ThS.Bs Võ Anh Minh, Trưởng đơn vị Can thiệp mạch vành, Trung tâm Can thiệp mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, điều trị nhồi máu cơ tim cấp bằng liệu pháp tái tưới máu hiện đại như can thiệp mạch vành qua da (PCI) chỉ phụ thuộc vào thời gian.
Do vậy, trì hoãn điều trị, bỏ lỡ giờ vàng sẽ dẫn đến nguy cơ bệnh tật và tử vong cao. Hơn 95% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp mất “giờ vàng” điều trị do đến bệnh viện trễ.
Bác sĩ Minh nhấn mạnh, có 4 khung giờ can thiệp nhồi máu cơ tim người bệnh cần lưu ý để không bỏ lỡ “giờ vàng” điều trị.
Giờ vàng đó là 1-2 giờ đầu bệnh nhân xuất hiện cơn đau ngực. Lúc này cơ tim chỉ bị tổn thương nhẹ nên việc tái tưới máu cơ tim hiệu quả nhất, hạn chế cơ tim chết, giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng.
Giờ bạc, 2-6 giờ từ khi khởi phát triệu chứng nhồi máu cơ tim. Lúc này, một lượng cơ tim tổn thương nhất định, việc cứu cơ tim sẽ giảm hiệu quả hơn.
Giờ đồng, từ 6-12 giờ xuất hiện triệu chứng, những cơ tim bị tổn thương sẽ mất vĩnh viễn, có nguy cơ biến chứng nặng.
Giờ hy vọng mong manh, sau 12 giờ khởi phát cơn đau thắt ngực. Giai đoạn này, cơ tim chết lan rộng, tỷ lệ thành công khi can thiệp rất thấp, nguy cơ để lại nhiều di chứng, tử vong cao.
Bác sĩ Minh khuyến cáo, người bệnh cần nhập viện cấp cứu ngay khi xuất hiện các triệu chứng như đau thắt ngực với biểu hiện đè nặng, đau tức, bóp nghẹn ở sau xương ức;
Cơn đau kéo dài 5-7 phút trở lên, có thể lan lên cằm, vai hoặc cánh tay; khó thở; tim đập nhanh; đổ mồ hôi lạnh; tê mỏi tay chân; buồn nôn, khó tiêu/ợ chua, khó chịu hoặc đau dạ dày; xây xẩm, chóng mặt; ngất xỉu.
Bệnh tim mạch là nguyên nhân chính gây tử vong trên toàn cầu. Hơn ba phần tư số ca tử vong này xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Bệnh mạch vành, đặc biệt nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh tim mạch hàng đầu với tỷ lệ tử vong cao.