(BGĐT) – Ngày 31/7, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo tổng kết thực tiễn công tác tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bắc Giang từ năm 2010 đến nay.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn chủ trì hội thảo.
|
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì. Đến dự có Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) Nguyễn Xuân Tiến; lãnh đạo các ngành thành viên ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh, huyện, TP và cơ sở.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn thông tin Cuộc thi được liên ngành Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức trong suốt 20 năm qua.
Tại Bắc Giang, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức Cuộc thi từ năm 2010 đến nay với sự tham gia của 7 cơ quan gồm: Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh. Sản phẩm, ý tưởng, giải pháp dự thi thuộc các lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập, phần mềm tin học, sản phẩm thân thiện với môi trường, các dụng cụ sinh hoạt gia đình, đồ dùng giải trí và đồ chơi trẻ em, các mô hình ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Đến nay, số lượng, chất lượng mô hình ngày càng nhiều và tốt hơn, khơi dậy phong trào, niềm say mê nghiên cứu khoa học của thanh thiếu niên, nhi đồng. Giai đoạn năm 2010 – 2017, Cuộc thi chỉ tổ chức ở cấp tỉnh, Ban Tổ chức nhận được khoảng 1,8 nghìn mô hình, sản phẩm tham gia. Từ năm 2018 – 2023, Cuộc thi được tổ chức ở cả cấp huyện và tỉnh. Ban tổ chức cấp huyện nhận được hơn 3,5 nghìn mô hình, sản phẩm. Sau khi chấm điểm, cấp huyện gửi 668 mô hình, sản phẩm lên cấp tỉnh đánh giá.
Ban tổ chức lựa chọn hơn 140 mô hình tham dự Cuộc thi toàn quốc, trong đó có 23 mô hình đoạt giải gồm 1 giải Đặc biệt, 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 8 giải Ba và 9 giải Khuyến khích. 4 mô hình tham gia triển lãm quốc tế và khu vực, trong đó có 2 mô hình đoạt Huy chương Bạc Triển lãm sáng tạo Khoa học công nghệ quốc tế và 2 Huy chương Vàng triển lãm sáng tạo Khoa học công nghệ trẻ châu Á.
Ông Nguyễn Xuân Tiến phát biểu tại hội thảo.
|
Hội thảo nhận được 9 ý kiến tham luận, các đại biểu đã tập trung làm rõ thực trạng, những hạn chế, khó khăn khi tổ chức Cuộc thi ở các cấp; đồng thời đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng Cuộc thi tại địa phương, đơn vị mình.
Theo các đại biểu, số lượng, chất lượng mô hình, mức độ vào cuộc của một số đơn vị còn hạn chế; mô hình, cách thức tổ chức dần bộc lộ sự lạc hậu. Có biểu hiện thiếu trung thực trong nghiên cứu, sáng tạo; sự can thiệp thái quá của người lớn làm cho mục đích, ý nghĩa của Cuộc thi bị sai lệch. Chưa có cơ chế hỗ trợ hoàn thiện để đi đến sản phẩm cuối cùng, gây lãng phí nguồn lực…
Ông Nguyễn Xuân Tiến khẳng định, để tổ chức Cuộc thi thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan; công việc cần triển khai đồng bộ, phân công cụ thể. Tham mưu về chế độ động viên, khen thưởng cho đơn vị tổ chức, người hướng dẫn, các em tham gia.
Các đại biểu cũng cho rằng, công tác tuyên truyền về Cuộc thi thông qua trang web của đơn vị, mạng xã hội cần được thực hiện sinh động; tăng cường kinh phí, thời lượng, số lượng tác phẩm báo chí, truyền thông giới thiệu các điển hình tiên tiến, giải pháp có giá trị kinh tế – xã hội.
Ban tổ chức Cuộc thi các cấp cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở hoàn thiện hồ sơ, bản thuyết minh mô hình, sản phẩm tham dự. Ban tổ chức Cuộc thi ở cấp tỉnh, toàn quốc cần xây dựng kho dữ liệu về tác giả, ý tưởng, giải pháp để các đơn vị tham gia có thể nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, tránh trùng lắp.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn kết luận buổi hội thảo.
|
Kết thúc hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn khẳng định ý kiến của các đại biểu tại hội thảo sẽ là căn cứ để Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh tổng hợp, đề xuất cơ chế với tỉnh triển khai Cuộc thi hiệu quả hơn.
Đồng chí đề nghị các cơ quan thường trực và các cơ quan thành viên ban tổ chức cuộc thi các cấp tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương cụ thể hóa cơ chế, chính sách của T.Ư. Từ đó hoàn thiện, tạo ra các cơ chế mới, phù hợp, cụ thể dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng, giáo viên, người hướng dẫn.
Đổi mới công tác tuyên truyền qua báo, đài, mạng xã hội, sử dụng rộng rãi mã QR code; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Tăng cường tổ chức các hoạt động bổ trợ như STEM, ngoại khóa làm tiền đề góp phần nâng cao chất lượng Cuộc thi. Hướng dẫn cho tác giả tham gia tiếp cận nguồn lực từ trong và ngoài tỉnh để hoàn thiện mô hình, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Đề nghị Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong việc công nhận kết quả tham gia Cuộc thi làm cơ sở ưu đãi trong việc tuyển sinh để tác giả có thêm động lực. Quan tâm tập huấn trao đổi về nghiệp vụ, giới thiệu chuyên gia tư vấn, hỗ trợ tác giả hoàn thiện mô hình.
Tin, ảnh: Tuyết Mai
Bắc Giang: Hội thảo khoa học cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
(BGĐT)- Ngày 19/7, Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo khoa học cấp tỉnh với chủ đề giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Khởi đầu sáng tạo – Khát vọng vươn xa”, cơ hội phát triển khoa học và công nghệ Bắc Giang
(BGĐT) – Cùng với sự phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) giữ vai trò tiên quyết đối với sự phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH. Với chủ đề “Bắc Giang, khởi đầu sáng tạo – Khát vọng vươn xa”, Ngày hội Khởi nghiệp, ĐMST tỉnh Bắc Giang năm 2023 (Techfest Bắc Giang 2023) sẽ mở ra những cơ hội phát triển KHCN của tỉnh.