BẮC GIANG – Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khai thác lợi thế, vươn lên thoát nghèo, các địa phương quan tâm hỗ trợ thành lập hợp tác xã (HTX). Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, các HTX còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng đến mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn.
Hướng đến sản xuất quy mô lớn
Thôn Khuôn Thần, xã Kiên Lao (Lục Ngạn) là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Nùng và Sán chí. Khai thác lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, các hộ dân trong thôn tập trung phát triển cây ăn quả, trồng tre bát độ. Tuy nhiên do xa trung tâm, tuyến đường đất dẫn vào thôn gồ ghề, đi lại khó khăn nên mỗi khi vào vụ thu hoạch nông sản, người dân trong thôn lại nơm nớp lo âu.
Thành viên HTX Dịch vụ nông sản Lục Ngạn thu hoạch măng. |
Khắc phục “điểm nghẽn” trên, cuối năm 2019, được chính quyền địa phương hỗ trợ, 10 hộ dân trong thôn liên kết thành lập HTX Dịch vụ nông sản Lục Ngạn. Tham gia HTX, các thành viên được tập huấn về kỹ thuật canh tác, hướng dẫn thủ tục thụ hưởng các chính sách về vốn, thị trường…
Trước đây, mỗi khi đến mùa thu hoạch, các hộ tự thu hoạch rồi chở đi tiêu thụ, giá bán bấp bênh thì nay thông qua HTX, thương nhân đến tận vườn thu mua với giá bán ổn định… Anh Nguyễn Văn Cừ, Giám đốc HTX chia sẻ: “HTX đã liên kết chế biến các sản phẩm từ măng như: Măng khô, măng luộc… góp phần tăng giá trị. Nếu bán măng tươi chỉ được 6 nghìn đồng/kg thì sau khi chế biến giá tăng gấp rưỡi”.
Hiện ở vùng đồng bào DTTS, miền núi trong tỉnh có hơn 140 HTX, trong đó có gần 60 đơn vị tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn với tổng vốn điều lệ hơn 230 tỷ đồng. Hoạt động của các HTX đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc. |
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, hiện ở vùng đồng bào DTTS, miền núi trong tỉnh có hơn 140 HTX với tổng vốn điều lệ hơn 230 tỷ đồng. Qua đánh giá, các HTX đã khai thác tốt lợi thế, phát triển ổn định, hoạt động hiệu quả. Điển hình, sau gần 5 năm thành lập, HTX Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh, xã Trường Sơn (Lục Nam) có bước phát triển đáng kể. Từ 4 ha cây trà hoa vàng ban đầu, diện tích loại cây này tăng lên hơn 10 ha. HTX còn liên kết với hộ dân tại các xã lân cận mở rộng thêm gần 50 ha. Các hộ liên kết được HTX cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm.
Xuất phát từ yêu cầu phát triển, tháng 9/2022, UBND xã Vân Sơn (Sơn Động) hướng dẫn một số hộ dân tộc Tày ở thôn Nà Vàng liên kết thành lập HTX Phú Cường. Được UBND huyện hỗ trợ 300 triệu động mua máy ấp trứng, ép cám viên, từ 200 gà bố mẹ, đến nay HTX có hơn 1 nghìn con và duy trì từ 2-3 nghìn gà thương phẩm. Dự kiến từ tháng 9 này, HTX bắt đầu có gà thương phẩm với số lượng khoảng 500 con/tháng. Với giá bán 180 nghìn đồng/kg, dự kiến người chăn nuôi sẽ có nguồn thu đáng kể.
Đưa sản phẩm lên sàn
Theo đánh giá, hoạt động của các HTX đã khai thác lợi thế địa bàn, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. Mặc dù vậy, do khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, nhiều HTX chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế, chưa tạo sự gắn kết cho thành viên và người dân.
Toàn bộ sản phẩm của các hộ liên kết được HTX Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh thu mua. |
Một số HTX chưa có kỹ năng xây dựng, đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh nên gặp khó khăn dẫn đến nguy cơ giải thể. Ví như, sau những năm đầu hoạt động hiệu quả, HTX Dịch vụ nông nghiệp Vân Sơn, xã Vân Sơn (Sơn Động) đang gặp khó khăn và phải tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân do khi thành lập, các thành viên chỉ xác định liên kết trồng khoai tây. Đến khi thị trường biến động, giống khoai tây liên kết khó tiêu thụ, thành viên HTX gặp khó khăn nên phải tạm dừng liên kết.
Nhằm khai thác tối đa lợi thế tại vùng đồng bào DTTS, từ năm 2021, Ban Dân tộc và Liên minh HTX tỉnh có chương trình phối hợp, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ, tư vấn, vận động thành lập mới 5-10 HTX tại vùng DTTS và miền núi, đồng thời tạo điều kiện cho các chủ thể tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Trong Chương trình mục tiêu phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh dành gần 110 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các HTX, doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo và một số hộ không thuộc hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Theo ông Trần Quang Hùng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, tháng 6 vừa qua, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng, triển khai kế hoạch hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, trong năm nay, trên cơ sở trang thương mại điện tử của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh sẽ bố trí kinh phí để trang bị các thiết bị vận hành và phục vụ hỗ trợ HTX tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bố trí cán bộ hỗ trợ các HTX thiết kế nhãn mác, nhãn hiệu, thương hiệu, xử lý ảnh sản phẩm trước khi đưa lên chợ sản phẩm trực tuyến.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Nhân lên những điển hình vùng dân tộc thiểu số
BẮC GIANG – Từ các phong trào thi đua, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến (ĐHTT) trên các lĩnh vực. Để lan toả trong cộng đồng, Ban Dân tộc tỉnh, các địa phương quan tâm bồi dưỡng, nhân rộng.
Giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi an cư
(BGĐT) – Cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang huy động nhiều nguồn lực giúp hộ nghèo cải tạo nhà ở. Bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, nhiều công trình mới được sửa chữa, xây mới giúp đồng bào “an cư”, vươn lên thoát nghèo.
Đảng viên người dân tộc thiểu số: “Đầu tàu” ở thôn, bản
(BGĐT) – Chiếm tỷ lệ nhỏ lại sinh sống ở vùng còn nhiều khó khăn song bằng tinh thần trách nhiệm, nêu gương, nhiều đảng viên người dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh Bắc Giang đã đi đầu trong phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, phát triển hợp tác xã, dân tộc thiểu số, đồng bào dân tộc, huyện lục ngạn, kỹ thuật canh tác, mô hình sản xuất tập trung, phát triển cây ăn quả, trồng tre bát độ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sinh kế cho hộ nghèo