúc tình ca ngân vang tha thiết, tự hào. |
Theo bài viết của tác giả Khiếu Minh – Báo Nhân dân điện tử, đăng ngày 12/1/2021 cho biết, con gái bà là Nguyễn Thị Hồng Tuyến có kể lại, những lúc buồn nhớ ông, bà thường đưa con ra ngồi bờ sông Thương, đăm đắm nhìn dòng nước trôi. Những câu thơ trong bao đêm dài thương nhớ mẹ viết tặng cha, con gái bà vẫn thuộc: “Em ngắm mây bay tận cuối trời/ Nhìn làn nước chảy tít mù khơi/ Những mong mây nước đưa tin lại/ Mây cứ bay đi, nước cứ trôi…”.
Tháng 4/1945, phong trào cách mạng lên cao. Bà Mai Thị Vũ Trang được Tỉnh ủy phân công lên chỉ đạo phong trào chuẩn bị khởi nghĩa tại vùng Bố Hạ, Yên Thế. Bà đã chỉ đạo phá đồn giặc, phá cầu sông Sỏi, góp phần vào tiến trình giành chính quyền về tay nhân dân.
Sau Cách mạng Tháng Tám, bà giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Giang; sau hòa bình lập lại là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh. Năm 1960, bà chuyển về công tác tại Tòa án nhân dân Tối cao. Bà mất tháng 3/1994, hưởng thọ 86 tuổi. Mộ bà được an táng tại Nghĩa trang Tân An. Theo nguyện vọng của bà, hài cốt đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cũng được đưa về an nghỉ tại đây. Vậy là sau hơn nửa thế kỷ xa cách, ông bà đã mãi ở bên nhau.
Năm 1989, tên của đồng chí Nguyễn Văn Mẫn được đặt cho một con đường gần Công viên Ngô Gia Tự. Tháng 7/2022, HĐND tỉnh cũng quyết định một con đường tại Khu đô thị phía Nam TP Bắc Giang mang tên Mai Thị Vũ Trang.
Chiến tranh đã lùi xa. Thế nhưng, như dòng sông Thương đêm ngày thao thiết chảy, câu chuyện về cuộc đời người nữ chiến sĩ cộng sản và tình yêu thuỷ chung, đẹp đẽ bà đã dành cho người bạn đời yêu quý, cho quê hương Bắc Giang mãi mãi như một khúc tình ca ngân vang tha thiết, tự hào.
Lê Huyền
Thành danh từ “Tiếng hát sông Thương”
(BGĐT) – Được rèn luyện, thử sức từ cuộc thi “Tiếng hát sông Thương”, nhiều giọng ca thêm tự tin và ngày càng thành công trên con đường nghệ thuật. Với nhiều quán quân của cuộc thi, những ngày ở Bắc Giang đã để lại kỷ niệm khó quên.
Kỷ niệm những ngày chiến đấu bảo vệ cầu Sông Thương
(BGĐT) – Hôm ấy, thỉnh thoảng trên bầu trời mới có làn mây mỏng bay qua rất nhanh. Khoảng hơn 9 giờ, một tốp máy bay F105 từ hướng Đông Bắc lợi dụng dãy núi Đông Triều và hướng mặt trời tiến vào đánh phá cầu Bắc Giang (còn gọi cầu Sông Thương).
tin tức bắc giang, bắc giang, sông thương, phủ lạng thương, đảng cộng sản đông dương, chiến sĩ cách mạng, hội thanh niên cách mạng,khởi nghĩa cách mạng tháng tám,