Tối 20/8, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đàn chim Việt” kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Văn Cao (1923 – 2023) diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Các diễn viên với màn múa minh hoạ cho tiết mục “Tiến quân ca”. |
Đến dự có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cùng đại diện các cơ quan Đảng, ban, bộ, ngành Trung ương và gia đình nhạc sĩ Văn Cao.
Văn Cao là nhạc sĩ tài hoa, vĩ đại của nền âm nhạc Việt Nam. Sự hiện diện của ông đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà đã mang lại những tác phẩm bất hủ.
Chân dung Văn Cao – người nghệ sĩ tài hoa ở 3 lĩnh vực: âm nhạc, hội họa và thơ ca được khái quát qua đoạn phóng sự ngắn về ông mở đầu chương trình.
Riêng âm nhạc, gia tài của Văn Cao vô cùng đồ sộ, phong phú với nhiều tác phẩm đặc sắc, giá trị ở nhiều thể loại: tình ca, hành khúc, trường ca. Tiêu biểu nhất phải kể đến ca khúc Tiến quân ca được lựa chọn làm Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.
Cùng với Tiến quân ca, nhạc sĩ Văn Cao còn góp vào dòng chảy âm nhạc Việt Nam nhiều ca khúc cách mạng khí thế, những ca khúc trữ tình lãng mạn, sống mãi với thời gian.
Trong đêm nhạc, khán giả được thưởng thức những ca khúc bất hủ, được dàn dựng công phu như Đàn chim Việt với sự thể hiện của Tùng Dương, Đào Tố Loan, Khánh Ngọc, Trang Bùi, Sèn Hoàng Mỹ Lam; Thiên thai qua giọng ca của Thanh Lam, Cung đàn xưa do ca sĩ Vũ Thắng Lợi – Lan Anh biểu diễn; mash-up Làng tôi – Ngày mùa do các ca sĩ Đào Tố Loan, Nam Khánh, Ngô Hương Diệp, Trang Bùi thể hiện…
Những ca khúc cổ vũ tinh thần cách mạng sục sôi ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và sức mạnh quân dân trong kháng chiến như Ca ngợi Hồ Chủ tịch do NSND Quang Thọ, NSND Quốc Hưng biểu diễn, Bắc Sơn do NSƯT Đăng Dương và dàn hợp xướng thể hiện,… vang lên hùng tráng trong đêm nhạc.
Đặc biệt, bản Trường ca Sông Lô qua giọng hát của hai nghệ sĩ Đào Mác – Khánh Ngọc gây ấn tượng với khán giả. Trường ca Sông Lô có vị trí đặc biệt không chỉ trong sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao mà còn trong nền âm nhạc Việt Nam.
Nhận định về tác phẩm này, hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy có viết: “Bài Trường ca Sông Lô của Văn Cao là một tác phẩm vĩ đại. Về hình thức, bài hát chẳng thua gì bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây Phương. Nét nhạc của trường ca rất mạnh khỏe, rất tươi sáng, nhịp điệu vô cùng phong phú với những chuyển đoạn rất tài tình. Bài này đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc…”
Bên cạnh đó, những ca khúc trữ tình của nhạc sĩ Văn Cao là những giai điệu đẹp, chạm đến những xúc cảm sâu thẳm trong tâm hồn con người. Suối mơ (Mỹ Linh), Buồn tàn thu (Ánh Tuyết – Hà Trần), Trương Chi (Tùng Dương) đã mang đến cho công chúng những xúc cảm đặc biệt.
Cách đây đúng 78 năm, vào mùa thu lịch sử, ngày 17/8/1945, lần đầu tiên ca khúc Tiến quân ca vang lên đầy tự hào trước biển người rộng lớn tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội và sau đó được lựa chọn làm Quốc ca Việt Nam. Tiến quân ca đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam qua bao thăng trầm của lịch sử, trở thành một phần thiêng liêng không thể thay thế trong tâm hồn, máu thịt mỗi người con đất Việt.
Ngày hôm nay, khúc hát này lại được ngân lên bởi hàng ngàn con người Việt Nam tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Khoảnh khắc lịch sử được tái hiện đầy xúc động, thiêng liêng. Những lá cờ đỏ sao vàng mang hồn sông núi được treo cao ở Nhà hát Lớn cùng sự xuất hiện của hàng trăm nghệ sĩ của đoàn quân nhạc, hàng trăm diễn viên và quần chúng nhân dân cất tiếng hát Quốc ca đầy tự hào. Lớp lớp người dân Việt Nam chung một ý chí, niềm tin về sức mạnh trường tồn của dân tộc.
Ca khúc Bến Xuân – Đàn chim Việt vang lên hào hùng qua phần thể hiện của các giọng ca hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam: NSND Quang Thọ, NSND Quốc Hưng, NSƯT Thanh Lam, Lan Anh, Thắng Lợi, Tùng Dương, Đào Tố Loan… đã khép lại đêm nghệ thuật tri ân nhạc sĩ Văn Cao.
Khép lại chương trình là hình ảnh đàn chim Việt bay cao mang theo ước mong về một đất nước hoà bình thống nhất, một đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Đó là ước mong sâu thẳm trong trái tim mỗi con người Việt Nam, ở bất cứ nơi nào được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, đoàn kết, yêu thương, cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thi tài năng nghệ thuật múa, múa rối và kịch nói toàn quốc
Tối 20/8, tại Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội), Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức khai mạc ba cuộc thi tài năng nghệ thuật gồm: Cuộc thi Tài năng Múa rối toàn quốc 2022, Cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc 2023 và Cuộc thi Tài năng Diễn viên kịch nói toàn quốc 2023, với sự tham dự của đông đảo đại biểu và các nghệ sĩ.
Ngày Vu lan báo hiếu 2023 là ngày nào?
Lễ Vu lan là một dịp quan trọng trong năm, đây là lúc các gia đình thể hiện lòng thành kính đức Phật và báo hiếu gia tiên, vậy ngày Vu lan báo hiếu 2023 là ngày nào?
Theo VTC News
Xúc động chương trình nghệ thuật, Đàn chim Việt, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao