Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành công cụ đắc lực trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ AI vào chẩn đoán sâu bệnh và quản lý dinh dưỡng cây trồng không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại mà còn nâng cao hiệu quả canh tác cho nông dân.

Trong bối cảnh đó, ứng dụng “2NÔNG” của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) nổi lên như một giải pháp tiên phong đầy hứa hẹn.

Trước đây, nông dân thường dựa vào kinh nghiệm cá nhân hoặc sự hỗ trợ của kỹ sư nông nghiệp để phát hiện và xử lý sâu bệnh. Tuy nhiên, cách làm này không phải lúc nào cũng hiệu quả, nhất là khi thời gian phát hiện và xử lý bị chậm trễ.

Do đó, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, đã trở thành xu hướng tất yếu nhằm giúp nông dân quản lý cây trồng tốt hơn.

Khả năng nhận diện hình ảnh và phân tích dữ liệu chính xác

Nhận thấy nhu cầu cấp thiết về một giải pháp công nghệ trong nông nghiệp, năm 2018, PVCFC chính thức ra mắt ứng dụng “2NÔNG”. Ðây là sản phẩm hợp tác giữa đội ngũ kỹ sư của công ty và các chuyên gia công nghệ hàng đầu, được thiết kế nhằm hỗ trợ nông dân quản lý sâu bệnh và chăm sóc cây trồng một cách hiệu quả.

“2NÔNG” đã có mặt trên nhiều nền tảng, bao gồm website, App Store, Google Play và CHPlay, giúp nông dân dễ dàng tải và sử dụng ứng dụng mọi lúc, mọi nơi.

Anh Nguyễn Long Phúc, chuyên viên Bigdata PVCFC, thông tin: “Ứng dụng “2NÔNG” tích hợp nền tảng trí tuệ nhân tạo với khả năng nhận diện hình ảnh và phân tích dữ liệu chính xác.

Người dùng chỉ cần chụp ảnh cây trồng hoặc triệu chứng bệnh và tải lên ứng dụng, hệ thống sẽ tự động phân tích và đưa ra chẩn đoán chi tiết.

Các giải pháp xử lý cụ thể cũng được đề xuất, giúp bà con có thể nhanh chóng ứng phó mà không cần tốn thời gian tìm kiếm hoặc nhờ đến sự hỗ trợ trực tiếp”.

Theo đánh giá của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), độ chính xác của ứng dụng AI trong chẩn đoán sâu bệnh của “2NÔNG” đạt hơn 96%.

Ðây là một kết quả ấn tượng, không chỉ khẳng định chất lượng vượt trội của ứng dụng mà còn chứng minh vị thế nổi bật của “2NÔNG” trong việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp.

Từ khi ra mắt, “2NÔNG” đã chứng minh giá trị của mình qua những câu chuyện thực tế từ người sử dụng. Theo chị Nguyễn Thị Mai, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, trước đây mỗi khi phát hiện lúa có dấu hiệu bất thường, vợ chồng chị thường phải đợi kỹ sư nông nghiệp kiểm tra tại chỗ, đôi khi mất đến vài ngày. Với “2NÔNG”, chị chỉ cần chụp ảnh lá lúa và tải lên ứng dụng.

Chưa đầy 5 phút, kết quả chẩn đoán được trả về, kèm theo hướng dẫn chi tiết về loại thuốc cần sử dụng. “Nhờ phát hiện và xử lý kịp thời, vụ mùa vừa rồi của tôi đạt năng suất cao hơn các năm trước. Ứng dụng này thực sự hữu ích và dễ sử dụng, ngay cả với người không rành về công nghệ như tôi”, chị Mai phấn khởi.

Không chỉ dừng lại ở việc phát hiện và chẩn đoán sâu bệnh, “2NÔNG” còn đóng vai trò như một trợ thủ đắc lực giúp bà con nông dân quản lý toàn diện quy trình canh tác.

