BẮC GIANG – Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 96-KH/TU lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ 2020-2025 đối với cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý.
Hội nghị sơ kết công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Quốc Trường. |
Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ. Cùng đó, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để thực hiện công tác cán bộ.
Với yêu cầu trên, trong Kế hoạch nêu rõ phạm vi, thời điểm, đối tượng, nơi lấy phiếu, thành phần ghi phiếu tín nhiệm; tiêu chí, quy trình, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong lấy phiếu tín nhiệm và việc công khai, sử dụng kết quả phiếu.
Cụ thể, về phạm vi: Lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý đang công tác ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện. Không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những đồng chí đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu. Đối với cán bộ giữ nhiều chức danh, chức vụ lãnh đạo thì lấy phiếu tín nhiệm tối đa ở 2 nơi (kể cả các trường hợp 1 người đồng thời giữ nhiều chức danh).
Về thời điểm: Lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp). Các chức danh do HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo quy định của Quốc hội; ủy viên BTV cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm sau khi HĐND cùng cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu; cấp trưởng, phó các sở, ban, ngành tỉnh lấy phiếu tín nhiệm xong trong tháng 9/2023.
Về tiêu chí: Thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo 2 tiêu chí đó là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu).
Tiêu chí đầu tiên bao gồm: Lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ nhân dân; ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú…
Đối với tiêu chí thứ hai, được cụ thể qua kết quả lãnh đạo, tham mưu tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc…
Kế hoạch cũng quy định rõ về trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin trung thực, chính xác về các nội dung lấy phiếu tín nhiệm theo quy định và gửi đến cơ quan hoặc bộ phận tham mưu về tổ chức, cán bộ trước ngày lấy phiếu tín nhiệm 20 ngày. Chậm nhất 3 ngày trước ngày lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin bổ sung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu tín nhiệm (nếu có).
Trách nhiệm của người ghi phiếu tín nhiệm: Cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá khách quan, thận trọng, trung thực, công tâm về người được lấy phiếu tín nhiệm và nội dung báo cáo, giải trình (nếu có) để thể hiện mức độ tín nhiệm đối với từng chức danh cán bộ vào phiếu tín nhiệm theo 3 mức: “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm”, “Tín nhiệm thấp”. Khi có vấn đề cần làm rõ thì người ghi phiếu đặt yêu cầu bằng văn bản đối với người được lấy phiếu chậm nhất là 10 ngày trước ngày lấy phiếu tín nhiệm.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Từ đó, góp phần thực hiện nghiêm và có hiệu quả chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Ngô Văn Nam
Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy
Bắc Giang, lấy phiếu tín nhiệm, giữa nhiệm kỳ, cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý