BẮC GIANG – Đối với dân tộc ta, bài học muôn đời sức dân – sức nước luôn tươi mới. Cha ông ta từng nói, cái đáng lo là trì quốc (giữ nước) chứ không phải trị quốc (cai trị đất nước). Trì quốc mới bảo đảm được sự lâu bền, mới là sáng nghiệp tổ tông.
Những ngày đầu Thu, vào dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, trời cao mây sáng, lấp lánh cờ sao, giai điệu bài hát “Mười chín tháng Tám” của Xuân Oanh lại ngân vang giục giã lòng người: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày”. Có những lời ca giản dị mà sức sống bền lâu cùng năm tháng. Nhất là khi lời ca ấy vừa như lời hiệu triệu vừa là tiếng nói của con tim người dân khi quyết đứng lên giành lại và làm chủ cuộc đời.
Các tầng lớp nhân dân biểu diễn văn nghệ tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Bắc Giang lần thứ IX. Ảnh tư liệu. |
Bắc Giang quê hương ta, mùa Thu năm Ất Dậu, những nhà lãnh đạo đứng mũi chịu sào đã tự tin, bản lĩnh, chớp thời cơ ngàn năm có một, quyết định khởi nghĩa chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước (17/8/1945), giành chính quyền về tay nhân dân.
Tư tưởng nước là của dân, nhà nước cách mạng là của dân, do dân và vì dân, sáng lên trong Tuyên ngôn Độc lập Bác Hồ trịnh trọng đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945. Tư tưởng ấy kế thừa những tinh túy của nhân loại và đã hình thành, phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc. Cha ông ta từng căn dặn: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân là trọng hơn cả, xã tắc đứng đằng sau, vua còn nhẹ hơn).
Nguyễn Trãi cũng vận dụng tư tưởng đó khi viết “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Làm lật thuyền mới biết sức dân như nước). Bài học lịch sử cứu nước và giữ nước nghìn đời còn tươi mới. Cái đáng lo là trì quốc (giữ nước) chứ không phải trị quốc (cai trị đất nước). Trì quốc mới bảo đảm được sự lâu bền, mới là sáng nghiệp tổ tông. Muốn giữ nước vững bền không rơi vào họa mất nước phải có đôi vai trăm họ cùng gánh. Còn chỉ lo trị nước thì đó là công việc của một số ít người nắm quyền bính.
Nhờ chăm lo trì quốc cho nên qua hàng nghìn năm phong kiến phương Bắc đô hộ, vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời vào chiều 3/9/1945, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã bàn đến sáu nhiệm vụ cấp bách của nhà nước non trẻ, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là chống giặc đói, giặc dốt, tổ chức tổng tuyển cử.
Lúc bấy giờ ngân khố quốc gia gần như trống rỗng. Làm thế nào để có tiền chi tiêu phục vụ nhiệm vụ chống “giặc” và kiến quốc? Chính phủ đã quyết định huy động sức mạnh trong dân. Hưởng ứng lời kêu gọi của Cụ Hồ, đồng bào cả nước đã ủng hộ cho “Quỹ độc lập” khá nhiều vàng, bạc, tiền Đông Dương. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền đồng và 370 kilôgam vàng, giúp Chính phủ có đủ nguồn lực giải quyết khó khăn về tài chính, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng.
Lại nhớ những ngày trứng nước, trong muôn vàn khó khăn, thử thách, Bác Hồ đã suy nghĩ tới việc ban hành bộ luật gốc – Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Người trực tiếp làm Trưởng ban soạn thảo. Điều 1, bản Hiến pháp đầu tiên, năm 1946 khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái, trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Điều 32, quy định cụ thể hơn: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phán quyết”.
Bác Hồ giải thích cặn kẽ, nói nhà nước của dân vì trong nhà nước ấy, dân là chủ, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ, nghĩa là có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Người đại diện của dân, do dân cử ra, chỉ là thừa ủy quyền của dân, chỉ là “công bộc” của dân. Tiếc rằng, sau này có những “vị đại diện” do lầm lẫn sự ủy quyền đó với quyền lực cá nhân mà sinh ra lộng quyền, cửa quyền. Cơn khát quyền lực đã đẻ ra bao chuyện nhiễu nhương, như Bác từng phê phán: Có những vị “quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”.
Tư tưởng nước là của dân, nhà nước cách mạng là của dân, do dân và vì dân, sáng lên trong Tuyên ngôn Độc lập Bác Hồ trịnh trọng đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945. Tư tưởng ấy kế thừa những tinh túy của nhân loại và đã hình thành, phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc. Cha ông ta từng căn dặn: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân là trọng hơn cả, xã tắc đứng đằng sau, vua còn nhẹ hơn). Nguyễn Trãi cũng vận dụng tư tưởng đó khi viết “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Làm lật thuyền mới biết sức dân như nước). Bài học lịch sử cứu nước và giữ nước nghìn đời còn tươi mới. |
Mùa Thu năm 1945, dân ta chặt đứt xiềng gông thực dân, phong kiến. Mùa Thu của thập niên thứ ba thế kỷ XXI, người Việt Nam trong thế đứng và thế đi lên thời khoa học công nghệ có bước phát triển thần kỳ. Đâu đâu cũng nói tới kinh tế số, xã hội số. Chính quyền của dân được gọi là chính quyền số. Người ta có thể đi khắp chân trời góc biển vẫn có thể giải quyết công việc mang tính thủ tục hành chính ở trụ sở xã, phường, quận, huyện, thành phố.
