Gần đây, xu hướng ‘hành tây nướng giấy bạc’ đang lan truyền trên mạng xã hội, được nhiều người thực hiện. Theo ý kiến chuyên gia, bên cạnh những lợi ích dinh dưỡng, cũng cần lưu ý khi ăn hành tây để đảm bảo sức khỏe.
Nhiều công dụng bất ngờ từ hành tây
Bác sĩ chuyên khoa 1 Bùi Thị Yến Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3 cho biết, các sulfoxide (một hợp chất hữu cơ có chứa lưu huỳnh) trong hành tây có thể làm giảm trầm cảm và căng thẳng, cải thiện giấc ngủ. Do đó, việc kết hợp hành tây vào chế độ ăn uống cân bằng có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ngoài ra, hành tây còn giúp tăng cảm giác thèm ăn, thúc đẩy tiêu hóa, làm chắc xương…
Theo y học cổ truyền, hành tây có vị cay, tính ấm, có tác dụng sát trùng, lợi tiểu, trừ đàm và hỗ trợ giảm các triệu chứng của cảm lạnh thông thường. Hành tây chứa nhiều khoáng chất, rất giàu vitamin B (folate) và vitamin C, chất chống oxy hóa, hợp chất lưu huỳnh. Trong đó có quercetin (một chất chống oxy hóa) có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách chống viêm, hạ thấp mức triglyceride (một loại chất béo) và cholesterol, duy trì độ đàn hồi của mạch máu, giảm độ nhớt của máu; từ đó giúp ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong động mạch do lượng cholesterol tăng cao, giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pharmacy & Pharmacology International Journal (Mỹ) đã xem xét tác dụng của hành tây về khả năng hạ cholesterol. Những người tham gia được khuyên ăn 200 gram hành tây mỗi ngày, kết quả cho thấy tổng lượng cholesterol của họ đã giảm đáng kể sau thời gian theo dõi 8 tuần.
Ăn hành tây thế nào, với lượng bao nhiêu mỗi ngày là tốt?
Nói về những “kiêng kỵ” trong việc kết hợp hành tây với các thực phẩm khác, bác sĩ Yến Nhi chia sẻ: “Một số thành phần trong hải sản có thể phản ứng với vitamin C có trong hành tây, tạo ra các chất có hại cho cơ thể. Mặc dù hải sản rất giàu chất dinh dưỡng nhưng khi ăn nhiều cùng với hành tây có thể gây ảnh hưởng đến việc hấp thụ chất dinh dưỡng. Vì vậy, khi thưởng thức các món ngon hải sản, nên cố gắng tránh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu vitamin C như hành tây”.
Ngoài ra, bác sĩ Yến Nhi cũng cho rằng khi nấu chín hành tây, một số chất dinh dưỡng sẽ bị mất đi, nhưng có thể làm tăng nồng độ chất chống oxy hóa: “Hành tây sống còn chứa chất phytocide như allicin, có khả năng diệt khuẩn mạnh, tốt hơn ăn chín. Tuy nhiên, ăn sống dễ gây kích ứng đường tiêu hóa, không thích hợp với những người có đường tiêu hóa kém, không nên ăn hành sống khi bụng đói và tốt nhất nên ăn với một lượng thức ăn vừa phải”.
Các nhà khoa học thấy rằng việc nấu hành tây sơ qua có thể làm tăng tác dụng tác dụng chống oxy hóa. Theo một nghiên cứu năm 2021 được đăng tải trên NIH (Viện Y tế Quốc gia Mỹ), khi nấu chín hành tây (đặc biệt là nướng) làm tăng khả năng cung cấp polyphenol (một chất có khả năng chống oxy hóa mạnh), giúp tăng cường sức khỏe.
Mặt khác, tiêu thụ quá nhiều hành tây cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như hôi miệng, đau dạ dày, ợ nóng, đầy hơi… Cần chú ý ăn một cách điều độ, không nên lạm dụng, người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ khoảng 200-375 gram hành tây mỗi ngày.
Những ai nên hạn chế ăn hành tây?
Bác sĩ Yến Nhi có biết, dù có nhiều công dụng tốt, nhưng một số nhóm người sau cần hạn chế ăn hành tây:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: Cần giữ an toàn và tuân thủ liều lượng trong thực phẩm.
- Người có tiền sử dị ứng: Những người bị dị ứng với thực phẩm họ hành (tỏi, măng tây, tỏi tây…).
- Người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS).
- Người bệnh ung thư dạ dày, loét dạ dày, loét tá tràng, trào ngược thực quản: Ăn quá nhiều hành tây sẽ gây kích ứng ruột, tăng tiết dịch vị, gây phù nề niêm mạc ruột, từ đó làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
- Người đang sử dụng các thuốc chống đông máu: Hành tây có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông, có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tu-xu-huong-hanh-tay-nuong-giay-bac-bac-si-chi-cach-an-hanh-tay-an-toan-185241117170439355.htm