Mỗi cán bộ, công chức, viên chức sẽ có một mã định danh duy nhất, được kết xuất từ cơ sở dữ liệu quốc gia và in trên thẻ đeo hằng ngày, Bộ Nội vụ đề xuất.
Cán bộ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh tháng 1/2021. |
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định mẫu và quản lý, sử dụng thẻ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, mã định danh in trên thẻ cán bộ, công chức, viên chức, được tạo thành bởi ba trường thông tin: cơ quan, số căn cước công dân, chức danh hoặc chức vụ. Mã định danh này trích xuất từ cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Công chức nào chưa cập nhật thông tin lên cơ sở dữ liệu sẽ không được cấp thẻ.
Các thông tin này để nhận biết vị trí, chức vụ công chức. Thẻ công chức có thể làm bằng nhựa hoặc thẻ điện tử có gắn chíp lưu trữ thông tin. Mỗi chức danh, vị trí sẽ có màu tương ứng.
Trên thẻ còn in QR Code để xác định thông tin cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức qua thiết bị thông minh. Thông tin gồm ngày tháng năm sinh, giới tính, số căn cước công dân, mã đơn vị công tác, chức danh…
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất xây dựng ứng dụng (app) thẻ cán bộ, công chức, viên chức để tra cứu thông tin.
Căn cứ vào điều kiện thực tế, các cơ quan sẽ cấp thẻ nhựa hoặc thẻ điện tử và khuyến khích người làm trong khu vực công dùng ứng dụng thẻ công chức.
Thời gian qua, nhiều đơn vị đã ứng dụng công nghệ, làm thẻ công chức điện tử ra vào cơ quan, khóa phòng làm việc… Tuy nhiên, thực tế còn nhiều bất cập như công chức chưa hiểu được ý nghĩa việc đeo thẻ; một số nơi thực hiện quy định đeo thẻ chưa nghiêm.
Thẻ công chức hiện nay chỉ có giá trị trong nội bộ cơ quan, chưa thể sử dụng ở đơn vị khác trong hệ thống cơ quan nhà nước và xã hội. Mẫu thẻ, chất liệu chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng lâu bền, ứng dụng công nghệ hiện đại.
Vì vậy, Bộ Nội vụ cho rằng đề xuất xây dựng quy định và quản lý thẻ công chức quy mô quốc gia là cần thiết. Thẻ công chức điện tử sẽ được thiết kế hiện đại, thể hiện rõ thứ bậc hành chính, dễ nhận biết, đảm bảo an toàn. Cán bộ, công chức, viên chức phải đeo thẻ khi làm việc tại cơ quan, đơn vị; khi thực thi công vụ, thực hiện nhiệm vụ.
Bộ Nội vụ quản lý kỹ thuật thẻ điện tử và nền tảng cơ sở dữ liệu thẻ. Các bộ, ngành, địa phương phân cấp thực hiện cấp và quản lý thẻ đã cấp cho các đối tượng trong cơ quan, đơn vị mình.
Cuối năm 2022, Bộ Nội vụ khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước.
Cơ sở dữ liệu quốc gia này quản lý khoảng 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử; cung cấp thông tin đầy đủ về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước, phục vụ quản lý biên chế và sử dụng nhân lực.
Đổi mới giáo dục nghề nghiệp, nâng chất lượng nguồn nhân lực
BẮC GIANG – Linh hoạt phương thức đào tạo, nâng chất lượng nguồn nhân lực để tăng cơ hội việc làm cho người học là mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Nhờ đó, chất lượng lao động qua đào tạo từng bước nâng lên, đáp ứng thị trường lao động, nhất là các khu, cụm công nghiệp.
Cuộc thi an toàn thông tin cho sinh viên Việt Nam diễn ra ngày 6/1/2024
Tính đến ngày 23/12, cuộc thi kiến thức và kỹ năng an toàn thông tin có tên gọi “CSTV Capture The Flag 2023” dành cho sinh viên đã nhận được hồ sơ đăng ký dự thi của 40 đội thi, đến từ 19 trường đại học, cao đẳng và học viện trong cả nước. Cuộc thi do Làng Công nghệ an toàn không gian mạng tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6/1/2024 theo hình thức trực tuyến (online).
Theo VnExpress