Lần đầu tiên có “Ngày chuyển đổi số quốc gia” là ngày 10/10 – đúng vào Ngày Giải phóng Thủ đô. Trong doanh nghiệp, khái niệm “chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số.
Thay đổi bằng cách mà một người ngoại đạo khó có thể hình dung, đó là việc áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Đó là những chiến lược bài bản để tiếp cận, làm chủ những công nghệ quan trọng, cốt lõi của kinh tế số. Có thể nói một cách khái quát, dữ liệu, thông tin và tri thức là ba khái niệm trong thời đại số. Khoa học dữ liệu chính là bệ phóng cho chuyển đổi số.
Khi chúng ta hướng tới mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thì mục tiêu đầu tiên vẫn là làm sao để dân giàu. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (GDP bình quân đầu người ước đạt 4.700-5.000 USD/năm). Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 7.500 USD/năm).
Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao (GDP bình quân đầu người phải đạt trên 12.535 USD/năm). Xác định mục tiêu cụ thể theo các tiêu chí mới thể hiện bước tiến về nhận thức của Đảng ta, trong đó, một điều rất quan trọng là phải bắt đầu từ đời sống của nhân dân. Các mục tiêu ấy không phải là trạng thái lý tưởng mà là trạng thái khả dĩ nhất có thể thực hiện được trong từng giai đoạn, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng các điều kiện cho phép. Cùng với quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “dân thụ hưởng” là một trong những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Nhằm cụ thể hóa những chủ trương, quan điểm lớn về xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thật sự là của dân, Hội nghị T.Ư 6 (khóa XIII), ngày 9/11/2022, đã ra Nghị quyết “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”.
Khi Nhà nước thật sự là của dân thì sẽ thu hẹp khoảng cách giữa lời nói và việc làm trong đội ngũ cán bộ, công chức. Sẽ không còn chỗ cho những cán bộ quen nói theo, nói dựa, nói những điều viển vông chẳng ích gì cho công việc của dân. Sẽ không còn chỗ cho những người miệng luôn nói vì lợi ích chung mà lại nặng lợi ích nhóm, sa vào vòng xoáy quyền lực, tham lam, nhũng nhiễu, quen thói hành dân, như vụ án “Chuyến bay giải cứu” vừa đưa ra xét xử là một bài học đau xót!
Trong thập niên thứ ba – thế kỷ XXI đầy biến động, tại các diễn đàn quốc tế, các học giả thường bàn tới khái niệm “thức tỉnh chính trị”, nhưng gọi là thức tỉnh hay đổi mới, sáng tạo cũng không xa rời nguyên lý cơ bản, chính trị là lợi ích, là quan hệ lợi ích, là đấu tranh giai cấp, trước hết vì lợi ích giai cấp.
Thức tỉnh không phải để cho “lạ tai” mà cốt để phục vụ người dân tốt hơn. Trong một thế giới toàn cầu hóa, chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng, vươn tới cái lớn lao của loài người bắt đầu từ việc tham khảo, học hỏi bạn bè để ít tốn kém và mau đến đích. Một nước nhiều năm là quốc gia hạnh phúc như Phần Lan cũng không nhất thiết là xã hội mà người dân luôn sống trong cảm xúc ngập tràn. Hạnh phúc, đơn giản là hài lòng với cuộc sống mà mình đang có.
Những ngày u ám, những tiêu cực trong xã hội là một phần tất yếu của cuộc sống, hãy chấp nhận và đấu tranh để loại trừ. Tôn trọng quy luật, chấp nhận tính hai mặt của cuộc sống phải chăng chính là một trong những bí quyết để có cuộc sống hạnh phúc? Và khi ấy, yêu đất nước, yêu nhân dân tuy hai mà một.
Tình yêu ấy đối với người Việt Nam tự nhiên như ánh nắng, khí trời. Nó khởi đầu từ nguồn mạch Âu Cơ, trải dài suốt mấy nghìn năm lịch sử – “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (Chế Lan Viên). Các thế hệ con Rồng cháu Tiên lên rừng xuống bể, tầm vóc mỗi ngày mỗi cao, tài-trí mỗi thời mỗi lớn, cố kết làm ăn, sinh cơ lập nghiệp, tạo nên cơ đồ đất nước hôm nay.
Hải Đường
Cách mạng Tháng Tám và tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Khi đánh giá sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể cả những nhà sử học ở “phía bên kia” cũng đều thừa nhận, Người là một vĩ nhân, không chỉ với người Việt mà với cả thế giới. Đặc biệt là trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với hai bàn tay trắng mà Người vẫn lãnh đạo nhân dân giành chính quyền từ tay đế quốc, phong kiến.
tin tức bắc giang, bắc giang, bài học muôn đời, sức dân, sức nước, trì quốc, cách mạng tháng tám, quốc khánh 2/9, bảo vệ thành quả cách mạng, vận mệnh quốc gia