BẮC GIANG – Gần đây lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh, mua bán thực phẩm chức năng (TPCN), mỹ phẩm giả hoặc không rõ nguồn gốc song tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp.
Nhiều chiêu trò dẫn dụ khách hàng
Theo ông Giáp Quang Đăng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, TPCN, mỹ phẩm là những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn nên nguy cơ bị làm giả nhiều. Để quảng bá sản phẩm, chiếm lòng tin của người tiêu dùng, nhiều đối tượng xây dựng hình ảnh, đăng tải clip giới thiệu không đúng sự thật về tính năng, tác dụng một số sản phẩm trên mạng xã hội, thu hút người xem. Chỉ cần dành vài phút lên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, zalo… rồi thực hiện thao tác tìm kiếm, hàng trăm trang cá nhân, hội nhóm tư vấn, giới thiệu, bán TPCN, mỹ phẩm nổi lên.
Một số TPCN không rõ nguồn gốc tại Công ty TNHH Bảo Long Dược. |
Điểm chung của các trang này là giới thiệu chào bán sản phẩm phong phú, đa dạng, từ chống lão hóa, làm đẹp, tăng cường sinh lý cho nam nữ đến hỗ trợ thần kinh, chắc khỏe xương khớp, thải độc cơ thể… Đáng chú ý, nhiều trang mạng còn mời những người nổi tiếng, diễn viên và cả những y, bác sĩ, dược sĩ đã nghỉ hưu quảng cáo giới thiệu thổi phồng công dụng của các sản phẩm, lừa người tiêu dùng sập bẫy.
Chị Phùng Thị M, thị trấn Nếnh (Việt Yên) cho biết: “Vài tháng trước, tôi lên mạng xem clip của một diễn viên nổi tiếng giới thiệu bộ mỹ phẩm có tác dụng làm trắng da, dưỡng ẩm nên đặt mua với giá hơn 2 triệu đồng. Sau 1 tuần sử dụng, mặt tôi nổi mụn, ngứa ngáy. Biết là hàng kém chất lượng, tôi ngừng sử dụng song cũng không thể lấy lại tiền do đã bị chặn tương tác”.
Một vụ việc điển hình mà các cơ quan chức năng vừa triệt phá cuối năm 2013 vừa qua, đó là vụ lừa đảo tài sản tại Công ty TNHH Bảo Long Dược, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân (TP Hà Nội). Đối tượng Đặng Văn Thắng (SN 1994), trú tại xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bảo Long Dược khai nhận, Thắng cùng các “cộng sự” thành lập công ty: Win Big, Bảo Linh Dược, Dược Bảo Long… và xây dựng, đăng tải các clip, video quảng cáo trên mạng xã hội.
Khi khách hàng tương tác, các đối tượng thu thập thông tin rồi gọi điện trực tiếp tư vấn chữa bệnh. Với thủ đoạn trên, từ tháng 10/2022 đến thời điểm khám xét, Thắng cùng đồng bọn đã bán khoảng 80 nghìn đơn hàng cho hơn 20 nghìn người ở khắp các tỉnh, TP trên cả nước, thu lợi bất chính gần 80 tỷ đồng. Vụ việc đang được điều tra mở rộng.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Qua tìm hiểu được biết, năm 2023, lực lượng chức năng tỉnh, các huyện, TP phát hiện, kiểm tra, bắt giữ và xử lý 344 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 114 vụ về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 1.617 vụ về gian lận thương mại, an toàn thực phẩm… Trong đó có nhiều vụ sản xuất, kinh doanh TPCN, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Cán bộ Cục Quản lý thị trường phối hợp với Công an huyện Tân Yên kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ MTPD. |
Ví dụ như ngày 12/9/2023, lực lượng QLTT phối hợp với Công an huyện Tân Yên kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ MTPD, thôn Hàng Cơm, xã Việt Lập (Tân Yên).
Qua kiểm tra, đoàn phát hiện tại khu vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này có một số mỹ phẩm và nguyên liệu để sản xuất (đóng gói) mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mang nhãn hiệu giả mạo… Trước đó, tổ công tác của Sở Y tế cũng kiểm tra, lập biên bản đối với các Công ty: TNHH Thương mại và phát triển Bảo Minh, xã Hồng Giang (Lục Ngạn); TNHH Thương mại Thuần Hoa, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) do quảng cáo sản phẩm trên website, mạng xã hội khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.
Người dân kịp thời phản ánh đến số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế 0967.721.919 để cung cấp thông tin vi phạm về TPCN, mỹ phẩm, dược phẩm; số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh 0981.027.389 nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. |
Mặc dù các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý và có những cảnh báo về tác hại của TPCN, mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc nhưng không ít người tiêu dùng vẫn bị rơi vào “bẫy” của các đối tượng.
Theo đại diện Phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế), mỹ phẩm không phải loại hình kinh doanh có điều kiện (được thẩm định, cấp phép) nên số lượng các cơ sở kinh doanh nhiều, hình thức kinh doanh đa dạng.
Nhiều đối tượng thực hiện quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, việc quản lý gặp khó khăn. Để ngăn chặn, trong năm 2023, Bộ Y tế có cảnh báo người tiêu dùng cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y để tư vấn bệnh, tư vấn dùng các sản phẩm chữa bệnh, quảng cáo sản phẩm không rõ nguồn gốc; thông báo công khai, yêu cầu các địa phương kiểm tra, thu hồi các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Cơ quan chuyên môn của Sở Y tế đang tập trung rà soát, kiểm tra, thu hồi sản phẩm.
Với trách nhiệm cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, dịp này, Cục QLTT tỉnh đang ra quân kiểm tra, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Đối với hành vi sản xuất, kinh doanh TPCN, mỹ phẩm, Cục sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu vi phạm; tăng cường rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin với các đơn vị liên quan để phát hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng lợi dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn mua sản phẩm có đầy đủ thông tin tại các cơ sở uy tín; không nên tin theo chiêu trò dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng. Kịp thời phản ánh nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng để lực lượng chức năng có căn cứ kiểm tra, xử lý”, ông Giáp Quang Đăng khuyến cáo.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, mua bán thuốc, thực phẩm chức năng
(BGĐT) – Việc tổ chức hội thảo tặng quà kết hợp giới thiệu, bán thuốc, thực phẩm chức năng gần đây lại tái diễn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Nhiều người dân đã bỏ ra những khoản tiền không hề nhỏ để mua bởi tin vào lời quảng cáo các sản phẩm này như thần dược cho sức khỏe.
Thực phẩm chức năng “made in Korea, Japan…” nhưng sản xuất tại Chương Mỹ
Gần 12.000 lọ/hộp thực phẩm chức năng được đóng gói thành phẩm với bao bì nhãn mác bắt mắt. Đáng chú ý, mặc dù được sản xuất và đóng gói tại căn nhà chật hẹp ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) song bên ngoài các vỏ hộp phần lớn được thể hiện có xuất xứ từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, quảng bá sản phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm rởm, hàng giả, hàng kém chất lượng, Quản lý thị trường