(BGĐT) – Qua nghiệp vụ điều tra, mới đây lực lượng công an tỉnh Bắc Giang đã bắt đối tượng truy nã Tống Thị Lan (SN 1999), quê thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) khi đang ở tỉnh Thanh Hóa (Lan từng sống chui lủi tại cả Trung Quốc và Việt Nam) về tội mua bán người.
Chỉ vì ham chơi, cần tiền tiêu xài mà Lan cùng một đối tượng khác đã lên kịch bản rủ người bạn thân tên M đi chơi và dã tâm bán sang Trung Quốc lấy vài triệu đồng. M bị đưa sâu vào nội địa ép làm gái mại dâm, sống trong tủi nhục. Trong một lần truy quét tội phạm, M được công an nước này giải cứu, trao trả về Việt Nam và đã làm đơn tố cáo tội ác của Lan. Tới đây, hành vi của Lan sẽ bị luật pháp trừng phạt nhưng nỗi đau của M thì không bao giờ nguôi ngoai.
Nhiều câu chuyện về nạn nhân lừa bán ra nước ngoài bị ép làm gái mại dâm, bóc lột sức lao động, coi thường danh dự, nhân phẩm, thậm chí có trường hợp bị lấy nội tạng hoặc đánh đập đến chết. Hệ lụy của những vụ việc này rất dai dẳng, nhiều nạn nhân rơi vào tình trạng sống dở chết dở, đa số mất khả năng phản kháng, không ít người mất tích. Với những gia đình có người là nạn nhân bị mua bán cũng luôn mang theo nỗi đau rất lớn, dai dẳng kéo dài, thậm chí là cả vài thế hệ. Hậu quả của tội mua bán người gây ra cho xã hội rất nặng nề.
Thủ đoạn của tội phạm mua bán người là lợi dụng vào các mối quan hệ quen biết hoặc qua đầu mối trung gian để tiếp cận, dùng lời lẽ dụ dỗ đưa đi chơi, hứa hẹn tìm việc làm cho nạn nhân với mức lương cao. Có những đối tượng còn công khai ra giá, rủ rê nạn nhân ra nước ngoài lấy chồng, xuất khẩu lao động sẽ có cuộc sống sung sướng và gia đình còn nhận được số tiền lớn. Trước những lời mời hấp dẫn, nhiều nạn nhân tự nguyện vào bẫy.
Gần đây, các đối tượng còn sử dụng triệt để công nghệ thông tin, trang mạng zalo, facebook, điện thoại di động tiếp cận, mời gọi tham gia vào hội nhóm, diễn đàn hoặc chơi game, từ đó làm quen, tìm hiểu gia cảnh, tạo mối quan hệ thân thiện rồi gặp gỡ kết bạn. Khi đó, chúng sẽ tạo dựng các tình huống cạm bẫy, nào là đi làm “việc nhẹ lương cao”, thậm chí giả vờ yêu đương, rủ đi chơi thậm chí du lịch nước ngoài mà thực chất là đưa nạn nhân vào tròng. Đáng lo ngại, chúng thường nhắm vào trẻ em, nhất là trẻ em gái hoặc thiếu nữ gia cảnh khó khăn nhưng ham chơi, đua đòi, hay những phụ nữ mà nhận thức về pháp luật và hiểu biết xã hội còn hạn chế.
Những năm qua, tại Bắc Giang, lực lượng chức năng đã đấu tranh, triệt phá nhiều vụ án mua bán người. Tuy nhiên, các đối tượng phạm tội có chiêu thức ngày càng tinh vi, thủ đoạn khó lường. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, TP, một số sở, ngành tăng cường công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương. Trong đó lực lượng công an đẩy mạnh dự báo tình hình tội phạm, có giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời. Công an tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” và đang triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người đến hết ngày 30/9 năm nay.
Cạm bẫy mua, bán người giăng mắc và chỉ có thể hóa giải khi mỗi người dân biết cách tự phòng tránh. Vì thế không gì quan trọng hơn là đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, đổi mới giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này, bảo đảm phù hợp từng đối tượng và lứa tuổi, từ đó nâng cao cảnh giác.
Bảo Khánh
Bức xúc vì chậm lương hưu
(BGĐT) – Nhà nước có chủ trương tăng lương cho người lao động từ ngày 1/7/2023. Đúng ngày ấy, công chức, viên chức đã được nhận nhưng người hưởng chế độ hưu trí thì chưa.
Giải bài toán nhân lực
(BGĐT) – Trong khi nhiều địa phương trên cả nước lao động khó tìm việc làm do doanh nghiệp khó khăn tìm đơn hàng thì điều đáng mừng tại Bắc Giang nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn tăng mạnh.
Không để “lạm phát đầu sách”
(BGĐT) – Chỉ còn khoảng một tháng nữa là học sinh bước vào năm học mới. Thời điểm này, nhiều gia đình đang dần chuẩn bị sách, vở, đồ dùng học tập cho con.
Công an, nghiệp vụ, điều tra, cạm bẫy, mua bán người, cảnh giác