Ứng dụng này cung cấp các giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng sâu bệnh và thiếu dinh dưỡng, từ đó giúp hạn chế thiệt hại, nâng cao năng suất cây trồng một cách đáng kể. Bên cạnh đó, “2NÔNG” còn hỗ trợ bà con dự báo thời tiết chính xác theo từng khu vực, giúp họ chủ động trong việc lên kế hoạch gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Các thông tin quan trọng như giá thị trường nông sản hay giá phân bón cũng được cập nhật liên tục, giúp nông dân dễ dàng theo dõi và điều chỉnh kế hoạch sản xuất.

Ðây được xem là một “thư viện nông nghiệp số”, mà mọi nông dân có thể tiếp cận chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại.

Ngoài ra, “2NÔNG” còn mang đến một kênh tư vấn trực tuyến với đội ngũ chuyên gia nông nghiệp giàu kinh nghiệm, sẵn sàng giải đáp những thắc mắc và đưa ra lời khuyên cụ thể cho từng vấn đề.

Song song đó, ứng dụng xây dựng một cộng đồng nông nghiệp trực tuyến năng động, nơi bà con có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia hàng đầu.

Với hệ sinh thái chức năng toàn diện này, “2NÔNG” không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn trở thành cầu nối gắn kết bà con nông dân với những giải pháp nông nghiệp tiên tiến nhất hiện nay.

Giao diện của ứng dụng

Giao diện của ứng dụng “2NÔNG” và tính năng chẩn đoán sâu bệnh bằng công nghệ AI.

Bạn đồng hành của bà con nông dân

Qua từng năm, PVCFC không ngừng đổi mới và nâng cấp các ứng dụng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng. Phiên bản cải tiến mới nhất của “2NÔNG” được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với khả năng chẩn đoán vượt trội, giúp nông dân nhận diện hơn 22 loại sâu bệnh phổ biến trên các cây trồng chủ lực và 8 triệu chứng thiếu dinh dưỡng trên cây cà phê và hồ tiêu.

Ứng dụng này hỗ trợ nhận dạng hơn 400 loại cây trồng, phát hiện sâu bệnh trên 4 nhóm cây chủ lực, đồng thời đánh giá sự mất cân đối dinh dưỡng ở các yếu tố đa – trung – vi lượng, giúp người dùng dễ dàng điều chỉnh và chăm sóc cây trồng hiệu quả.

Ðặc biệt, công nghệ AI trong ứng dụng được tối ưu hoá để nhận diện chính xác hình ảnh từ nhiều góc độ và điều kiện ánh sáng khác nhau, giúp đảm bảo độ tin cậy cao trong chẩn đoán.

Tại lễ ra mắt phiên bản mới, diễn ra ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Ðắk Lắk vào tháng 12/2024, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó tổng giám đốc PVCFC, cho biết: “2NÔNG” không chỉ là một ứng dụng công nghệ mà còn là người bạn đồng hành của bà con nông dân.

Với độ chính xác cao trong chẩn đoán sâu bệnh, nhận biết cây trồng thiếu dinh dưỡng, hay cung cấp thông tin thời tiết, giá cả nông sản của ứng dụng, chúng tôi tự hào mang đến một giải pháp đột phá, ứng dụng AI vào nông nghiệp.

Ðây không chỉ là kỹ thuật, mà là sự cam kết đồng hành cùng bà con để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, hiện đại. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm những giải pháp vượt trội để bà con có thể tối ưu hoá hiệu quả sản xuất”.

Việc ứng dụng AI trong nông nghiệp không chỉ là xu thế mà còn là giải pháp thiết yếu để giải quyết các thách thức mà ngành này đang phải đối mặt. Với sự hỗ trợ của các ứng dụng như “2NÔNG”, nông dân giờ đây có thể quản lý sâu bệnh hiệu quả, tối ưu hoá quá trình canh tác từ khâu gieo trồng đến thu hoạch. “2NÔNG” đã có mặt trên nhiều nền tảng, bao gồm website, App Store và Google Play, giúp bà con nông dân dễ dàng tải và sử dụng ứng dụng mọi lúc, mọi nơi.

Theo Việt Mỹ (Báo Cà Mau)