Lễ khai giảng năm học 2024 – 2025 được Học viện Y – dược học cổ truyền (Bộ Y tế) tổ chức hôm nay 26.9, tại Hà Nội.
Tại lễ khai giảng, PGS-TS Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y – dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết năm học 2024 – 2025, học viện đã tuyển sinh các chương trình đào tạo trình độ đại học và sau đại học với hơn 1.100 sinh viên, đạt 100% chỉ tiêu tuyển sinh. Điểm thi của 3 ngành (y học, dược học và sau đại học) đều cao hơn năm trước. Hiện học viện có gần 6.500 sinh viên, học viên.
Với ngành học mới của học viện, Bộ Y tế đã có quyết định thẩm định 2 mã ngành bác sĩ chuyên khoa 1 nội và bác sĩ chuyên khoa 1 ngoại và 1 mã ngành thạc sĩ dược liệu dược học cổ truyền đang trình Bộ GD-ĐT phê duyệt mở mã ngành.
Ông Huy khẳng định, nâng cao chất lượng đào tạo luôn được học viện quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Học viện đang triển khai chương trình hợp tác với tổ chức HAIVN của Đại học Harvard tại Việt Nam triển khai các hoạt động đào tạo tập huấn các giảng viên trong 6 tháng, với 15 chuyên đề để đổi mới đào tạo ngành y khoa (là nguyên lý cho các ngành khác) theo hướng đào tạo dựa trên năng lực cần đạt được sau khi tốt nghiệp.
Giám đốc Học viện Y – dược học cổ truyền Việt Nam đề nghị các sinh viên, học viên cần năng động hơn trong những giờ lên lớp học lý thuyết, học lâm sàng tại các bệnh viện; liên tục nâng cao năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin…
Theo Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030, 100% bác sĩ y học cổ truyền được đào tạo liên tục, đào tạo chuyên sâu sau đại học các chuyên khoa về y học hiện đại; xây dựng, chuẩn hóa tài liệu đào tạo, tài liệu chuyên môn về kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại dùng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh, số lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có lồng ghép giữa y dược cổ truyền với y dược hiện đại.
Đại diện một số bệnh viện chia sẻ, việc nâng cao chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo bác sĩ y học cổ truyền là ưu thế về cơ hội việc làm, đặc biệt là chất lượng chuyên môn trong khám, chữa bệnh với các sinh viên sau tốt nghiệp.
Theo kết quả nghiên cứu về thực trạng và nhu cầu đào tạo liên tục về y học cổ truyền của bác sĩ tại các bệnh viện đa khoa ở Hà Nội năm 2022 cho thấy, có 74% số bác sĩ đã tham gia các khóa đào tạo liên tục, nội dung chiếm chủ yếu là các kiến thức điều trị bằng y học cổ truyền.
Đào tạo trực tiếp tại cơ sở đào tạo là hình thức tham gia nhiều nhất với 58,2%. Nhu cầu được đào tạo liên tục về y học cổ truyền lên đến 93,75%.
(Tổng hội Y học Việt Nam)
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-y-hoc-co-truyen-can-nang-cao-ngoai-ngu-185240926183617085.htm