Trên thực tế, từ góc độ cải thiện quá trình tiêu hóa và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn rau sống có thể không phải là lựa chọn tốt nhất.
Rau sống thực sự có thể giữ được chất dinh dưỡng ở mức tối đa. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày nay, nhiều người theo đuổi các khái niệm thực phẩm tươi sống và bổ dưỡng, thay thế cá và thịt bằng salad rau… Họ cho rằng, ăn rau sống không chỉ giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn mà còn có thể thưởng thức hương vị nguyên bản của món ăn.
Bài viết dưới đây của bác sĩ Bian Huawei, trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện trực thuộc Đại học Tôn Trung Sơn, Trung Quốc phân tích về điều này.
Rau là thực phẩm cung cấp chất xơ, khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa. Rau sống thực sự có thể giữ được chất dinh dưỡng ở mức tối đa.
Tuy nhiên, không phải loại rau nào cũng có thể ăn sống và một số chất dinh dưỡng cần có nhiệt độ cao để cơ thể hấp thụ tốt hơn.
Có hai loại rau khi ăn sống sẽ gây hại cho sức khỏe. Một là các loại rau củ có hàm lượng axit oxalic cao.
Axit oxalic sẽ phản ứng với canxi, magie và các khoáng chất khác tạo thành kết tủa không tan, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu khoáng chất. Về lâu dài, axit oxalic cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc sỏi đường tiết niệu và sỏi thận.
Khi chế biến rau đúng cách có thể loại bỏ một phần axit oxalic có bên trong. Một thí nghiệm từng được thực hiện là khi đun rau bina và rau dền trong nước sạch, nhiệt độ nước càng cao, tỷ lệ axit oxalic càng thấp.
Do đó, các loại rau có hàm lượng axit oxalic cao như rau muống, rau dền, cần tây không thích hợp ăn sống mà nên chế biến bằng nhiệt.
Loại còn lại là rau chứa độc tố như đậu thận (chứa saponin và phytohemagglutinin). Nếu ăn sống loại này có thể gây buồn nôn, nôn mửa và các triệu chứng khác, trường hợp nặng là tử vong. Nhưng chất độc này có thể bị phá hủy khi đun nóng.
Ngoài ra, từ góc độ an toàn thực phẩm, rau sống có nhiều dư lượng thuốc trừ sâu và vi khuẩn gây bệnh, dễ gây khó chịu cho đường tiêu hóa.